24/12/2010 12:11 GMT+7

Hàn Quốc: tâm tư người xung trận

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Không khí trên bán đảo Triều Tiên đang ở trong tình trạng căng thẳng nhất trong nhiều năm qua, nhưng cảm giác rõ ràng nhất về điều đó có lẽ là trong khuôn viên những trường đại học, khi nhiều thanh niên lo sợ một cuộc chiến tổng lực sẽ nổ ra.

Nhiều sinh viên đại học sẽ bắt đầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau học kỳ này và bởi hai binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ đấu pháo tại đảo Yeonpyeong đều ở độ tuổi như họ, 19 và 21.

vPfHQTsf.jpgPhóng to
Jaehwan Lee, 19 tuổi, cắt tóc để chuẩn bị gia nhập quân đội - Ảnh: CNN

“Hai lính thủy đánh bộ thiệt mạng ở Yeonpyeong đều ở tuổi tôi. Điều đó khiến tôi lo lắng. Mẹ tôi cũng rất lo sợ trong những ngày vừa qua” - Jaehwan Lee, một sinh viên 19 tuổi ngành văn học Anh sẽ bắt đầu nghĩa vụ quân sự khi học kỳ này kết thúc, nói với hãng tin Mỹ CNN.

Về mặt pháp lý, Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với CHDCND Triều Tiên. Cuộc chiến 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa ước tạm ngừng bắn. Theo luật Hàn Quốc, nam thanh niên khỏe mạnh bắt buộc phải đi nghĩa vụ hai năm. Lực lượng quân đội ở miền nam hiện vào khoảng 650.000 người, so với 1,1 triệu người của miền bắc.

Nghĩa vụ quân sự là một vấn đề xã hội nhạy cảm ở Hàn Quốc. Các ngôi sao truyền hình từng bị mất việc và những chính trị gia thất cử khi bị phát hiện họ hoặc con trai tìm cách né tránh đi lính. Luật cũng quy định hình phạt rất nặng với tội trốn nghĩa vụ: 18 tháng tù và những khoản tiền phạt lớn. Giờ đây, nhiều người sắp phải đi nghĩa vụ lại càng thêm lo lắng về những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

“Tôi đang ở trong quân đội khi sự kiện Cheonan (tàu chiến Cheonan bị chìm làm 44 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng), và điều đó khiến tôi rất sợ. Tôi lo lắng về những người bạn của mình nữa” - Hanuri Song, 22 tuổi, vừa hoàn tất nghĩa vụ vài tháng trước, nói.

Một số người sau khi rời doanh trại quân đội vẫn còn mang theo không ít khó khăn. “Về mặt thể chất, giờ tôi không thể chơi bóng rổ nữa. Đó là môn thể thao yêu thích nhất của tôi và tôi thực sự nhớ nó. Nhưng còn nhiều người tồi tệ hơn tôi, những người không được về nhà sau kỳ quân dịch, nên tôi có lẽ không phải phàn nàn nhiều” - Song chia sẻ.

Các bà mẹ tất nhiên là những người lo lắng nhất. “Tôi sợ chết khiếp khi sự kiện Cheonan diễn ra. Tôi đã bật khóc khi nghĩ về những bà mẹ xấu số của các cậu bé trên đảo Yeonpyeong. Tôi thường vẫn cho rằng nghĩa vụ quân sự là điều sẽ đến với mọi đàn ông Hàn Quốc, không có gì quan trọng, nhưng giờ tôi đã nghĩ khác. Họ đều là con em của một gia đình nào đó” - mẹ của Song, bà Min Sun Lee, 50 tuổi, nói.

Giữa những căng thẳng gia tăng, Bộ quốc phòng Hàn Quốc tuần trước đã tuyên bố tạm hoãn kế hoạch cắt giảm thời gian đi quân dịch từ 21 xuống còn 18 tháng từ giờ đến năm 2014. Ngoài ra, thời gian phục vụ trong lực lượng hải quân và không quân vẫn được duy trì ở mức 23 và 24 tháng.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên