Hiền Munier và các em bé ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp - Ảnh: TỰ TRUNG
Hiền Munier chia sẻ mong muốn tìm cha mẹ ruột - Video: Truyền hình Tuổi Trẻ
Ở đây, Hiền quen tất cả, từ giám đốc đến các nhân viên, bảo mẫu, các em khuyết tật, các bé sơ sinh. Cô sấn vào bồng bế các em bé, trò chuyện với các em lớn dù đôi bên chỉ hiểu nhau qua ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay.
Ông Hà Văn Hiệp, người đã làm việc 36 năm ở đây, mỗi lần thấy Hiền là cười bảo: "Con bé này về Việt Nam mà không muốn đi chơi đâu hết, tối ngày vào đây hoài".
Bay qua số phận
"Tôi là một trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trên một cây cầu khi vừa sinh ra. Một người phụ nữ đã nhặt tôi về, trình báo với chính quyền và được đưa đến đây. Tôi đã may mắn được nuôi lớn ở ngay mái ấm Gò Vấp này đến năm 8 tuổi. Rồi lại thêm một may mắn nữa của số phận: tôi được một gia đình Pháp nhận làm con nuôi. Cuộc đời thay đổi, số phận thay đổi từ đấy…", Hiền kể.
Những người làm lâu năm như cô Hồ Thanh Loan - giám đốc trung tâm, cô Lê Ngọc Ánh - phó giám đốc, ông Hiệp… vẫn còn nhớ cô bé Dương Ngọc Hiền đen, gầy ngày ấy, với đôi mắt sáng và đượm buồn.
Cô Ánh nói: "Nay Hiền vẫn nhỏ con nhưng thật đẹp. Ngày đưa con đi, giám đốc trung tâm đã ký giấy chấp thuận "Quyết định này mang tính chất cắt đứt vĩnh viễn mối quan hệ với gia đình cháu bé cũng như các cấp thẩm quyền đỡ đầu cho cháu".
Chia tay dĩ nhiên buồn lắm, nhưng cũng vui nhiều vì biết con sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Mười mấy năm rồi, con xinh đẹp, trưởng thành, lại nhớ chốn cũ quay về, tình nguyện chăm sóc các em. Thật không có gì mừng hơn".
Hiền Munier bế một em bé ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp - Ảnh: TỰ TRUNG
Hiền không nói được tiếng Việt, nhưng cô lại nhớ rất rõ khúc ngoặt của đời mình. Nhắc đến ký ức có lẽ đã nằm ở rất sâu trong tâm khảm, cô không cười nữa, mà rớm nước mắt.
"Cô bảo mẫu nói tôi được một người nước ngoài nhận nuôi, tôi sẽ rời khỏi đây và có một cuộc sống mới, ở một đất nước khác. Tôi hồi hộp nhưng chưa hiểu điều đó nghĩa là gì.
Một hôm, cô bảo mẫu mặc cho tôi bộ quần áo đẹp nhất. Và mẹ nuôi đến. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người nước ngoài. Hàng loạt câu hỏi nảy ra trong đầu tôi và đùng một cái, tôi trở thành con bà.
Bà ở lại Việt Nam hơn một tháng để hoàn tất nhiều giấy tờ. Bà xin phép được đưa tôi đi tham quan thành phố, và đó cũng là lần đầu tôi rời khỏi trung tâm. Mọi thứ với tôi đều mới mẻ, như một thế giới khác. Tôi vẫn thấy sợ hãi dù đã có cảm giác được chăm sóc và bảo vệ. Cảm giác có mẹ.
Rồi tôi được đưa lên máy bay rời Việt Nam. Thế giới của tôi đảo lộn. Trong sự lạc lõng, bơ vơ những ngày đầu, tôi thấy tức giận. Tôi nghĩ đến cha mẹ ruột đã bỏ rơi mình, khiến mình phải lưu lạc. Rồi khi đã thấy khá hơn vì điều kiện sống rất tốt, vì tất cả mọi người đều cố gắng trấn an, chăm sóc, tạo điều kiện cho tôi khám phá những điều mới lạ thì tôi lại cảm thấy buồn.
Tôi nhớ nhóm bạn thân ở mái ấm và tự hỏi: tại sao chỉ một mình mình được may mắn có một cuộc sống mới, còn tất cả những người khác phải ở lại trong điều kiện khó khăn?...
Hiền Munier và các em bé ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp - Ảnh: TỰ TRUNG
Rồi cảm giác ấy cũng qua mau. Khi ấy tôi còn nhỏ, để hòa nhập với các bạn ở trường học, để tận hưởng cuộc sống mới của mình, tôi ép mình phải quên đi những ngày cũ. Và có lẽ tôi đã làm điều ấy rất tốt. Chỉ trong 6 tháng, tôi đã nói được tiếng Pháp trôi chảy và rồi tôi quên tất cả tiếng Việt".
Trong số bốn anh chị em trong gia đình mới của Hiền có đến ba là người Việt, đều được cha mẹ nhận nuôi từ mái ấm Gò Vấp. Ba cuộc đời đã thay đổi tận gốc rễ, như Hiền.
"Lần đầu gặp cha, tôi thấy cha giống như gấu bông Teddy, mềm mỏng và tử tế. Rồi đến chị gái người Pháp, em trai người Việt khi ấy 6 tuổi và được cha mẹ nhận nuôi đã 4 năm. Sau này tôi còn một em gái người Việt nữa.
Đến Pháp vào dịp Noel, tôi được cả nhà chuẩn bị cho nhiều món quà, và ngạc nhiên nhất là được gặp ông già Noel. Tôi đã chui xuống gầm bàn khi thấy ông lần đầu.
Rồi tôi đến trường học, các bạn vây xung quanh, nhìn chằm chằm và hỏi han về sự khác lạ của tôi. Tôi không hiểu gì và hoảng sợ, mẹ đã xuất hiện và giải cứu tôi như một siêu nhân… Tình yêu thương bù đắp tất cả và cuối cùng, tôi đã trở thành một người Pháp như bây giờ".
Giọt nước mắt tuổi 16
Quên cả tiếng Việt, trở thành một con người mới, sống một cuộc sống hoàn toàn mới nhưng rồi khi bắt đầu lớn, soi mặt vào gương, nhìn lên mái tóc, ngó xuống làn da, những câu hỏi thẳm sâu lại trào lên: "Mình là ai? Tại sao mình đến đây?".
Hiền nói với mẹ và bà đồng ý ngay rằng cô cần phải tìm hiểu về nguồn cội của mình. Bà cho cô xem những giấy tờ của mình. Câu chuyện về một em bé sơ sinh bị bỏ rơi, được ai đó nhặt về và được trao cho mái ấm chỉ làm nặng thêm những câu hỏi. Giọt nước mắt tuổi 16 của Hiền lăn về phía cội nguồn.
Hiền Munier dự đoán phản ứng của cô khi gặp cha mẹ ruột - Video: Truyền hình Tuổi Tre
"Mẹ tôi sáng lập quỹ Un Projet pour Tous để trợ giúp những trẻ em khuyết tật tại mái ấm Gò Vấp, sau đó tôi theo bà về Việt Nam nhiều lần nữa. Nơi gắn bó nhất với tôi dĩ nhiên là nơi này. Năm ngoái, tôi đã ở lại 6 tháng để làm tình nguyện.
Về Pháp, tôi nhớ tha thiết mọi thứ ở Việt Nam và các em bé mồ côi, nên tháng 3-2018 tôi quyết định quay lại, chia sẻ với các em một phần may mắn mình đã được nhận.
Biết mái ấm có lưu giữ tàng thư về mình, tôi đã đề nghị được xem. Thật ít ỏi: chỉ có một địa chỉ từ 25 năm trước của người phụ nữ đã nhặt được tôi trên một cây cầu. Tôi mong mình có thể gặp được bà, để biết đâu có được một manh mối khác về cha mẹ ruột. Tôi còn biết bao nhiêu câu hỏi về bản thân cần được trả lời.
Dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Đắn đo mãi, tôi vẫn chưa thể đi tìm bà. Mỗi ngày, tôi đều thúc giục mình: Nhanh lên. Thời gian không còn nhiều. Quyết tâm nào!".
Tôi luôn tưởng tượng đến lúc gặp được mẹ, tôi sẽ nói với bà rằng: cuối cùng con gái bà đã là một cô gái trưởng thành, có cuộc sống tốt, có rất nhiều tình yêu thương từ cha mẹ nuôi
HIỀN MUNIER
Nụ cười rạng rỡ của cô gái gốc Việt - Ảnh: TỰ TRUNG
Hiền hôm nay đã 25 tuổi. Cô làm việc ở Việt Nam, chăm sóc các em ở mái ấm và âm thầm tìm hiểu những lý do mà cha mẹ có thể bỏ rơi con: vì nghèo không thể nuôi con; vì con bệnh không thể chạy chữa, chăm sóc; vì hoàn cảnh nào đó không giữ được con lại…
Chưa tìm được mẹ, chưa gặp được người đã tìm ra mình, nhưng sự cảm thông và tình yêu thương đã tràn ngập trong cô.
"Cuộc sống với cha mẹ ruột của tôi chắc hẳn đã rất khó khăn. Tôi không còn giận nữa. So với các em còn ở lại, so với cha mẹ, tôi là người may mắn nhất. Tôi luôn tưởng tượng đến lúc gặp được mẹ, tôi sẽ nói với bà rằng: cuối cùng con gái bà đã là một cô gái trưởng thành, có cuộc sống tốt, có rất nhiều tình yêu thương từ cha mẹ nuôi.
Tôi sẽ giới thiệu bà với gia đình tôi ở Pháp. Tôi sẽ nói: "Cảm ơn vì đã sinh ra con. Con yêu mẹ". Và tôi sẽ so sánh xem tôi có giống mẹ hay giống cha, điều mà đến bây giờ, với tôi, vẫn còn là bí mật".
Hiền đang học lại tiếng Việt để chuẩn bị cho cuộc gặp ấy.
Hiền Munier nhắn nhủ các bậc cha mẹ đừng bỏ rơi con mình - Video: Truyền hình Tuổi Trẻ
Giao lưu "Cội nguồn con ở đâu?"
Mong muốn bước tìm về cội nguồn của những người con nuôi gốc Việt, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Con nuôi Việt tìm về cội nguồn", làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.
Buổi giao lưu đầu tiên sẽ được tổ chức vào 13h30 ngày 12-7-2018 tại báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Chương trình chào đón sự tham gia của những người con nuôi gốc Việt đang trở về từ nhiều nước trên thế giới, những trẻ em đang sinh sống ở các mái ấm, những bậc cha mẹ không may thất lạc con, các chuyên gia tâm lý, những vị phụ trách mái ấm và các ban ngành liên quan…
Vui lòng đăng ký tham gia với: chị Tuyết Mai: nguyentuyetmai@tuoitre.com.vn, điện thoại: 0909 38 66 29.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận