Thực hiện cao điểm truy bắt tội phạm trốn truy nã của Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) giao phòng truy nã, truy tìm, xác lập chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt Trương Công Chức (54 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên Huế).
Giết người, 'vượt ngục'
Theo hồ sơ vụ án, Trương Công Chức là quân nhân phục vụ trong quân đội sau đó ra quân và phạm tội giết người. Chức sau đó bị TAND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) tuyên phạt 6 năm tù giam.
Trong thời gian chấp hành án phạt tù, ngày 4-10-1990 Chức đã trốn khỏi nơi giam giữ và bị truy nã về tội trốn trại.
Từ đó, Chức biến mất không một dấu vết. Cảnh sát sau đó truy tìm ông ta gắt gao nhưng không có kết quả.
Tháng 9-2022, Phòng truy nã, truy tìm (Cục Cảnh sát hình sự) đã xác lập chuyên án truy tìm bị can Chức.
Nhận nhiệm vụ khi chỉ có thông tin duy nhất là tờ lệnh truy nã và tấm ảnh đen trắng phai màu, nhóm trinh sát gồm trung tá Phạm Ngọc Viết, trung tá Hoàng Hoài Nam bắt đầu hành trình "lần theo từng dấu vết nhỏ nhất".
"Quá trình nghiên cứu, xác minh, chúng tôi nhận định bị can Chức là một người rất tinh quái, đã thay tên đổi họ, tạo lập một vỏ bọc mới để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát", trung tá Viết đánh giá.
Cuối năm 2022, trung tá Viết cùng trung tá Nam lái ô tô xuất phát từ Hà Nội, đi dọc các tỉnh miền Trung với hy vọng tìm ra những manh mối đầu tiên về hành tung của Trương Công Chức.
Các trinh sát đã đi rà soát hàng trăm địa điểm từ miền Bắc đến miền Trung, gặp hàng trăm người thân, bạn bè của Chức để tìm manh mối, nhưng không ai biết ông ta đang ở đâu, làm gì.
Không bỏ cuộc, nhóm trinh sát tiếp tục lần theo các đầu mối, nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác nắm được thông tin Chức đang lẩn trốn ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Trinh sát Viết cùng đồng đội ngay lập tức chạy xe xuyên đêm vào Đà Lạt, phối hợp với công an địa phương khoanh vùng truy vết.
Mọi nỗ lực đã mang lại kết quả, khi trinh sát chắp vá các dữ liệu, dựng lên được hành trình bỏ trốn của Chức. Theo đó sau khi vượt ngục, Chức ở TP.HCM khoảng 3 tháng, sau đó ngược ra Quảng Trị, rồi cuối cùng "mai danh ẩn tích" ở Đà Lạt.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày "ăn gió nằm sương", lái xe băng rừng, lội suối hàng trăm km, nhóm trinh sát vẫn chưa tìm ra tung tích của bị can Chức.
"Có những ngày cao điểm chúng tôi thay nhau lái xe chạy khoảng 600km. Nhiều ngày, phải ăn mì gói sống, uống nước lọc để lần theo tung tích bị can.
Có lẽ danh dự và trách nhiệm là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, quyết tâm bắt bằng được bị can Chức", trung tá Viết chia sẻ.
Vượt gần 5000km truy lùng bị can trốn truy nã
Sau nhiều ngày tháng truy lùng gắt gao, nhóm trinh sát nhận được nguồn tin quý giá, nhiều khả năng sau khi vượt ngục, Chức đã sử dụng giấy tờ quân nhân của một người khác "hô biến" thành hồ sơ nhân thân của mình.
Đáng chú ý, để tạo vỏ bọc ngụy trang hoàn hảo, khi đến nơi ở mới, Chức lấy tên là Lê Danh mua một bộ quần áo quân nhân giả để mặc.
"Thời gian sống ở Đà Lạt, Chức lấy vợ và sinh hai người con. Người đàn ông này đăng ký thường trú một nơi, nhưng lại sống ở một khu vực khác.
Chức sống khép kín, ít giao du với người dân bản địa. Ông ta làm nghề trồng hoa để sinh sống qua ngày", trinh sát Viết cho biết.
Từ thông tin quý giá này, các trinh sát đã tìm ra địa điểm Chức đang ẩn náu và tổ chức "quăng lưới" vây bắt.
Để tránh "rút dây động rừng", ba tổ công tác đã mai phục xung quanh căn nhà của Chức nằm sâu trong tiểu khu 40 của thành phố Đà Lạt nắm bắt tình hình.
Quá trình trinh sát, tổ công tác nhận thấy Chức có biểu hiện không bình thường về sức khỏe, từng bị tai biến.
Nhận thấy an toàn, một mũi trinh sát cùng công an địa phương đã đi vào nhà, nhẹ nhàng thuyết phục, mời Chức lên phường làm việc.
Tại trụ sở công an phường, Chức quanh co, giả vờ nói không rõ chữ vì vừa bị tai biến, một mực phủ nhận mình là Trương Công Chức.
Trước tình hình này, nhóm trinh sát đã sử dùng các "phép thử", gọi vợ con của Chức lên để "đánh đòn tâm lý". Bằng các chứng cứ không thể chối cãi, Chức đã phải cúi đầu nhận tội.
"Chức vừa trải qua cuộc tai biến, giọng nói cũng biến dạng. Tuy vậy, ông ta rất bình tĩnh, né tránh toàn bộ các câu hỏi mang tính lộ thân phận, lợi dụng việc bị tai biến để chối tội", trung tá Viết nói và đánh giá "bị can Chức là tội phạm thông minh, cực kỳ điềm tĩnh, ngoan cố".
Sau nhiều "đêm trắng" vượt núi băng rừng, "lật tung" từng ngõ ngách, chuyên án đã khép lại thành công, trung tá Viết cùng đồng đội phấn khởi lái xe trở về Hà Nội.
Mở định vị trên chiếc điện thoại, trung tá Viết "giật mình" vì hành trình khoảng một tháng truy bắt bị can Chức, anh cùng đồng đội đã đi qua 19 thành phố, 124 địa điểm với tổng số 4.882km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận