02/06/2018 10:12 GMT+7

Hàng nội gắng sức chinh phục “thượng đế nhí”

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Có quy mô thị trường hàng tỉ USD/năm, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa giữ được thị phần nhỏ bé của mình trước sự tấn công của đồ chơi nhập khẩu.

C.L là một trong số rất ít thương hiệu sản xuất đồ chơi trong nước có dây chuyền sản xuất vẫn còn trụ lại được trên thị trường trước cơn lốc đồ chơi ngoại tràn ngập như hiện nay. Một số thương hiệu đã từng hiện diện, nhưng nay mất hút trên thị trường.

Hàng nội gắng sức chinh phục “thượng đế nhí” - Ảnh 1.

Phụ huynh chọn mua các mặt hàng giảm giá như quần áo, đồ chơi trẻ em, sản phẩm dinh dưỡng tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quá khó cho hàng nội

Dù vừa đầu tư thêm khoảng 200.000 USD cho một số hạng mục nhằm bổ sung vào dây chuyền sản xuất đồ chơi trẻ em của nhà máy đã được đầu tư với quy mô lớn trước đây, nhưng ông V.Đ, phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty C.L thừa nhận "Thị trường quá khó cho doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi đã phải chật vật từ nhiều năm nay để "chiến đấu" với đồ chơi của Trung Quốc, Thái Lan chưa yên thì nay đến lượt đồ chơi của Hàn Quốc, Đài Loan cũng gây không ít khó khăn. Còn đồ chơi nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu thì mình chấp nhận thua từ lâu rồi!".

“Tôi hay đưa hai đứa nhỏ vào Co.opmart Nguyễn Kiệm sắm quần áo vì phù hợp với túi tiền và mức thu nhập của mình chứ làm gì có nhiều tiền mà mua đồ ngoại, hay thương hiệu “xịn”. Với mức giá phổ biến dưới 200.000 đồng/bộ tùy loại và kiểu dáng, tôi khá thoải mái khi chọn mua đồ cho con mà không phải quá căng thẳng về giá

Chị Ngô Thu Tâm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Từ quy mô vài trăm mẫu đồ chơi, đến nay doanh nghiệp này đã có số lượng đồ chơi lên đến hàng ngàn mẫu với giá bán vô cùng linh hoạt, đáp ứng chủ yếu cho phân khúc khách hàng có thu nhập tầm trung bình khá trở xuống.

Ngoài nguyên liệu nhựa, đất sét, các loại đồ chơi của doanh nghiệp tư nhân này còn mở rộng sang chất liệu gỗ, có gắn thiết bị điện tử hoặc không, phù hợp cho nhiều độ tuổi khác nhau.

Co.opmart giảm giá mạnh sản phẩm trẻ em

Toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra của Saigon Co.op đồng loạt giảm giá đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm dành cho các bé.

Theo đại diện Saigon Co.op, do ngày Quốc tế thiếu nhi ngay dịp vào hè nên Co.opmart và Co.opXtra tập trung giảm giá từ 20-30% cho các bộ quần áo mặc hè như áo thun, quần shorts, váy thun, quần lửng hay nón che nắng, giày dép… với thiết kế thoải mái, năng động, có chất liệu vải thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.

Các loại đồ chơi sáng tạo với chất liệu an toàn, xuất xứ trong nước cho bé như bộ lắp ráp, đất nặn, xếp hình… được bán với mức giá giảm mạnh từ 25-50%.

Bên cạnh đó, khi các khách hàng có thẻ bạc/ vàng/ bạch kim mua các sản phẩm như sản phẩm dinh dưỡng, sữa tiệt trùng, sữa bột… của các nhãn hàng Friso, Dutch Lady, Similac, Pediasure, Grow Gold… sẽ được tặng thêm điểm thưởng gấp 4, hoặc 6 lần vào quỹ điểm của mình.

Ngoài các khuyến mãi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra toàn quốc còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn với hơn 42.000 phần quà hấp dẫn và giá trị cho bố mẹ có thẻ "Khách hàng thân thiết Co.opmart" các cấp độ từ ngày 1 đến 3-6-2018.

Hàng nội gắng sức chinh phục “thượng đế nhí” - Ảnh 4.

Co.opmart giảm giá mạnh sản phẩm trẻ em - Đồ họa: HUY CƯỜNG

Theo ông V.Đ, tùy theo phân khúc khách hàng, giới kinh doanh đồ chơi đều có "sân" chia sẵn cho một loạt các thương hiệu đồ chơi quốc tế khi du nhập vào thị trường VN. Đơn cử, tại các trung tâm thương mại hay cửa hàng chuyên doanh nhập khẩu cao cấp sẽ có một doanh nghiệp "thầu" trọn gói ở các thương hiệu đồ chơi đến từ Mỹ.

Nếu ở khu vực nhà sách, các loại thiết bị văn phòng phẩm và đồ dùng có liên quan đến từ Nhật hoặc Hàn Quốc sẽ do doanh nghiệp khác đảm nhận. Riêng khu vực các nước châu Âu cho những loại sản phẩm rèn trí thông minh, sáng tạo, đồ chơi lắp ráp cũng thuộc về quyền phân phối của hai doanh nghiệp chuyên doanh các mô hình giải trí cho trẻ em khá đình đám hiện nay.

Riêng thị trường quần áo trẻ em, trong khi một số thương hiệu trong nước có tiếng như K.N, T.N lại có giá bán quá "chát", ít nhất trên 300.000 đồng/sản phẩm cho áo đầm, nón hay đồ bộ bằng chất liệu 100% cotton siêu mát, nên số khách hàng tìm đến các thương hiệu này cũng thuộc loại có thu nhập tương đối cao mới "kham" nổi về mặt bằng giá.

Còn nhiều thách thức

Cũng là người tâm huyết với sản phẩm dành cho trẻ em, nhưng theo ông Lý Thành Sinh, giám đốc Công ty cổ phần may mặc Minh Long Hưng, hiện doanh nghiệp ông gặp rất nhiều khó khăn khi "Đấu không lại với hàng giả, hàng nhái thương hiệu, hoặc hàng không rõ nguồn gốc theo đường biên mậu tràn vào thị trường".

Cật lực gầy dựng thương hiệu, từng chiếm lĩnh thị trường phân khúc bộ áo quần 100% cotton cho trẻ em từ 0-7 tuổi, nhưng đến nay quy mô thị trường của doanh nghiệp này dần phải thu hẹp do sức ép từ hàng nhập khẩu chính ngạch lẫn tiểu ngạnh.

Hàng nội gắng sức chinh phục “thượng đế nhí” - Ảnh 5.

Mẹ mua đồ chơi cho bé trong dịp Tết thiếu nhi tại Co.opmart - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Sản xuất sản phẩm cho trẻ em lắt nhắt vô cùng. Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật quá khắt khe. Nếu không đam mê, yêu nghề thì khó lòng trụ nổi trước sức ép cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay", ông Sinh chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ông V.Đ cho rằng sản xuất đồ chơi cho trẻ em rất phức tạp, chi tiết linh kiện lên đến hàng trăm thứ, trong khi năng lực vốn, khả năng tự chủ nguồn cung phụ liệu, thiết kế mẫu của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước chọn cách rời bỏ thị trường, chuyển qua nhập tiểu ngạch từng bộ phận, linh kiện về lắp ráp thành đồ chơi hoàn chỉnh rồi gắn mác "Made in Vietnam" đưa ra thị trường bán cho nhanh, hòng bắt kịp xu hướng cập nhật sản phẩm mới theo nhu cầu đổi mới cấp kỳ của các "thượng đế nhí".

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên