Giáo viên một trường THPT tại TP.HCM trong giờ lên lớp - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định cũng quy định đối tượng được phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự là nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội.
Điều kiện được phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự đối với nhà giáo, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng.
Nhà hoạt động chính trị, xã hội được phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự phải đáp ứng điều kiện là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có uy tín quốc tế, có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho tình hữu nghị, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng.
Để được phong tặng danh hiệu giáo sư danh dự thì nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội cần đáp ứng các điều kiện nêu trên, đồng thời phải có bằng tiến sĩ...
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận