11/04/2020 09:14 GMT+7

Hành động nhanh và hành động ngay

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN
NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN

TTO - Chuẩn bị tốt các kịch bản, nguồn lực, hành động nhanh và hành động ngay để đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau đại dịch, như chiếc lò xo bị nén bật lên mạnh mẽ.

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đó là một trong những yêu cầu cấp bách được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương bàn về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra ngày 10-4.

Bốn nội dung lớn sẽ được tập trung giải quyết bao gồm: tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gói an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

Dưới đây là những yêu cầu, giải pháp được Chính phủ, bộ ngành và các địa phương nêu ra tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 

Vấn đề mang tính sống còn, cần giải pháp cấp bách

Những vấn đề đặt ra cấp bách rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp. 

Nếu không thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển.

Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. 

Các địa phương và bộ ngành cần phải chủ động có các chính sách để đón đầu, thu hút đầu tư FDI ngay sau dịch. Hiến kế Chính phủ sửa đổi các quy định, cắt bỏ thủ tục hành chính nào không phù hợp để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp...

Ông Vương Đình Huệ (bí thư Thành ủy Hà Nội):

Tháo gỡ nhiều vướng mắc dự án trọng điểm

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Thành ủy đã chỉ đạo và sẽ thành lập ban chỉ đạo, một tổ đặc nhiệm để rà soát, giải quyết hết tất cả các điểm nghẽn đầu tư công để được đẩy nhanh. 

Chúng tôi muốn Chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh dự án đô thị Cát Linh Hà Đông. 

Đường vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long chúng tôi quyết tâm tới tháng 9 này hoàn thành. 

Đồng thời đề xuất cho phép thành phố áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng; sửa đổi nghị định 63 về một số cơ chế đặc thù cho thủ đô để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (bí thư Thành ủy TP.HCM):

Nền kinh tế cần thích nghi với trạng thái có ca nhiễm

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: TỰ TRUNG

Chừng nào không có văcxin thì rất khó khăn, nên cần thích nghi để cuối quý 2 chuyển các hoạt động kinh tế, đời sống sang trạng thái bình thường, có người nhiễm nhưng không có dịch. Hiện cả nước chỉ còn 125 người bị nhiễm, chưa có giai đoạn tăng tốc, tuy nhiên cần cảnh giác.

Theo đó, từ giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại, từ cuối tháng 5 các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sắp xếp lại sản xuất, ứng phó tình trạng có nguy cơ nhiễm mà không có dịch. Đồng thời cần có hệ thống giám sát, đo và kiểm tra người nước ngoài vào Việt Nam, khoanh vùng dập dịch chặt chẽ.

Tổ chức sản xuất trong điều kiện xung quanh dịch thì đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực.

Ông Trần Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Công thương):

Khơi thông các thị trường xuất khẩu

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 4.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - Ảnh: V.DŨNG

Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu cao về hàng hóa. 

Sớm làm việc với phía bạn để tập trung đẩy nhanh việc sớm cho phép một số nông sản của ta được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc, sau đó khai thác hiệu quả hơn với các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...

Về xuất khẩu gạo, chúng tôi hoàn toàn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, thống nhất đảm bảo yêu cầu cao an ninh lương thực quốc gia và điều chỉnh xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.

Ông Đinh Tiến Dũng (bộ trưởng Bộ Tài chính):

Nhiều hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - Ánh: VIỆT DŨNG

Với nghị định về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, sẽ có khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỉ đồng.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với thuế suất 15-17%, cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm; cắt giảm nhiều loại lệ phí, phí cho doanh nghiệp và người dân với số tiền khoảng 500 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ KH-ĐT):

Cần kịch bản đón đầu phục hồi sau đại dịch

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: LÊ KIÊN

Sau khi kiểm soát dịch thành công thì cần thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, cần gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến an toàn, bền vững. 

Đánh giá kỹ lưỡng tác động của dịch tới từng ngành, lĩnh vực để tái cơ cấu, hoàn thành sớm các kịch bản vực dậy kinh tế ở từng ngành, sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch...

Ông Lê Minh Hưng (thống đốc Ngân hàng Nhà nước):

Cam kết đủ vốn cho nền kinh tế

Hành động nhanh và hành động ngay - Ảnh 7.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chúng tôi cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn với lãi suất thấp hơn và tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng 300.000 tỉ đồng. 

Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỉ, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất khoảng 126.500 tỉ và cho vay mới với doanh số cho vay xấp xỉ 180.000 tỉ.

Thủ tướng: Thủ tướng: 'Lò xo kinh tế' phải bật mạnh sau đại dịch COVID-19

TTO - Các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian.

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên