17/02/2020 17:03 GMT+7

Hạn mặn đe dọa hàng ngàn hecta lúa đông xuân

K.NAM
K.NAM

TTO - Chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng hàng ngàn hecta lúa đông xuân (vụ lúa chính của cả năm) tại Kiên Giang đang đối diện với nguy cơ thiệt hại do hạn hán và nước mặn xâm nhập.

Cống Lình Huỳnh đóng kín để ngăn nước mặn - Video: K.NAM

Ông Danh Thuận (72 tuổi, nông dân, ngụ tổ 22, ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất) cho hay mới trước Tết Nguyên đán, ông còn thấy mừng vì lúa xanh rì, trổ đòng đòng thơm.

Nhưng mới đây, khi bơm nước chuẩn bị bón phân đợt cuối chờ lúa chín, cây lúa bắt đầu khô gốc, lúa cháy ngả màu trắng, bông lúa cũng trổ nhưng lép xẹp. Tới thời điểm này, coi như 2ha lúa đông xuân không còn gì để thu hoạch.

TS Đỗ Minh Nhựt, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết nhiều cánh đồng ở cuối các tuyến kênh đổ ra biển đều có nguy cơ thiệt hại. Nguyên nhân là nhiều nơi đã thiếu nước ngọt để bơm bổ sung vào ruộng giai đoạn lúa chuẩn bị chín.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, thống kê sơ bộ diện tích lúa có nguy cơ thiệt hại để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung vận hành có hiệu quả 55 cống trên tuyến đê biển Hòn Đất - Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, TP Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành. Vùng U Minh Thượng hiện cũng có 17 cống, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No có 35 cống để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất vụ đông xuân 2019-2020.

Sắp tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đắp đập tạm trên kênh Ông Hiển, đoạn gần cầu Tà Niên (thuộc huyện Châu Thành, Kiên Giang) để ngăn nước mặn từ kênh Tà Niên và vàm Bà Lịch chảy sâu vào nội đồng tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên.

Việc đắp đập tạm có thể ảnh hưởng tới giao thông đường thủy cục bộ, do đó sẽ nạo vét và sắp xếp cho tàu thuyền lưu thông theo hướng khác.

"Các đơn vị quản lý vận hành cống và các địa phương có cống ngăn mặn phải canh con nước, thấy độ mặn dưới 2‰ thì phải mở cống lấy nước vô ruộng ngay, vì độ mặn này cây lúa vẫn chịu được", TS Nhựt nói.

Hạn mặn đe dọa hàng ngàn hecta lúa đông xuân - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa đông xuân 2ha của ông Danh Thuận có nguy cơ mất trắng do nhiễm mặn - Ảnh: K.NAM

Theo Đài Khí tượng - thủy văn Kiên Giang, hiện tượng ENSO dù đang ở pha trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ đầu tháng 2 đến tháng 6-2020, với xác suất trên 50%. Tổng lượng mưa tháng phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20%.

Cùng với đó, mực nước cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Châu Đốc (An Giang) ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,04m. Hiện nay, thủy điện Trung Quốc vẫn xả rất thấp, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long rất hạn chế, nguy cơ hạn mặn cao là rất lớn.

Nhiều nơi ở miền Tây đang hạn, mặn khốc liệt Nhiều nơi ở miền Tây đang hạn, mặn khốc liệt

TTO - Hạn nặng nề đang bủa vây miền Tây khắp mọi ngã, mặn xâm nhập sâu vào bờ chưa từng có. Nhiều địa phương ở miền Tây đang hứng chịu cảnh hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt, đặc biệt ở các tỉnh ven biển.


K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên