08/02/2023 09:54 GMT+7

Hàng chục nghìn MW điện từ Lào muốn bán cho Việt Nam, giá gần 7 cent/kWh

Việc nhập khẩu điện từ Lào gặp khó khăn về đường dây đấu nối, cơ chế chính sách nhưng vẫn có khoảng 15.000MW điện từ các chủ đầu tư muốn bán cho Việt Nam.

Hàng chục nghìn MW điện từ Lào muốn bán cho Việt Nam, giá gần 7 cent/kWh - Ảnh 1.

Việc nhập khẩu điện từ Lào có nhiều vướng mắc do hệ thống đường dây đấu nối và các cơ chế, chính sách. Trong ảnh: công nhân truyền tải sửa chữa đường dây truyền tải - Ảnh: Q.THẮNG

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình hình đàm phán, ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án nhập khẩu điện từ Lào.

Theo đó, đến nay Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào với công suất 2.689MW. Thêm nữa là 10 dự án với tổng công suất 1.577MW đề xuất bán điện cho Việt Nam đã được EVN báo cáo Bộ Công Thương để xem xét trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung với tổng công suất là 705MW.

Đã phê duyệt mua 2.689MW điện, còn khoảng 15.000MW chờ bán

Trong số này, theo EVN, gần đây Công ty Điện lực Lào lại có văn bản thông báo không tiếp tục bán điện cho EVN với lý do không hiệu quả về kinh tế. Như vậy trong trường hợp Thủ tướng phê duyệt cho các dự án còn lại, EVN chỉ có khả năng nhập 226MW qua hai đường dây liên kết.

Tuy nhiên, đáng chú ý là danh sách các chủ đầu tư điện của Lào muốn bán điện cho Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, có 53 dự án với tổng công suất 7.204MW được các chủ đầu tư của Lào đề xuất bán điện, nhưng phương án đấu nối chưa khả thi, hoặc các bên đang đàm phán, nên EVN chưa đề xuất chủ trương nhập khẩu. Cùng đó là 7.732MW từ các dự án khác nhưng chủ đầu tư chưa gửi EVN phương án đấu nối mà mới đề xuất bán điện.

Báo cáo thêm về việc đầu tư các đường dây đấu nối, EVN cho biết đang phối hợp với chủ đầu tư phía Lào triển khai đầu tư năm đường dây liên kết. Các dự án này đều dự kiến hoàn thành vào năm 2023 hoặc 2024.

Theo đánh giá của EVN, việc nhập khẩu điện từ Lào gặp khó khăn do các dự án đề xuất bán điện đều riêng lẻ, không mang tính quy hoạch tổng thể hệ thống điện hai nước, dẫn tới khó khăn trong quy hoạch đấu nối, khả năng giải tỏa công suất. 

Việc vận hành và điều độ nhà máy có bất cập khi số lượng các nhà máy bán điện cho Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là nhà máy thủy điện có công suất dưới 30MW.

Chưa kể, nhiều chủ đầu tư đề xuất phương án đấu nối dự án điện về Việt Nam qua các tuyến đường dây liên kết chưa có trong quy hoạch, hoặc chưa được phê duyệt. Việc triển khai thi công xây dựng năm tuyến đường dây để nhập khẩu điện từ Lào bị kéo dài. Dự án nằm ở khu vực biên giới, diện tích rừng bao phủ lớn, địa hình thi công khó khăn, nên gặp vướng mắc về thủ tục.

Giá điện cao nhất gần 7 cent/kWh, gồm bao tiêu sản lượng

Bên cạnh đó, khung giá nhập khẩu điện từ Lào đối với các loại hình nhiệt điện than, thủy điện và điện gió đều hết hạn vào ngày 31-12-2025. Các dự án đề xuất phương án đấu nối về Việt Nam trước ngày 31-12-2025 nằm ngoài năm liên kết trên là không khả thi. 

Còn với những dự án đề xuất đấu nối sau ngày 31-12-2025 lại chưa có cơ sở chấp thuận do quy định đã hết hiệu lực. Hiện cũng chưa có khung giá cho sau năm 2025 để làm cơ sở thực hiện.

Hiện nay, việc nhập khẩu điện từ Lào được áp dụng theo quy định về giá trần (giá tối đa), dẫn tới vướng mắc. Đơn cử như yêu cầu về tính toán giá điện từ chi phí vẫn chưa được chủ đầu tư chấp thuận và thường đề nghị giá điện ở mức 6,95 cent/kWh; các chủ đầu tư đề nghị phải bao tiêu sản lượng; chưa có hợp đồng mẫu về mua bán điện nhập khẩu; năng lực chủ đầu tư bán điện còn hạn chế…

Trên cơ sở đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán hợp đồng mua bán điện từ các nhà máy có khả năng vận hành trước 31-12-2025 với các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu.

Với các dự án đã báo cáo về chủ trương nhập khẩu điện, EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu, đấu nối vào các đường dây liên kết mà EVN đang xây dựng.

Trường hợp những dự án đang đề xuất bán điện nhưng chưa được báo cáo lên các cấp có thẩm quyền, EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn, cũng như sớm xây dựng và ban hành khung giá điện nhập khẩu từ Lào cho các loại hình nguồn điện và khung giá nhập khẩu theo hình thức liên kết hệ thống cho giai đoạn sau năm 2025.

Đồng thời xem xét nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào sau năm 2025 để cập nhật vào quy hoạch điện, đảm bảo tính đồng bộ giữa phát triển nguồn trong nước và nhu cầu nhập khẩu.

Bộ Công Thương giải đáp về việc giá điện tăng trên hay dưới 10%?Bộ Công Thương giải đáp về việc giá điện tăng trên hay dưới 10%?

Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân, theo lãnh đạo Bộ Công Thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên