22/12/2023 15:20 GMT+7

Hành trình xây dựng thương hiệu An Xuân của miền gió Lào Quảng Trị

Cuộc thi 'Thương hiệu tôi yêu' nhận được bài dự thi của giám đốc điều hành thương hiệu An Xuân kể về hành trình gầy dựng một thương hiệu từ miền ‘đất thép’ Quảng Trị.

Cây cà gai leo An Xuân được trồng trên cùng đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) với quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y Tế thế giới - Ảnh: QUỲNH DIỄM

Cây cà gai leo An Xuân được trồng trên cùng đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) với quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y Tế thế giới - Ảnh: QUỲNH DIỄM

Sau 6 năm khởi nghiệp, tôi và mẹ không ngờ được rằng những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang thương hiệu An Xuân từ mảnh đất Quảng Trị đã có mặt trên hơn 10 sàn thương mại điện tử lớn, xuất hiện trên kệ hàng nhiều siêu thị trong nước và ngoài nước. Đồng thời, An Xuân cũng trở thành đối tác cung ứng nguyên liệu cho thị trường Mỹ và một số thị trường quốc tế.

An Xuân ra đời từ ước mong của mẹ

Thương hiệu An Xuân ra đời một cách đặc biệt khi mẹ tôi đã chọn gác lại công việc Nhà nước để nghỉ hưu sớm, đứng ra khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ. Và cơ duyên để mẹ khởi nghiệp chính là những bất ổn về sức khỏe của mẹ khi bước vào tuổi trung niên.

Một lần tiến sĩ Đinh Đức Anh (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Quân y 17) chia sẻ với mẹ rằng vùng đất Quảng Trị tuy khô cằn, nắng gió nhưng chính từ cái khắc nghiệt của thiên nhiên đó khiến cho các loại cây trồng ở vùng đất này lại cho dược chất rất cao.

Thực tế dùng các loại cây trồng tự nhiên ở Quảng Trị, mẹ đã kiểm chứng điều đó nên quyết định sẽ sản xuất các loại trà từ những loài cỏ cây trồng trên đất Quảng Trị. Từ đó, các sản phẩm trà tía tô, trà diếp cá, trà mướp đắng, cao cà gai leo, cao chè vằng… mang thương hiệu An Xuân xuất hiện trên thị trường.

Vì sao lại là An Xuân? Mẹ nói rằng thương hiệu mang tên An Xuân với mong muốn mang đến cho mọi người sức khỏe an lành và mãi mãi tuổi thanh xuân.

Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, lại là "tay ngang" bước vào lĩnh vực mới nhưng luôn đặt mục tiêu tối thượng là mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng bậc nhất, mẹ và tôi đã vượt qua muôn vàn thách thức để vun đắp thương hiệu An Xuân.

Đầu tiên đó là việc trồng các loại cây dược liệu cũng không hề dễ dàng khi phải trồng quy mô lớn với các quy trình kiểm soát chất lượng gắt gao. Đơn cử, với cây cà gai leo, dù bám rễ, vươn lên tốt trên mảnh đất Quảng Trị nhưng do chưa có kinh nghiệm trồng cây dược liệu nên chi phí bỏ ra quá lớn.

Chi phí sản xuất cao thì phải làm sao để gia tăng giá trị sản phẩm mà bù đắp, nghĩ vậy hai mẹ con lại tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm quy trình để sản xuất ra một sản phẩm hoàn thiện vừa đảm bảo chất lượng, vừa tối ưu chi phí. Những giọt mồ hôi cuối cùng cũng được bù đắp, ngày ra mắt sản phẩm nườm nượp những chuyến xe từ trong và ngoài tỉnh đổ về, thương hiệu An Xuân đã vươn lên từ đó.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty An Xuân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - Ảnh: QUỲNH DIỄM

Sản xuất tại nhà máy của Công ty An Xuân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) - Ảnh: QUỲNH DIỄM


Vượt sóng gió, đưa An Xuân vươn xa

Cứ nghĩ rằng đã êm đẹp, nhưng thực ra mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường, cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Có thể đối với hầu hết các anh chị làm kinh doanh đều hiểu về cách thức định giá, chính sách đại lý hay chiến lược marketing… đó là những thuật ngữ căn bản.

Tuy nhiên, đối với mẹ con tôi hồi đó thì tất cả đều phải học từ đầu, học không chỉ trong sách vở, tôi tìm đến những anh chị trong ngành thậm chí có những cơ may được các chuyên gia cho lời khuyên.

Câu chuyện phát triển thương hiệu của An Xuân - Video: AN XUÂN

Có những giai đoạn tôi ngồi cả tháng trời để suy ngẫm, và cuối cùng từ tất cả những giá trị quý báu được truyền lại đó, chúng tôi tự xác định được hướng đi phù cho doanh nghiệp mình theo từng giai đoạn để gầy dựng thương hiệu An Xuân.

Niềm động viên lớn nhất cho chúng tôi để có thể đủ sức vượt qua khó khăn trong giai đoạn này có lẽ đến từ những phản hồi tích cực, thậm chí là tình cảm của khách hàng khắp nơi khi trải nghiệm các sản phẩm của An Xuân.

Xác định với một thương hiệu dù non trẻ hay khởi nghiệp, để đi được đường dài là phải hướng đến sự phát triển bền vững nên chúng tôi đã sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y Tế thế giới. Đồng thời, An Xuân cũng được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Tiếp nối những ấp ủ bấy lâu, chúng tôi đã có đủ điều kiện để liên kết với các hộ nông dân, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn họ canh tác dược liệu, mở rộng vùng trồng.

Năm 2021, An Xuân ký kết biên bản ghi nhớ với DAI (Hợp phần quản lý rừng bên vững và bảo tồn đa dạng sinh học), từ đây góp phần thực hiện được trọng tâm 3/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Đến bây giờ, thương hiệu An Xuân không chỉ là niềm tự hào của mẹ và tôi, của toàn thể đội ngũ nhân viên, người lao động và nông dân liên kết. An Xuân còn là một thương hiệu hướng đến sự phát triển bền vững, mang lại sức khỏe cho cộng đồng, giá trị kinh tế cho người dân địa phương và là thương hiệu mang đậm tình yêu thương của mẹ và tôi!

Hành trình xây dựng thương hiệu An Xuân của miền gió Lào Quảng Trị- Ảnh 5.

Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết ‘Thương hiệu tôi yêu’Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết ‘Thương hiệu tôi yêu’

Chia sẻ về những thương hiệu bạn yêu thích, hay chính quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bạn để có cơ hội nhận được giải thưởng lên đến 30 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên