Thực hiện cao điểm truy bắt tội phạm trốn truy nã của Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) giao phòng truy nã, truy tìm, xác lập chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt Mai Văn Thi (67 tuổi, quê Thanh hóa).
Giết hai bạn nhậu rồi bỏ trốn
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 1997, Thi từ Thanh Hóa vào lập nghiệp tại vùng núi hẻo lánh thuộc thôn Rô Mô, xã Đa Kai, Bình Thuận. Ngày 29-6-1997, Thi cùng hai người làm thuê khác là Trần Quốc T. và Nguyễn Quốc K. (đều trú tại tỉnh Đồng Nai) tổ chức nhậu trong một chòi rẫy.
Trong lúc nhậu, "rượu vào lời ra", anh T. và K. xảy ra cãi cự, đánh nhau với Thi. Thi dùng dao đâm chết hai bạn nhậu rồi bỏ trốn. Vụ án gây rúng động cả vùng quê nghèo.
Vào cuộc điều tra, Công an Bình thuận xác định Thi chính là nghi phạm. Qua nhiều năm tổ chức truy nã, truy tìm nhưng Thi vẫn "biệt tăm biệt tích".
Phòng truy nã truy tìm (Cục Cảnh sát hình sự) sau đó đã xác lập chuyên án truy tìm Thi gắt gao.
Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đặc biệt là đại tá Trần Ngọc Cường, trưởng phòng truy nã truy tìm (Cục Cảnh sát hình sự), tổ công tác gồm trung tá Hoàng Hoài Nam, trung tá Phạm Ngọc Viết, đại úy Đinh Viết Chiến lên đường truy tìm bị can thi, với quyết tâm "phải bắt bằng được".
Tháng 9-2022, tổ công tác bắt đầu đi về quê gốc của của Thi ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa tìm manh mối về nhân thân lai lịch, các mối quan hệ trước đây của ông ta.
Tại đây, nhóm trinh sát gặp người vợ và các con của Thi, nhưng họ cho hay không biết ông Thi đang ở đâu, làm gì. 25 năm nay không liên lạc. Điều này khiến việc truy tìm bị can dường như "đi vào ngõ cụt".
Không bỏ cuộc, đại úy Đinh Viết Chiến và đồng đội tiếp tục chia thành các mũi rà soát, tỏa đi gặp hàng trăm người quen của Thi, vận động "người nào biết thông tin, hành tung của bị can trốn truy nã này hãy chia sẻ, báo cho cảnh sát".
Nhóm trinh sát nhận được "tín hiệu" quan trọng từ một nguồn tin. Người này cung cấp một số hình ảnh đen trắng của Thi từ nhiều năm trước. Nhưng những bức ảnh này cũng đã phai màu theo năm tháng nên khó có thể nhận diện.
Tưởng chừng trở về "trắng tay", thì bất ngờ nhóm trinh sát nắm được nguồn tin quý giá, nhiều khả năng Thi thay tên đổi họ thành Nguyễn Văn Điệp, sinh năm 1951, quê Quảng Ngãi và lên ở xã miền núi Kháng Nhật (Sơn Dương, Tuyên Quang) sinh sống.
Cúi đầu nhận tội sau cuộc gọi video
Cuối tháng 11-2022, nhóm trinh sát của phòng truy nã truy tìm ngược lên huyện Sơn Dương để xác minh nguồn tin, "lần theo những dấu vết nhỏ nhất" về hành tung của bị can Thi.
Các trinh sát phối hợp với công an địa phương rà soát những trường hợp quê gốc ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi có độ tuổi, ngoại hình tương đồng, đang sinh sống trên địa bàn huyện Sơn Dương để "sàng lọc".
Sau khi cho hàng trăm người nhận diện ảnh bị can Thi, bất ngờ một người nhận ra khuôn mặt trong ảnh giống với một người đang làm bảo vệ ở trang trại nuôi lợn trên địa bàn. Tuy nhiên, người này cho hay "người trong ảnh tên là Nguyễn Văn Điệp, quê Quảng Ngãi chứ không phải Mai Văn Thi quê Thanh Hóa".
Đại úy Chiến liền hỏi: "Trên tay phải ông ta có hình xăm con rồng đúng không". Người này đáp khẳng định "chính xác".
Các trinh sát liền tiến hành kiểm tra hồ sơ, tài liệu, thời gian ông Điệp có mặt tại địa phương. Một tình tiết quan trọng được hé mở khi thời gian ông Điệp đến xã Kháng Nhật lập nghiệp là năm 1997 - trùng thời điểm bị can Thi bỏ trốn khỏi Bình Thuận.
Từ chút manh mối này, nhóm trinh sát trong vai các thương lái buôn heo, tiếp cận trang trại nơi ông Điệp đang làm việc.
Tuy nhiên, quá trình tiếp cận gặp nhiều khó khăn vì trang trại này nằm trong khu vực đồi núi heo hút, đường đi hiểm trở, được bảo vệ rất nghiêm ngặt bởi nhiều lớp cửa do lo sợ dịch bệnh.
Do đây là địa bàn đồi núi phức tạp, bị can dễ chạy thoát, bởi thế các trinh sát tính toán mọi việc một cách cẩn trọng vì nếu hành động nóng vội, kế hoạch sẽ bị "đổ bể".
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã tiếp cận được ông Điệp. Bằng kinh nghiệm nhiều năm truy bắt tội phạm truy nã lâu năm, trinh sát Chiến và đồng đội nhận ra đây chính là bị can Thi.
Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác tuyệt đối, các trinh sát đã nhẹ nhàng thuyết phục và mời người đàn ông này về trụ sở công an xã làm việc.
Tại cơ quan công an, người đàn ông vẻ ngoài gầy gò, già nua, một mực phủ nhận mình là Mai Văn Thi. Ông Điệp khẳng định mình sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi. 25 năm trước rời quê hương ra Tuyên Quang lập nghiệp rồi cưới vợ.
Thấy Thi quanh co chối tội, đại úy Chiến liền dùng "chiêu" bất ngờ đọc tên "Mai Văn Thi" và tên người vợ đầu, các con của Thi đang ở Thanh Hóa. Lúc này, Thi đang cúi gằm mặt bỗng giật mình, ngửa mặt lên, tay chân run lẩy bẩy.
Lập tức, đại úy Chiến hỏi: "Ông có muốn gặp vợ và các con không?". Thấy sắc mặt người đàn ông tái mét, đại úy Chiến liền lấy điện thoại gọi video call cho Thi gặp người vợ đầu.
Thấy Thi, người vợ liền thốt lên: "Anh Thi. Đây đúng là chồng tôi". Sau đó, các trinh sát cũng cho người con trai nói chuyện với Thi và xác nhận đây là cha mình.
Lúc này, Thi bật khóc nức nở, mếu máo khai nhận với cảnh sát: "Tôi chính là Mai Văn Thi".
Đại tá Trần Ngọc Cường, trưởng phòng truy nã, truy tìm, cho biết tội phạm truy nã trốn lâu năm phần lớn đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thay đổi nhân thân thành một con người mới, gây khó cho công tác truy bắt.
Hơn nữa, thông tin ban đầu về đối tượng gần như không có gì khác ngoài tờ lệnh truy nã.
Tuy vậy, từ 15-11-2022 đến nay, phòng đã bắt giữ được 52 đối tượng truy nã. Tính bình quân, mỗi ngày phòng bắt được hơn một trường hợp.
"Để gặt hái được kết quả này, cán bộ, trinh sát phòng truy nã, truy tìm đã cố gắng vượt qua khó khăn, nguy hiểm, miệt mài đánh án kể cả ngày nghỉ lễ, Tết...", đại tá Cường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận