Ngày 3-2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 2023 với sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trên tinh thần thảo luận để đưa ra các giải pháp cụ thể, bám sát thực tiễn, xử lý cân bằng các mâu thuẫn, vượt qua thách thức, Thủ tướng nói ngành công thương đa lĩnh vực, đa ngành, nên trách nhiệm rất nặng nề.
Giải quyết tồn đọng liên quan đến quy hoạch
Đặc biệt khi sức ép lạm phát của thế giới sẽ có tác động đến Việt Nam. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi GDP nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều có giảm phát. Cùng đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh.
“Tránh cơn gió ngược thế nào để thoát ra được?” - Thủ tướng đặt câu hỏi khi nói năm 2022 đã vượt qua được, nhưng năm 2023 có nhiều sức ép. Do đó, trong bối cảnh cả tổng cung, tổng cầu đều giảm thì cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Trọng tâm là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu, gắn với đảm bảo các cân đối lớn, năng lượng.
Chỉ ra vấn đề còn tồn đọng, bao gồm: quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nói tiến độ quan trọng nhưng chất lượng cần hơn để có lợi cho dân, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ.
Theo đó, cần giải quyết tốt các nguồn điện thế nào, truyền tải, phân phối, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt vấn đề giá điện cần khẩn trương làm.
Thủ tướng nhấn mạnh giá điện là khâu quan trọng. Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá cao nhưng người dân, doanh nghiệp, nói rộng ra nền kinh tế liệu có kham nổi? Do đó, ông yêu cầu Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này.
Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương thực hiện vấn đề quy hoạch, phát triển năng lượng tái tạo phải trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Vấn đề giá điện cần điều hành hợp lý, tránh giật cục, dung hòa giữa lạm phát và tăng trưởng.
Lưu ý vấn đề giá điện, mở rộng thị trường xuất khẩu
Đối với lĩnh vực xăng dầu, bộ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nghị định 95 với tinh thần bớt khâu trung gian trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực xử lý dự án nhiệt điện Long Phú 1, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…
Về lĩnh vực xuất khẩu, theo Thủ tướng, những năm qua Bộ Công Thương rất tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Do đó phải nỗ lực đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Sản xuất công nghiệp cần tập trung xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ.
Báo cáo tình hình, bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Bao gồm, thực hiện hiệu quả nghị quyết 01 và chỉ thị 03 của Thủ tướng: xây dựng kịch bản tăng trưởng các ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, duy trì tốt chuỗi cung ứng.
Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế.
Tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật phát triển công nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng. Khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh sức mua trong nước, quản lý thị trường, tăng kỷ luật kỷ cương…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận