Đồng hồ đếm ngược đến ngày khai mạc Olympic Pyeongchang 2018 đặt tại thủ đô Seoul. Ảnh chụp ngày 1-11 - Ảnh: TUẤN SƠN
Trong mắt giới chuyên gia, kỳ đại hội sắp tới chỉ thật sự thành công nếu Seoul làm được một việc không mấy dễ dàng: thuyết phục Triều Tiên cử đoàn tham dự Olympic như một động thái gác lại bất đồng vì tinh thần thể thao.
Nhà lãnh đạo yêu thể thao
Những lời lẽ nắn gân nhau gần đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người lo ngại kỳ Olympic sắp tới tại Pyeongchang - chỉ cách biên giới liên Triều khoảng 80km - có thể bị phủ bóng bởi những căng thẳng chính trị, hoặc tệ hơn là bởi nguy cơ một cuộc tấn công tên lửa luôn hiện hữu.
Mặc các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gia tăng lên Triều Tiên, giới chức thể thao quốc tế và Hàn Quốc vẫn đang ra sức "dỗ dành" Bình Nhưỡng chấp nhận lời mời tham dự đại hội nhằm cứu vãn quan hệ hai nước và... tình hình bán vé.
Theo hãng tin Bloomberg, tính đến tháng 11 này, ban tổ chức của Hàn Quốc mới chỉ bán được 22% trên tổng số 750.000 vé Olympic phân phối trong nước và khoảng 56% trong số 320.000 vé dành cho khách nước ngoài, một phần do căng thẳng chính trị với Triều Tiên khiến người ta quan ngại về yếu tố an toàn.
Nếu cả Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc đều có vận động viên tại Hàn Quốc thì đó sẽ là một thành công
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức thể thao châu Âu
"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để có được sự tham gia của Triều Tiên, nhưng Kim Jong Un là một người rất khó đoán", hãng tin Reuters dẫn lời một nghị sĩ Hàn Quốc trong ủy ban đặc biệt của Quốc hội phụ trách công tác tổ chức Olympic.
Hi vọng không hẳn mong manh. Giới quan sát đánh giá nhà lãnh đạo 33 tuổi của Triều Tiên có một điểm yếu có thể khiến ông "mềm lòng" trước đề nghị của Seoul: tình yêu thể thao.
Người dân Triều Tiên chơi bóng đá ở ngoại ô Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS
Từ khi kế thừa quyền lực năm 2011, ông Kim Jong Un đã biến thể thao thành một trong những trọng tâm của mục tiêu cải thiện chất lượng sống cho quốc gia hơn 25 triệu dân. Dưới thời ông, chi tiêu cho thể thao của Triều Tiên đã tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các lĩnh vực khác, theo các con số báo cáo của truyền thông nước này.
Trong một thông điệp năm 2014, ông Kim kêu gọi các vận động viên nước nhà góp sức đưa thể thao trở thành một phần của cuộc sống và thực hiện mục tiêu biến Triều Tiên thành một "cường quốc thể thao", "mang lại vinh quang cho Tổ quốc bằng những chiếc huy chương vàng".
Tại Á vận hội 2014 do Hàn Quốc làm chủ nhà, các vận động viên Triều Tiên giành tổng cộng 11 huy chương vàng, đứng thứ 6 toàn đoàn và được chào đón trở về quê hương như những người hùng bằng một đoàn diễu hành và một bữa quốc yến do đích thân ông Kim chủ trì.
Đoàn vận động viên Triều Tiên dự Á vận hội 2014 tại Incheon, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Mở rộng vòng tay
Lần cuối cùng Hàn Quốc làm chủ nhà một kỳ Thế vận hội là vào năm 1988. Khi đó Bình Nhưỡng đã tẩy chay đại hội sau khi yêu cầu đồng đăng cai với Seoul nhưng không được Ủy ban Olympic Quốc tế chấp thuận.
Triều Tiên đã lỡ mất hạn chót là ngày 31-10 để quyết định có tham dự Olympic Pyeongchang hay không, nhưng ban tổ chức đã bắn đi tín hiệu cho biết có thể du di cho nước này đến gần sát kỳ đại hội để đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Một động thái hòa hoãn hiếm thấy khác của Seoul là đề nghị cho phép các vận động viên Triều Tiên... đi bộ vào lãnh thổ Hàn Quốc qua khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm ở biên giới, nơi cách đây 64 năm đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Nam-Bắc.
Olympic Pyeongchang 2018 sẽ thành công trọn vẹn nếu có sự tham gia của đoàn Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Tất cả đã sẵn sàng
Không chỉ mềm mỏng với Triều Tiên, chính quyền Seoul còn cho thấy họ đang quyết tâm mang lại một kỳ Thế vận hội mùa đông thành công sau hai lần đăng cai "hụt" vào các năm 2010 và 2014.
Từ tháng 1-2016, Ban tổ chức Olympic Pyeongchang đã khánh thành "Ngôi nhà Pyeongchang 2018" tại thành phố Gangneung - nơi sẽ diễn ra các môn thi đấu trên băng, bên cạnh cụm núi Pyeongchang là nơi diễn ra các môn trên tuyết.
Công trình được lắp ghép từ năm thùng container tái chế sắp xếp theo hình năm đường thẳng hội tụ, đại diện cho biểu trưng của Olympic Pyeongchang cũng như tinh thần "kết nối đam mê" là châm ngôn của kỳ đại hội.
Du khách trải nghiệm khu trò chơi thực tế ảo tại ngôi nhà Pyeongchang 2018 - Ảnh: TUẤN SƠN
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hàn Quốc, tổng chi phí tổ chức Olympic Pyeongchang 2018 có thể lên đến 10 tỉ USD, bao gồm 1,5 tỉ USD đầu tư một khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới tại tỉnh Gangwon và 60 triệu USD xây mới một sân vận động sức chứa 35.000 chỗ.
Một siêu dự án tàu cao tốc dài gần 114km nối sân bay quốc tế Incheon với Pyeongchang cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa điểm xuống còn 69 phút.
Khu trượt tuyết được đầu tư hơn 1,5 tỉ USD phục vụ Olympic ở tỉnh Gangwon. - Ảnh: Tổ chức Du lịch Seoul
Ghi nhận tại thủ đô Seoul những ngày đầu tháng 11, không khí Olympic đã thật sự len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Ngay tại trung tâm thành phố, một chiếc đồng hồ điện tử lớn được dựng lên để đếm ngược đến "giờ G" là lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 9-2 năm sau.
Hai linh vật của Olympic Pyeongchang là Hổ trắng Soohorang và Gấu ngựa Bandabi được trưng bày ở nhiều khu vực công cộng tấp nập người dân và du khách. Bảng thông tin về kỳ đại hội cũng như quầy bán hàng lưu niệm Olympic được đặt ngay tại mặt tiền một trung tâm thương mại lớn của thành phố.
Một cửa hàng lưu niệm chính thức của Olympic Pyeongchang 2018 ở thủ đô Seoul - Ảnh: TUẤN SƠN
Đúng 100 ngày trước khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018, chính quyền thành phố đã cho chặn xe hết chiều dài một con đường trung tâm để tổ chức một đêm đại nhạc hội K-pop quy tụ các nhóm nhạc đình đám của xứ sở kim chi như EXO, BTS, TWICE,... nhằm quảng bá cho sự kiện lớn của đất nước.
Theo đại diện Tổ chức Du lịch Seoul, tính đến nay gần như 100% công tác chuẩn bị đã hoàn thành, và có thể nói Hàn Quốc đã sẵn sàng cho một kỳ Olympic thành công.
Miễn visa
Các hoạt động của Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 25-2-2018 tại Pyeongchang và hai thành phố khác thuộc tỉnh Gangwon. Sau đó, Paralympic mùa đông dành cho các vận động viên khuyết tật sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 18-3.
Theo Tổ chức Du lịch Seoul, du khách Việt Nam, Indonesia và Philippines hiện đang được miễn thị thực (visa) đến Hàn Quốc cho đến tháng 4 năm sau nhằm tạo thuận lợi cho khán giả đến xem Olympic. Quy định này chỉ áp dụng cho khách tham quan nhập cảnh vào Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Yangyang thuộc tỉnh Gangwon.
Du khách chụp ảnh cùng bộ đôi linh vật Olympic Pyeongchang 2018 - Ảnh: TUẤN SƠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận