10/08/2023 10:52 GMT+7

Hành trình đi tìm ánh sáng cuộc đời của Kim Trang

Gia cảnh nghèo khó, Kim Trang mắc ung thư khi 2 tuổi rồi mù luôn từ đó, từng bị gia đình cấm cản việc học... là những gì cô nữ sinh xứ Huế flex về mình.

Với chiếc điện thoại được cài phần mềm đặc biệt, Trang không quá khó khăn để kết nối với thế giới xung quanh - Ảnh: C.TRIỆU

Với chiếc điện thoại được cài phần mềm đặc biệt, Trang không quá khó khăn để kết nối với thế giới xung quanh - Ảnh: C.TRIỆU

Không ngờ bài khoe ấy lại được cộng đồng mạng không ngớt lời khen về nghị lực của cô gái. Nhiều người còn chia sẻ bài viết về trang cá nhân, lấy đó làm động lực. Chủ nhân bài viết là Hồ Thị Kim Trang (20 tuổi), đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên Huế).

Tôi nghĩ mình may mắn là bị mù từ bé, mọi thứ bắt đầu rất sớm nên đã quen dần, chứ nếu đến giờ mới bị có lẽ thật khó để mình chấp nhận được chứ nói gì có thể xoay xở như hiện tại.

HỒ THỊ KIM TRANG

Con gái mắt mù học làm gì!

Gặp Trang trong quán cà phê ở TP Huế một ngày đầu tháng 8, cô bạn xuất hiện với dáng người cao ráo cùng giọng nói đặc sệt âm giọng xứ Huế. Khác với tấm ảnh trong bài flex trước đó trên mạng xã hội, Trang ngoài đời nhìn có vẻ lanh lợi, hoạt bát hơn.

Trang chào đời trong gia đình thuần nông ở huyện Phú Vang. Năm 2 tuổi, Trang được chẩn đoán mắc ung thư mắt. Ca phẫu thuật ấy đã ngốn gần như toàn bộ vốn liếng chắt chiu của gia đình và được gọi là thành công khi đã kịp thời cắt bỏ khối u ác tính, không làm di căn qua chỗ khác, nhưng Trang hoàn toàn mất đi thị lực cả hai con mắt.

8 tuổi, Trang mới đi học lớp 1 và luôn chiếm được cảm tình của thầy cô bởi khuôn mặt sáng, nhanh nhẹn và thông minh. Suốt những năm tiểu học, cô bé luôn học khá, giỏi nhưng cũng lúc đó gia đình buộc Trang phải thôi học với lý do: "Con gái, mắt mù học làm gì nhiều, sau này chắc giúp gì được cho ai". Buồn lắm nhưng lúc đó Trang còn quá nhỏ để chống lại quyết định ấy.

Trang bắt đầu chuỗi ngày theo chân mẹ len lỏi khắp TP Huế để bán vé số dạo để kiếm sống. Rồi một ngày Trang may mắn gặp được người dì họ hàng xa. Chính dì đã thuyết phục gia đình cho Trang được tiếp tục đến trường. Khi được ba mẹ đồng ý, Trang vui lắm, không quên hứa sẽ chăm ngoan. Vậy là cô bé được gửi vào một trường công ở TP Huế, quay lại học lớp 5 khi đã ngót nghét 13 tuổi.

Lần trở lại "đường đua" cuộc đời

Trang ví việc được vào lớp 6 một trường công, trong lớp học chỉ duy nhất mình là học sinh khiếm thị, mới là khoảnh khắc giúp mình "trở lại đường đua cuộc đời". Dù phải học hoàn toàn bằng chữ nổi dành cho người khiếm thị nhưng năm 2018 Trang đoạt giải nhất cấp tỉnh và là học sinh duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế đoạt giải ở cuộc thi viết thư quốc tế dành cho trẻ em lần thứ 47 (UPU).

Rồi hai năm 2020 và 2021, Trang tiếp tục có giải ở cuộc thi này. Điều đặc biệt khi học sinh khuyết tật đoạt giải ở cuộc thi có quy mô toàn quốc và luôn thu hút hàng triệu học sinh cả nước tham gia hằng năm này khá ít. Và Trang là một trong số các học sinh hiếm hoi ấy.

Lớp 10, Trang được tuyển thẳng vào Trường THPT Hai Bà Trưng ở TP Huế, cũng là học sinh khiếm thị duy nhất của cả khối 10 vào trường khi đó. "Được đi học trở lại, rồi được tuyên dương khi đoạt giải cuộc thi viết thư UPU giúp mình cảm nhận khá rõ ý nghĩa cuộc sống, cũng chính là nguồn động lực, ánh sáng giúp mình quyết tâm nỗ lực nhiều hơn và quyết học lên", Trang cười hiền nói.

Học hành với người lành lặn đôi khi đã khó, với Trang khi luôn phải mò mẫm từng bước đi, lần dò đọc từng con chữ nên để đạt được các thành quả đó hẳn không phải là chuyện dễ dàng. 

Cô gái ấy đủ lớn để cảm nhận sự khác thường giữa mình và các bạn đồng trang. Chưa kể ngôi trường cấp III Trang vào học cách nơi Trang đang tá túc khi xa nhà đi học tại Trung tâm giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù (thuộc Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng khá xa, đi lại là cả vấn đề, nhiều người nghe kể đều hỏi "Tiền đâu để ngày nào cũng đi xe ôm?".

Ở trung tâm, Trang có lẽ là người chăm xuống phòng giám thị nhất. Có nhiều lý do, phần vì cô gái muốn trò chuyện, hỗ trợ từ các thầy cô khi cần. Cũng nhờ chăm xuống phòng giám thị mà Trang biết được nhiều thông tin về các quỹ học bổng hiện có dành cho người mù rồi làm hồ sơ xin ứng tuyển.

"Có năm mình được nhận học bổng, rồi còn được một bạn chung lớp thường xuyên ghé chở đi học nên tiền học bổng cũng chẳng dùng đến. Do vậy còn có dư gửi về phụ mẹ chăm hai em, thấy cũng vui và tự hào", Trang tâm sự.

Tôi bất thường, không bất hạnh

Nhà Trang có bức tường cũ treo chật kín các bằng khen, giấy khen mà Trang nói dẫu bị cướp đi đôi mắt nhưng có lẽ ông trường đã đền bù cho bạn rất nhiều từ những điều ấy. Dẫu phía trước đã và mãi là bóng tối, nhưng trò chuyện với cô gái 20 tuổi này luôn toát lên niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Với Trang, căn bệnh ung thư cướp đi đôi mắt có thể khiến mình trở nên bất thường hơn so với bạn bè nhưng cũng nhờ đó mà bản thân đã rèn luyện tự lập để trở nên mạnh mẽ hơn. Kể về dự định, Trang cho biết hiện đang tập trung học tiếng Anh. Trang muốn được vào TP.HCM học đại học, muốn học ngành marketing sau khi hoàn thành năm học lớp 12 sắp tới.

Gia đình không muốn Trang học lên thêm nữa đâu. Chưa kể nếu vào TP.HCM học, chi phí học hành, sinh hoạt hằng ngày rất đắt đỏ nhưng Trang nói đã có cách. "Tôi từng theo học các lớp đào tạo massage dành cho người khiếm thị nên nếu có cơ hội vào TP.HCM đi học, tôi tin mình sẽ tự xoay xở được", Trang tự tin.

"Ánh sáng" của cha đưa con đến giảng đường'Ánh sáng' của cha đưa con đến giảng đường

TTO - Bác sĩ nói nếu không tiêm một loại thuốc đặc hiệu theo đúng định kỳ, con mắt còn lại của ông Triều cũng có nguy cơ mù. Ông hiểu đấy là ánh sáng cuối cùng của đời mình. Nhưng ông cũng hiểu sự học là ánh sáng của đời con...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên