28/04/2016 10:55 GMT+7

Hàng ngàn người tị nạn Iraq tìm cách quay về quê nhà

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Sau những tháng ngày dài liều mình tìm đường sống ở châu Âu, chính sự thất vọng, nỗi nhớ nhà và cảm giác lạc lõng trong một xã hội xa lạ đã khiến những di dân Iraq phải quay về quê nhà.

Người tị nạn trở về Iraq từ Đức hôm 26-4 - Ảnh: Reuters
Người tị nạn trở về Iraq từ Đức hôm 26-4 - Ảnh: Reuters

Tôi hiểu rằng dù làm được gì ở nơi đó, tôi vẫn luôn là một người lạ. Ít nhất ở đây tôi có người thân xung quanh và có thể thử xây dựng cuộc sống mới

HASSAN BASY (người tị nạn Iraq từng có 4 tháng sống ở Nuremberg, Đức)

Theo AFP, hiện mỗi tháng có hàng trăm người trở về Iraq nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM). Nhiều người trong số đó từng vét toàn bộ số tiền để dành để trả cho đường dây đưa người vượt biên và rồi cuối cùng vỡ mộng. Vậy nhưng không một ai hối tiếc về chuyến hành trình vô định đã qua.

Mourtada Hamid, 26 tuổi, miêu tả quê nhà Aziziyah mà mình đã rời bỏ hồi năm ngoái cùng với những di dân khác: “Mỗi buổi sáng thức dậy, những con đường vẫn hỗn độn, ống cống vẫn chưa có người sửa sang và chẳng ai tìm được việc làm”.

Thành phố Aziziyah có 100.000 dân, cách thủ đô Baghdad khoảng 75km. Nơi đây chỉ có vài đoạn đường bêtông, còn lại đều phủ đầy bụi vào mùa hè và bị bùn che lấp khi mùa đông đến.

Từ nhiều năm qua, Aziziyah đã trở thành biểu tượng của chế độ gia đình trị và tham nhũng. Bất chấp giá dầu tăng cao, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn không được cải thiện chút nào.

Mourtada từng có thời gian “tị nạn” ở thành phố Erlangen (Đức), nơi anh khởi đầu hành trình tìm kiếm hi vọng của mình. “Tôi có bạn gái người Bosnia. Có khoảng thời gian chúng tôi cảm thấy rất vui khi tận hưởng cuộc sống về đêm” - anh kể.

Trong khi đó Moustafa, anh trai của Mourtada, lại gặp nhiều khó khăn hơn: “Tôi đã tiêu hết toàn bộ số tiền mình có và đồ ăn thì không thể nuốt nổi”.

Anh chàng 29 tuổi từng tốt nghiệp ngành hóa học này ta thán về mức sống đắt đỏ ở Đức và cảm giác không được chào đón ở nơi xa lạ. “Hằng đêm, chúng tôi sống với nỗi sợ hãi bị bắt hoặc bị những người không ưa dân tị nạn tấn công” - Moustafa nhớ lại.

Thế rồi anh em Moustafa và Mourtada đã quay về quê nhà. Theo một khảo sát của IOM, khoảng 80% người tị nạn Iraq được phỏng vấn nói rằng họ rời bỏ đất nước vì “không còn chút hi vọng gì vào tương lai”. Nhưng năm ngoái, tổ chức này đã giúp gần 3.500 người Iraq quay lại quê nhà. Con số vẫn không ngừng tăng lên.

Theo bà Sandra Black - người phát ngôn của IOM, hơn 800 người đã trở về trong tháng 1 và khoảng 1 triệu người trong tháng 2. Trong một vài trường hợp, những người này được hỗ trợ tái hòa nhập cuộc sống tại nơi họ quay về và IOM có thể giúp họ tìm kiếm việc làm.

Hassan Basy không giữ chút ký ức nào về Nuremberg, nơi anh ở suốt 4 tháng để chờ được cấp phép tị nạn, nhưng nói rằng mình đã có dịp nhìn nhận lại bản thân.

“Giấc mơ của tôi khi ấy là được phép cư trú và tìm được việc làm. Lúc đầu mọi thứ có vẻ rất tốt đẹp, tôi nghĩ rằng mình đã thực hiện được ước mơ. Thế rồi ngày qua ngày, tôi bắt đầu sống với nỗi nhớ nhà da diết” - anh kể.

“Cuối cùng tôi gần như chẳng ăn gì trong vòng một tháng. Khoảnh khắc đó khiến tôi nghĩ đến việc quay về” - Basy nhớ lại.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên