Hãng tin AP ngày 10-1 đưa tin chính quyền hai cộng đồng tự trị Galicia và Asturias (thuộc Tây Ban Nha) vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và yêu cầu sự giúp đỡ của Chính phủ Tây Ban Nha.
Các công tố viên Tây Ban Nha đã mở một cuộc điều tra do lo ngại những hạt nhựa có thể chứa chất độc gây hại cho hệ sinh thái biển.
“Những hạt nhựa này gây ra vấn đề môi trường, vì cá sẽ nhầm lẫn với trứng cá và ăn chúng. Bằng cách đó, những hạt này xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng xuất hiện trên bàn ăn của chúng ta”, ông Cristobal López, người phát ngôn của nhóm môi trường Tây Ban Nha Ecoologistas en Acción, nói với Hãng tin AP.
Vụ tràn hạt nhựa đầu tiên được báo cáo cho chính quyền vào ngày 13-12 năm ngoái, khi hàng trăm nghìn quả bóng trắng có kích thước nhỏ bắt đầu trôi dạt vào bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha.
Đại diện Chính phủ Tây Ban Nha tại cộng đồng tự trị Galicia cho biết con tàu container Toconao treo cờ Liberia đã thất lạc sáu container vận chuyển ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, cách Viana do Castelo khoảng 80km về phía tây.
Cũng theo đại diện Chính phủ Tây Ban Nha, một trong sáu container chứa 1.000 bao tải và mỗi bao chứa 25kg bóng nhựa nhỏ được sử dụng để chế tạo các sản phẩm nhựa.
Greenpeace và các nhóm hoạt động môi trường khác ước tính có đến hàng triệu hạt nhựa bị trôi ngoài đại dương.
Họ cho rằng những hạt nhựa này sẽ gây nguy hiểm cho sinh vật biển và con người do chúng có thể phân hủy thành các hạt vi nhựa nhỏ hơn. Khi đó, ngư dân có thể đánh bắt phải những con cá đã ăn các hạt nhựa trên.
Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera cho rằng ô nhiễm đại dương và hệ sinh thái do nhựa là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt.
“Vì vậy, việc đổ một lượng nhựa đáng kể như vậy đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ và xác định xem công ty vận chuyển, cũng như công ty vận tải biển có thực hiện quy trình phù hợp hay không”, bà Ribera nói thêm.
Hồi tháng 10-2023, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn việc xử lý sai và làm đổ các hạt nhựa ra đại dương. Kể từ khi đạt được thỏa thuận, các biện pháp này sẽ có hiệu lực sau 18 tháng.
Theo ông Jordi Oliva - đồng sáng lập Good Karma Projects (tổ chức phi chính phủ nhằm ngăn chặn vi nhựa trên biển), đây là vụ tràn hạt nhựa lớn nhất mà nhóm của ông từng chứng kiến ở vùng biển Tây Ban Nha.
Ông Oliva cho biết các hạt nhựa hoạt động như bọt biển hút chất độc có trong nước. Sau đó, các hạt nhựa này sẽ biến thành những viên thuốc độc hại cho bất kỳ sinh vật biển nào ăn phải, từ đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và đến tay người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận