Các đại biểu tham gia trồng 600 cây xanh tại thành phố Hokkaido, Nhật Bản - Ảnh: CÔNG NHẬT |
"Mùa đông ở Bắc Kinh là thời điểm ô nhiễm không khí diễn ra nghiêm trọng nhất vì nhà nhà dùng máy lạnh hoặc các loại khí, gỗ đốt thải độc trực tiếp vào không khí.Trong khi đó không khí ở Nhật Bản lại rất trong lành và đây là điều khiến tôi vô cùng bất ngờ vì Nhật là quốc gia công nghiệp |
Shi Anshu (ĐH Thanh Hoa,Trung Quốc) |
Điều để lại ấn tượng lớn nhất ở Cho Jaeeun (chuyên ngành tâm lý ĐH Hàn Quốc) về ASEP 2016 là chuyến tham quan Vườn quốc gia Shiretoko (Hokkaido), nơi bạn được nghe những câu chuyện thú vị về cách người Nhật bảo vệ những động vật, giống cây quý hiếm...
“Vì khu vực này có gấu thật sinh sống nên chúng tôi có chút lo lắng, nhưng nhờ người hướng dẫn mà tôi biết được cách để có thể đuổi gấu đi, tránh để chúng tấn công. Tôi cũng biết được những loại cây độc nào cần lưu ý sau này” - Cho Jaeeun hồ hởi chia sẻ.
Không chỉ với các bạn trẻ nước ngoài mà ASEP cũng đem lại những “điều đầu tiên” đầy thú vị với chính các thành viên người Nhật. Đại biểu Yamashita Yuki (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho biết dù trước đó đọc sách rất nhiều về Hokkaido nhưng chuyến đi đã tạo cơ hội cho bạn có những trải nghiệm thực tế đáng quý.
“Chẳng hạn như việc được gặp một đại diện thuộc tộc người thiểu số Nhật Bản Ainu bằng xương bằng thịt, nghe những tâm tư, câu chuyện về cuộc sống, về môi trường... từ họ với tôi là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Nối kết văn hóa
Bà Revina Amanda P (đoàn Indonesia) cho biết bản thân có nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa, phong cảnh độc đáo Nhật Bản như văn hóa tắm nước nóng công cộng (Onsen). Điều bất tiện duy nhất là về rào cản ngôn ngữ (phần lớn người Nhật vẫn chưa dùng nhiều tiếng Anh) nên các đại biểu chưa khai thác được tối đa những vấn đề bản thân quan tâm.
Đại biểu Nhật Bản Yamashita Yuki cho biết trước đây đã có dịp tham gia hai hội thảo khoa học quốc tế tại Mỹ và Đài Loan nhưng theo bạn, ASEP là hội thảo ý nghĩa nhất.
“Những chương trình kia các đại biểu chỉ đến và lắng nghe bài giảng, còn ở ASEP chúng tôi thật sự được hòa nhập, giao lưu văn hóa, kiến thức... bởi được tiếp cận thường xuyên với các giáo sư không chỉ trong phòng họp mà cả các chuyến dã ngoại.
Mọi người được tạo điều kiện ở chung phòng, phân nhóm với đại biểu đến từ các quốc gia khác. Tôi đã học được nhiều câu chào, giới thiệu bản thân... bằng một số ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt” - Yamashita khoe.
Các đại biểu đang tham gia thảo luận chuyên đề môi trường với sự cố vấn của các giáo sư quốc tế - Ảnh: C.NHẬT |
Phù hợp với cả “người ngoại đạo”
Bạn Sophatt Reaksmey (ĐH Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia) cho biết bản thân theo học chuyên ngành bảo tồn đa dạng sinh học nên ASEP 2016 là chương trình bạn mong muốn được tham gia từ lâu.
“Và ASEP 2016 đã không làm tôi thất vọng, tôi học được vô số kiến thức bổ ích về mặt chuyên môn. Trước giờ đã nghe nhiều về một nước Nhật công nghệ hiện đại hàng đầu, giờ tôi biết thêm rằng họ cũng đặc biệt quan tâm phát triển rừng, nông nghiệp... với tầm nhìn dài hạn. Nếu tóm tắt cảm nghĩ về chuyến đi, tôi chỉ có thể nói một từ là tuyệt vời”, Sophatt nói.
Sophatt cho biết điều khiến bạn đang rất đau đáu là nạn chặt phá rừng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Campuchia cũng như nhiều quốc gia khác khiến nhiều giống cây, thú rừng quý hiếm dần tuyệt chủng... Bạn cũng không giấu nỗi lo lắng khi vấn đề cạn kiệt nguồn nước đang trở nên quá nghiêm trọng trong khi nhiều người vẫn rất bàng quan.
Đại biểu Shi Anshu (ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc) cho biết bạn đang theo học chuyên ngành văn học hiện đại. “Tuy không theo đuổi trực tiếp ngành môi trường nhưng đây là vấn đề tôi đặc biệt quan tâm, nhất là khi không khí ở Trung Quốc đang ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó không khí ở Nhật Bản lại rất trong lành và đây là điều khiến tôi vô cùng bất ngờ vì Nhật là quốc gia công nghiệp.
Dù sau này tôi có làm nhà văn hay giảng viên đại học thì chắc chắn tôi sẽ lồng ghép những kiến thức bảo vệ môi trường có được từ ASEP vào chương trình dạy của mình để thế hệ sau có thể hiểu rõ được những điều cần thiết về môi trường” - Shi khẳng định.
Để những năm sau hoàn thiện hơn
Nhìn lại ASEP 2016, đại diện ban tổ chức kiêm người thiết kế nội dung chương trình - tiến sĩ Narumi Yoshikata cho biết bản thân bà rất hài lòng với kết quả đạt được. “Nếu cho điểm thì tôi chấm các đại biểu năm nay điểm 10/10 vì tôi quan sát và thấy các bạn rất chăm chỉ, ham học hỏi và những bài thu hoạch cuối chương trình đều có chất lượng cao.
Tôi tin rằng không chỉ riêng các đại biểu mà cá nhân mình cũng bổ sung được những kiến thức mới mẻ về môi trường từ chương trình. Chủ đề năm nay thật ra rất khó nhưng các bạn vẫn thấm nhuần được và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - bà Narumi cho biết.
Điều góp ý duy nhất mà đại biểu Cho Jaeeun (Hàn Quốc) dành cho chương trình là nên chăng dành nhiều thời gian hơn để các đại biểu đặt câu hỏi với các chuyên gia ngay sau chương trình, vì bạn cho rằng sau mỗi bài giảng hoặc phần thuyết trình đều có rất nhiều thắc mắc cần được giải đáp.
Còn giáo sư Fathiah Mohamed Zuki (lãnh đạo đoàn ĐH Malaya, Malaysia) cho biết nếu chương trình diễn ra tập trung ở một nơi sẽ tốt hơn.
“Việc phải di chuyển quá nhiều khiến các đại biểu dễ xuống sức, ngoài ra nếu lấy khoảng thời gian đó để tổ chức các hoạt động khác thì sẽ đỡ lãng phí thời gian hơn, hiểu sâu hơn về một chủ đề nào đó” - bà góp ý.
Tuy vậy, bà cho rằng ASEP là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và khẳng định sẽ tham gia hỗ trợ hết mình nếu chương trình diễn ra ở Malaysia.
Những kỳ vọng
Ông Motoya Okada (CEO, Tập đoàn AEON) cho biết từ năm 2012 đến nay, ASEP đã chào đón tổng cộng 375 đại biểu tham gia chương trình.
“Chúng tôi rất tin vào người trẻ bởi họ chính là tương lai của chúng ta, và khi họ chung tay thì không điều gì là không thể. Điều quan trọng nhất là tôi mong các bạn sẽ lan tỏa kiến thức về môi trường đến xã hội, những người xung quanh khi trở về nhà” - ông Okada nói.
Còn ông Shuji Hashimoto (phó hiệu trưởng ĐH Waseda) bày tỏ mong muốn ASEP sẽ là nền tảng giúp đào tạo các thủ lĩnh trẻ về môi trường của thế kỷ 21 và sau này.
Là người chăm lo mọi thứ tại ASEP 2016 cũng như có dịp tham dự ASEP ba lần, ông Ye Han (điều phối viên ASEP 2016, chuyên viên ĐH Waseda) nói: “Các giáo sư rất tâm huyết với chương trình nên tất cả bài giảng đều có chất lượng cao. Tôi mong ASEP sẽ có thêm nhiều quốc gia tham dự vào những năm sau”.
Là sân chơi thường niên ra đời từ năm 2012, ASEP đón nhận sự hưởng ứng tích cực của nhiều quốc gia trong khu vực. Từ ba thành viên tham gia trong năm 2012 (gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), ASEP 2016 với sự tham gia của bảy nước.
Đại diện Quỹ môi trường AEON nêu mong muốn ASEP sẽ thành một diễn đàn lớn của giới khoa học trẻ Đông Á và toàn bộ các nước Đông Nam Á trước năm 2020.
Mong muốn trở thành sân chơi khoa học cho giới trẻ châu Á ASEP 2016 diễn ra từ ngày 3 đến 8-8 tại Nhật Bản (ở các thành phố Tokyo, Chiba và Hokkaido) với sự tham gia của 84 đại biểu quốc tế đến từ bảy trường hàng đầu của Nhật Bản (ĐH Waseda), Hàn Quốc (ĐH Hàn Quốc), Trung Quốc (ĐH Thanh Hoa), Malaysia (ĐH Malaya), Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội), Campuchia (ĐH Hoàng gia Phnom Penh), Indonesia (ĐH Indonesia). Tại chương trình, các đại biểu có dịp tham gia những hoạt động ý nghĩa như thảo luận chuyên đề, trồng cây, giao lưu với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn AEON... ASEP 2016 nhận được sự hợp tác, hỗ trợ truyền thông từ nhật báo Mainichi (Nhật Bản), báo Tuổi Trẻ (Việt Nam) và là một hoạt động thường niên do Quỹ môi trường AEON phối hợp cùng Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức từ năm 2012. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận