Hàng hóa chất đầy cho khách chọn mua tại siêu thị ở TP.HCM chiều 31-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Nguồn hàng hóa thế nào?
Ông Trần Duy Đông (vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương) cho biết các địa phương đã gửi phương án về Bộ Công thương, trong đó mỗi địa phương tính toán cụ thể việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả… đáp ứng nhu cầu trên địa bàn nếu nhu cầu tăng từ 20% hoặc cao hơn.
Theo thông tin được Bộ Công thương cung cấp cho Tuổi Trẻ, kế hoạch dự trữ hàng hóa trong tháng 3 lên tới 415,5 tỉ đồng. Trong đó gạo có lượng dự trữ là 500 tấn, thịt heo 512 tấn, thịt gà các loại 262 tấn, thịt bò 135 tấn, hải sản tươi 140 tấn, thực phẩm ăn liền 375.000 thùng, thực phẩm chế biến đông lạnh 19 tấn…
Tổng kế hoạch dự trữ hàng hóa cho quý 2-2020 là 1.328,2 tỉ đồng, trong đó số lượng duy trì tại kho của doanh nghiệp gần 680 tấn/thùng. Bộ Công thương đã phân công rõ từng nhà cung cấp với 13 mặt hàng sản xuất thiết yếu để đảm bảo cung ứng hàng hóa.
Đối với việc vận chuyển, ông Đông khẳng định đã báo cáo với ban chỉ đạo để đảm bảo lưu thông thông suốt. Đặc biệt trong trường hợp cao nhất như phong tỏa thì sẽ phối hợp với quân đội và công an vận chuyển hàng hóa đến người dân.
* Các điểm bán lẻ, siêu thị, chợ truyền thống, chợ tạm có hoạt động không?
Vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).
Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Tại TP.HCM, sau 0h ngày 1-4: chợ, siêu thị, cửa hàng lương thực vẫn mở cửa bình thường. Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang khẳng định các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời khuyến cáo "người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm".
Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho biết hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì gói, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh, với lượng trữ giống như cho mùa tết.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, siêu thị, chợ vẫn hoạt động bình thường, nguồn hàng dồi dào. Đại diện hệ thống VinMart, VinMart+, hệ thống Bách hóa Xanh cho biết sẵn sàng nguồn hàng hóa cung ứng phục vụ nhu cầu người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt là các TP lớn.
* Ngân hàng có mở cửa, trụ ATM vẫn hoạt động?
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng vẫn hoạt động trong thời gian cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. Các ngân hàng khuyến khích khách hàng tăng cường thực hiện các giao dịch online thay vì đến giao dịch trực tiếp tại quầy.
Cũng theo ông Minh, bộ phận tiền tệ kho quỹ tại Ngân hàng Nhà nước vẫn hoạt động bình thường để đảm bảo phục vụ điều hòa, cung ứng và giao dịch tiền mặt thông suốt.
Ông Minh cho biết trong chiều 31-3, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có công điện yêu cầu các ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là đảm bảo sự hoạt động liên tục của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Siêu thị VinMart tại Cần Thơ đảm bảo nguồn hàng cung cấp trong thời gian cách ly toàn xã hội - Ảnh: CHÍ QUỐC
Dừng hoạt động xe khách, taxi; chỉ khai thác 3 đường bay
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan dừng hoạt động xe khách, taxi, chỉ khai thác 3 đường bay và chạy 2 đoàn tàu hỏa mỗi ngày để ngăn ngừa dịch COVID-19.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối các hãng hàng không Việt Nam trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 1-4 chỉ khai thác với tần suất: 2 chuyến khứ hồi/ngày trên đường bay Hà Nội - TP.HCM; đường bay Hà Nội - Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày; đường bay giữa TP.HCM - Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các sở giao thông vận tải tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4, dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương. Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM chỉ được khai thác tối đa 1 đôi tàu khách/ngày (1 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 1 chuyến ngược lại).
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với các địa phương dừng các chuyến tàu chở khách theo tuyến từ bờ ra đảo, trường hợp đặc biệt thống nhất với sở giao thông vận tải tham mưu cho UBND các tỉnh xem xét, quyết định.
TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận