13/01/2017 11:51 GMT+7

Hạnh phúc của voi

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Bao giờ voi mới được hạnh phúc? Để làm được điều ấy, để những con voi ở lại với con người thì việc cần trước tiên là ý thức của mỗi người, mỗi du khách khi nghĩ về voi.

Hội thảo quốc tế về công tác bảo tồn voi Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk với sự tham dự đông đủ của 29 chuyên gia, nhà động vật học hàng đầu thế giới, đang đặt ra kỳ vọng mới cho nỗ lực bảo tồn, mang lại hạnh phúc bằng hành động cụ thể cho số phận các con voi còn sót lại của Việt Nam. Cũng như mong muốn được nhìn thấy đàn voi sống hạnh phúc trên mảnh đất Tây nguyên này.

Không hẹn mà gặp, tất cả tham luận của các chuyên gia, tổ chức hàng đầu thế giới về voi đều tập trung đưa đến một nhận định rằng: muốn bảo tồn voi thành công thì yếu tố đầu tiên đó chính là sự yêu thương, quyết tâm bảo vệ voi xuất phát từ lòng chân thành của con người.

Ý thức đó được thể hiện thông qua các hành động như không đánh voi, không phân biệt voi là động vật, không ngồi lên lưng voi, không bắt voi lao động phục vụ con người.

Việc voi sống hạnh phúc chính là những hình ảnh thân thiện, giàu cảm xúc nhất mà mỗi du khách khi tới thăm đều thích thú, sẵn sàng bỏ tiền cao hơn cách cưỡi voi như trước đây để được ngắm voi, xem voi tắm, xem voi cho con bú, xem voi đùa giỡn... Nói cách khác, đó là cách làm du lịch văn minh, bền vững.

Và ở nước ta, nghĩ đến Bản Đôn trong đầu du khách nghĩ ngay tới đàn voi. Khi nghĩ đến đàn voi, du khách sẽ nghĩ ra ngay hình ảnh được cưỡi trên lưng voi vui cười chụp ảnh, được sắm những bộ nhẫn lông đuôi voi “may mắn”, tậu được cho nhà mình một cặp ngà voi - dù là đúc bằng nhựa.

Và rồi những con voi ấy đang làm du lịch kiểu gì? Những con voi ở các khu du lịch luôn phải gồng gánh quá sức chịu đựng để chở khách, phục vụ thú vui của con người. Mỗi một con voi hầu như bị trói chân cả ngày lẫn đêm.

Ban ngày thì vừa chở khách, miệng vừa cố vơ lấy bất cứ thứ gì có thể ăn được trên đường cõng khách vượt sông, vượt núi. Ban đêm khi được thả ra bìa rừng thì đôi chân sau cũng phải mang sợi dây xích nặng hàng chục ký, dài 20-30m.

Chưa hết, voi đối diện với điều kiện sống hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần: bị đánh, bị trói nhốt, bị phân biệt đối xử, thiếu sự yêu thương vỗ về, đau ốm cũng không được chăm sóc chu đáo làm bệnh lại càng nặng thêm...

Nhìn vào chuyện đang xảy ra ở Bản Đôn: du khách xếp hàng đợi tới lượt để được ngồi lên lưng voi, vui vẻ sắm cho mình những cặp nhẫn lông đuôi voi... cũng đủ để nói về thực tế công tác bảo tồn voi của chúng ta đang ở đâu so với thế giới.

Bao giờ voi mới được hạnh phúc? Nói như phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk Nguyễn Công Chung khi trao đổi bên lề hội thảo với phóng viên Tuổi Trẻ.

Để làm được điều ấy, để những con voi ở lại với con người thì việc cần trước tiên là ý thức của mỗi người, mỗi du khách khi nghĩ về voi.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên