Bà Lee Ok Seon (giữa) rời Tòa án trung tâm quận Seoul tại Seoul, Hàn Quốc hôm nay (13-11) - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AP, phiên tòa được tiến hành với những chiếc ghế trống đặt ở khu vực dành cho bị đơn, bởi Chính phủ Nhật đã từ chối tham gia vụ kiện này. Theo các quan chức tòa án và luật sư của các nguyên đơn, Chính phủ Nhật cho rằng quyền miễn trừ quốc gia khiến họ không phải tham gia các vụ kiện ở những nước khác.
Quyền miễn trừ quốc gia (sovereign immunity) là quyền đảm bảo cho một quốc gia không phải chịu sự điều chỉnh của thẩm quyền thuộc một quốc gia khác, bao gồm cả thẩm quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp.
Các nguyên đơn trong vụ kiện gồm 20 phụ nữ từng bị bắt làm "phụ nữ mua vui" trong chiến tranh và những người thân của họ. Họ đã nộp đơn kiện từ năm 2016, yêu cầu được bồi thường 200 triệu won (171.000 USD) mỗi người, nhưng quá trình xét xử bị trì hoãn sau khi Chính phủ Nhật từ chối tiếp nhận đơn kiện.
Quan điểm của Tokyo cho tới nay vẫn khẳng định mọi vấn đề bồi thường đã được giải quyết bằng hiệp định năm 1965 giúp bình thường hóa quan hệ hai nước, cáo buộc Hàn Quốc cứ mãi xới lại những vấn đề được cho là đã giải quyết xong.
Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang có những mâu thuẫn sâu sắc về các vấn đề tồn đọng từ quá khứ chiến tranh.
Điều này dấy lên từ một phán quyết của tòa tối cao Hàn Quốc năm ngoái khi yêu cầu các công ty Nhật phải bồi thường cho các nguyên đơn cao tuổi người Hàn Quốc từng bị người Nhật bắt làm lao động khổ sai trong Thế chiến thứ 2.
Mâu thuẫn đã gia tăng thành một cuộc chiến thương mại khi cả hai bên cùng hạ mức tín nhiệm đối tác thương mại với nhau, sau đó lan sang cả các vấn đề quân sự khi Seoul đe dọa chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo.
Hiện chưa rõ phiên tòa sẽ kéo dài bao lâu. Phiên tòa sẽ chỉ dựa vào những lập luận pháp lý của các nguyên đơn trước khi đưa ra phán quyết.
Từng có khoảng 240 phụ nữ Hàn Quốc dám công khai với chính phủ về việc họ từng là nạn nhân bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong chiến tranh. Nhưng tới nay chỉ 20 người trong số họ còn sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận