Israel tiến về Rafah
Hãng tin Reuters dẫn Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã ra lệnh cho quân đội Israel lên kế hoạch sơ tán thành phố Rafah ở biên giới Gaza - Ai Cập, đồng thời tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas được cho là đang hoạt động trong khu vực này.
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng vào sáng 11-2, ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ mở hành lang an toàn cho dân thường Palestine ở Rafah. Khi được hỏi liệu họ sẽ đi về đâu, thủ tướng Israel chỉ nói “đang vạch ra một kế hoạch chi tiết”.
Cùng ngày, kênh truyền hình Al-Aqsa do Hamas điều hành dẫn lời một lãnh đạo cấp cao của Hamas, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào của Israel vào Rafah sẽ hủy hoại các cuộc đàm phán trao đổi con tin.
Thành phố Rafah ở miền nam Gaza là trung tâm dân cư lớn cuối cùng ở Gaza mà quân đội Israel chưa tiến vào. Nhưng trên thực tế, thành phố này vẫn bị oanh tạc bởi các cuộc không kích gần như là hằng ngày.
Đây cũng là nơi trú ẩn của khoảng 2 triệu người Palestine phải di rời, sau khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công trả đũa Hamas ở Gaza sau sự kiện 7-10-2023.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại trước chiến dịch tấn công vào Rafah của Israel.
“Người dân ở Gaza không thể biến mất vào không khí”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock viết trên X, đồng thời cảnh báo một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra nếu Israel tấn công Rafah.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia hôm 10-1 nhấn mạnh “những hậu quả rất nghiêm trọng của việc tấn công và nhắm mục tiêu” vào Rafah, đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Còn Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về cuộc tấn công sắp xảy ra.
Ngay cả Mỹ - đồng minh lớn nhất của Israel - cũng chỉ trích gay gắt kế hoạch nhằm vào Rafah.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nếu không được lên kế hoạch cẩn thận, chiến dịch có thể dẫn đến thảm họa.
Văn phòng của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho biết động thái này “đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực và thế giới” và là “sự vi phạm trắng trợn mọi lằn ranh đỏ”.
Phát hiện đường hầm Hamas dưới trụ sở UNRWA
Ở phía bắc thành phố Gaza (bên trong Dải Gaza), quân độI Israel tuyên bố đã phát hiện một đường hầm của Hamas dưới trụ sở của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA).
Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, đã kêu gọi lãnh đạo của UNRWA là ông Philippe Lazzarini từ chức.
Tuy nhiên, ông Lazzarini khẳng định cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã không còn hoạt động trong khu nhà này kể từ ngày 12-10-2023, khi các nhân viên sơ tán dưới sự chỉ dẫn của lực lượng Israel.
Hamas đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Israel rằng họ đã đào một mạng lưới đường hầm bên dưới trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng dân sự khác để che đậy cho các hoạt động của mình.
Xung đột Israel - Hamas, bắt đầu từ ngày 7-10-2023, đã bước sang tháng thứ năm.
Vụ tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7-10 năm ngoái đã khiến hơn 1.100 người ở Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Hamas cũng đã bắt giữ khoảng 250 con tin, theo thông tin từ Israel.
Trong khi đó, cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza tuyên bố các đòn tấn công trả đũa của Israel đến nay đã khiến hơn 28.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Xung đột cũng đã có tác động sâu rộng trong khắp khu vực, với bạo lực đã gia tăng khắp Trung Đông liên quan đến các nhóm được Iran hậu thuẫn.
Áp lực đè nặng lên chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu, khi làn sóng giận dữ của công chúng ngày càng gia tăng. Vào tối 10-2, dòng người tuần hành đã đổ xuống đường phố Tel Aviv yêu cầu trả tự do cho các con tin, đòi ông Netanyahu từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận