Các đại biểu trong nhóm thảo luận chủ đề giáo dục ở SSEAYP 2018 chụp hình lưu niệm - Ảnh: H.AN
Có thể nói SSEAYP là một trong những chương trình ngoại giao dành cho giới trẻ lớn và uy tín nhất do Chính phủ Nhật Bản cùng 10 nước ASEAN phối hợp thực hiện. Thông qua 45 lần ra khơi, SSEAYP trở thành một điểm son mà nhiều bạn trẻ luôn muốn tô vẽ cho thanh xuân được trọn vẹn.
Được gặp gỡ và trình bày trực tiếp những trăn trở đến các đại diện đầu ngành là một cơ hội quý mà mình chỉ tìm thấy ở SSEAYP.
Đại biểu PHAN THỊ HẢI YẾN
Thế nhưng, với những đại biểu đã về từ SSEAYP, hải trình trên không chỉ "giải tỏa" cơn khát thích xê dịch, tìm hiểu văn hóa mà còn là cơ hội gặt hái những bài học, chiêm nghiệm đến từ những khóa học, thảo luận theo tám nhóm chủ đề trên tàu. Từ đây, nhiều ý tưởng hoạt động xã hội đã được hình thành để đóng góp cho quê hương.
Đặc biệt quan tâm đến giáo dục
Một trong những nội dung được SSEAYP đặc biệt quan tâm là giáo dục "nền móng" để tạo nên các thay đổi tích cực trong xã hội.
SSEAYP tạo cơ hội cho các đại biểu có góc nhìn thực tế về hoạt động giáo dục hiện nay tại Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Xuyên suốt hải trình, các đại biểu được đón tiếp và trò chuyện cùng đại diện bộ giáo dục của các nước, được chất vấn về những thắc mắc của mình hay đưa ra những đề xuất, kiến nghị thẳng thắn và xây dựng.
Các đại biểu còn được tham khảo nhiều "bí kíp" hữu ích, trải nghiệm thực tế môi trường giáo dục của từng nước qua những chuyến thăm các trường đại học, cơ sở giáo dục. Chẳng hạn tất cả giáo viên tại Philippines đều phải làm bài sát hạch năng lực ba năm một lần.
Hay như đại biểu Bùi Hoàng Anh vô cùng thích thú khi tại SSEAYP được học về hai định hướng giáo dục nổi bật hiện nay: giáo dục phổ cập và giáo dục bình đẳng. Hai khái niệm này yêu cầu người giáo viên phải tập trung đến việc "chiến lược hóa" công việc giảng dạy của mình để phù hợp với mọi kiểu người học.
Mối quan hệ quý giá
Từ các hoạt động thảo luận, các kỹ năng mềm như cách lắng nghe đối phương, trình bày ý tưởng và làm việc nhóm là những điều hữu ích với các thành viên đa quốc tịch.
Đại biểu Phan Thị Hải Yến chia sẻ: "Được gặp gỡ và trình bày trực tiếp những trăn trở đến các đại diện đầu ngành là một cơ hội quý mà mình chỉ tìm thấy ở SSEAYP".
Và từ những điều "gặt hái" được, từ các mối quan hệ quý giá có từ SSEAYP..., nhiều đại biểu đã thực hiện các dự án, hoạt động ý nghĩa cho quê hương. Có thể kể đến đại biểu Hải Yến tổ chức các hoạt động khuyến khích tinh thần làm việc nhóm, tính tự giác và chủ động ở giới trẻ.
Kế thừa tinh thần Leave no one behind - Không bỏ rơi một ai, đại biểu Đức Anh cùng đoàn đã thực hiện chương trình Giáo dục kỹ năng qua sách cho các trẻ em vùng cao Ba Vì hiểu hơn về văn hóa các nước ASEAN - Nhật Bản, các hiện tượng khoa học và kỹ năng nói tiếng Anh cơ bản... Thông điệp từ hải trình trên cứ thế tiếp nối, lan tỏa đến mọi miền của 11 quốc gia.
Dự kiến nhận đơn từ cuối tháng 2
Đại biểu Việt Nam trong hoạt động thăm Bộ Giáo dục Brunei ở SSEAYP 2018 - Ảnh: H.AN
Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) ra đời từ năm 1974, là hoạt động thường niên nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên các nước trong khu vực, do Chính phủ Nhật Bản phối hợp chính phủ 10 nước thành viên ASEAN tổ chức.
SSEAYP 2019 tại Việt Nam dự kiến sẽ mở đơn nhận ứng viên vào ngày 25-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận