Thạch xem bóng đá cùng bố - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sáng chủ nhật 5-1, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã về tận xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, cách bệnh viện hơn 30km. Lý do của chuyến đi này là họ cùng nhau đưa một bệnh nhân đặc biệt về quê.
Cậu bé đặc biệt đã điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ tháng 4-2018, lúc 14 tuổi đến nay. Gần 2 năm và hôm nay cậu được về nhà.
Ngày về
Khi về lại quê nhà sau hơn 2 năm, bà con làng xóm đã đến kín sân nhà để chứng kiến câu chuyện cậu bé đã nỗ lực từng ngày trong vô thức để giành lại sự sống của mình. Thạch cũng đã có phản xạ nuốt trở lại - phản xạ mà theo bác sĩ Tình là rất quan trọng với các trường hợp tai biến và rơi vào tình trạng sống thực vật tương tự như Thạch.
Cậu cũng đã nhớ hết những người quen, những người hàng xóm mà Thạch không có cơ hội gặp gỡ trong hơn 2 năm qua. Tết này Thạch sẽ được đón tết trong nhà mình sau hai cái tết vắng nhà.
Bác sĩ Hoàng Công Tình - người trực tiếp điều trị cho cậu bé - kể lại tháng 4-2018, khoa của các anh tiếp nhận bệnh nhân Bùi Ngọc Thạch, 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng bị biến chứng hôn mê, sống thực vật hoàn toàn sau viêm não Nhật Bản.
Trước khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Thạch đã có 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ nhưng không tiến triển, Thạch hoàn toàn không có nhận biết gì về thế giới xung quanh, thở máy hoàn toàn, không có tri giác, xúc giác mặc dù hơi thở vẫn còn, tim vẫn đập. Người ta gọi tình trạng của Thạch là sống thực vật.
"Trong hoàn cảnh như vậy mà bố mẹ Thạch, 2 người nông dân rất nghèo, vẫn có hi vọng rằng Thạch sẽ được sống. Mặc dù trong những tình huống tương tự, khi phải chờ quá lâu, gia đình có thể xin cho con về. Nhưng gia đình Thạch đã đợi chờ, mặc dù có những lúc tưởng là vô vọng, tuyệt vọng nhưng rồi họ đã chờ được" - BS Tình chia sẻ.
Và ngày mà tất cả mọi người đợi chờ ấy đến vào tháng 10-2019, khoảng 16 tháng kể từ khi Thạch được chuyển đến bệnh viện này và khoảng 22 tháng kể từ khi cậu bé bị viêm não Nhật Bản gặp biến chứng, buộc phải sống thực vật.
Đó là một ngày các bác sĩ hoàn toàn bất ngờ khi Thạch mở mắt, nhận biết được người thân, biết thực hiện một số động tác mà bác sĩ yêu cầu, cười rất tươi... Mặc dù việc hồi phục tri giác của Thạch mới chỉ bắt đầu nhưng bác sĩ Tình đã thấy những hi vọng le lói, những nỗ lực của anh và các đồng nghiệp, nỗ lực của bố mẹ Thạch, của chính cậu bé bắt đầu có kết quả.
Lớn lên từng ngày
Đỉnh điểm là trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games vừa qua, Thạch đã chăm chú theo dõi cả trận đấu và cười tươi mỗi khi cầu thủ ghi bàn.
Cùng những tiến bộ về tri giác là tiến bộ về thể chất, sau 2 năm Thạch phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, các bác sĩ đã hỗ trợ để cậu bé cai được máy thở, rồi dần dà là những phối hợp với người chăm sóc như biết co chân, duỗi chân mỗi khi bố tắm rửa, lau người cho.
Có những điều mà bác sĩ Tình tâm đắc nhất về ca bệnh của Thạch. Đó là một cậu bé đã gần 2 năm phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, nhưng khi sức khỏe tiến triển hơn, cậu đã cai được máy thở. Thạch nằm viện suốt 2 năm mà không hề bị lở loét. Đây là bí quyết mà bác sĩ Tình cảm thấy rất vui vì chất lượng chăm sóc bệnh nhân ở khoa của anh.
"Có những người không tử vong vì bệnh nhưng có thể tử vong vì những vết loét. Nhưng Thạch nằm chỗ chúng tôi gần 2 năm, tính cả ở Bệnh viện Nhi TƯ là hơn 2 năm mà không hề có một vết loét nào" - BS Tình nói.
Còn sống là còn hi vọng
Khoảng 1 tháng nữa, Thạch sẽ trở lại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình để thực hiện tiếp một số liệu trình điều trị. Vì trong cổ cậu còn một cái ống để hỗ trợ thở, Thạch chưa nói được nhưng thông thường các trường hợp tương tự có thể nói lại được sau 1-2 ngày rút cái ống kể trên.
"Những ngày đầu tiên Thạch vào viện, chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ cậu bé phục hồi như hôm nay, mặc dù trong thâm tâm tôi luôn hi vọng. Hi vọng vì đã có những trường hợp phục hồi được tri giác, tỉnh lại được sau cơn mê dài nhưng cười lại được, nhận ra người thân, lớn lên dần và xem cả bóng đá nữa thì đúng là rất hiếm gặp.
Gia đình Thạch thì luôn có niềm tin nội tâm rằng con họ sẽ sống, còn sống là còn hi vọng, nhưng nhận biết được mọi điều như hiện nay cũng là chuyện ngoài sức tưởng tượng của gia đình" - BS Tình chia sẻ.
Những ngày này Thạch ở nhà, quan trọng nhất hiện nay là chăm sóc dinh dưỡng cho cậu thật tốt, giữ ấm, nâng cao thể lực cho bệnh nhân. Giờ đây, bác sĩ lại hi vọng một ngày Thạch có thể đứng trên đôi chân của mình như khi Thạch 14 tuổi.
Hồi tỉnh hi hữu
Điều đặc biệt là mặc dù Thạch nằm viện trong tình trạng không nhận biết gì về thế giới, không cử động được, không nói được, sống thực vật trong 22 tháng nhưng Thạch vẫn phát triển, lớn dần lên mỗi ngày. Ở tuổi 16, Thạch vẫn đạt các chỉ số về chiều cao, cân nặng so với bạn cùng lứa tuổi.
Giữa năm 2019 cũng có một trường hợp ở Hà Nội tỉnh lại sau hơn 3 năm sống thực vật. Bệnh nhân này sinh năm 1997, cũng lớn dần trong thời gian sống thực vật nhưng khi tỉnh lại thì tri giác lại không lớn cùng với hình thể, mà chỉ như một đứa trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận