10/01/2013 06:50 GMT+7

Hai tay nâng một viên phấn

NGUYỄN BÍCH LAN
NGUYỄN BÍCH LAN

TT - Những em học trò đang học lớp 8 của mẹ tôi ở trường làng thường kéo đến nhà tôi chơi vào buổi tối. Mắt tò mò của các em thường đổ dồn vào ô cửa sổ nhỏ nơi tôi ngồi học.

Chắc hẳn các em tự hỏi không biết cái gì hấp dẫn tôi đến mức tôi có thể ngồi lì trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2 cắm cúi, cặm cụi không màng đến xung quanh. Mẹ tôi bảo học trò rằng tôi đang học tiếng Anh, rằng tôi biết tiếng Anh. Không hiểu đám trẻ ấy về nhà nói gì với cha mẹ mà bỗng dưng mấy phụ huynh đánh tiếng nhờ tôi dạy tiếng Anh cho con họ.

Kỳ 1: Tuổi 13 định mệnhKỳ 2: Những người thầy vô hình

gzvORtPP.jpgPhóng to

Bích Lan và một học trò nhỏ ở làng quê - Ảnh: Q.Việt

Những học trò đầu tiên

Bọn trẻ đến vào một chiều mùa hè. Chín em tất cả. Các em đứng lấp ló ở cửa ra vào, vài em ôm tập vở. Tôi cũng như các em, hầu như chẳng chuẩn bị gì. Không có bàn, không có ghế. Cuối cùng, bọn trẻ ngồi bệt sàn nhà. Mẹ dựng một cánh cửa bằng gỗ vào tường để tôi làm bảng viết. Vừa hồi hộp vừa ngượng ngùng, vừa phấn khích vừa lo lắng, tôi lấy viên phấn trong hộp phấn của mẹ, viết lên bảng từ tiếng Anh đầu tiên, mở ra trang mới cuộc đời mình.

Bọn trẻ ngồi dưới sàn nhà mở to mắt nhìn tôi. Các em ngạc nhiên trước con chữ lạ tôi vừa viết ra bao nhiêu thì cũng ngạc nhiên trước cách tôi cầm phấn viết bấy nhiêu. Từ khi mắc bệnh, tôi không còn có thể giơ tay lên cao. Muốn đưa thìa cơm lên miệng, tôi cũng phải dùng cả hai tay. Tôi cũng không thể cầm phấn viết chữ lên bảng theo cách thông thường. Tay nọ đỡ tay kia, tôi đưa viên phấn lên vị trí cao ngang ngực mình trên tấm cánh cửa mà tôi sử dụng làm bảng viết. Tì lòng bàn tay phải vào mặt gỗ, tôi cố viết nắn nót cho ra dáng chữ “cô giáo”.

Tôi không hiểu làm thế nào buổi đầu tiên ấy tôi lại có thể dạy cho bọn trẻ những hơn mười từ tiếng Anh và ba cách chào khác nhau. Chúng thuộc làu làu những gì tôi dạy. Kết thúc buổi học, khi bọn trẻ bước ra khỏi ngõ nhà, tôi nghe chúng hào hứng đố nhau nhắc lại từ vừa học. Tôi tự hào quá đỗi.

Tôi háo hức mong chờ buổi học tiếp theo của bọn trẻ. Ba ngày chậm chạp trôi qua trong nỗi lo lắng, phấp phỏng của tôi. Tôi lo rằng tiếng Anh quá lạ lẫm đối với bọn trẻ và chúng chỉ muốn học thử một chút. Tôi lo rằng tôi dạy chẳng ra làm sao, chẳng tạo được sự hấp dẫn. Bọn trẻ sẽ không đến nhà tôi học nữa. Tôi mừng muốn nhảy cẫng lên khi thấy bảy trong số chín học trò buổi học hôm trước lại xuất hiện trước cửa nhà.

Bảy học trò mang tin tôi mở lớp dạy tiếng Anh truyền đi khắp xã. Ở quê tôi ngày ấy, đứa trẻ nào biết tiếng Anh, dù chỉ chút ít cũng là sự lạ. Có người nói với bọn trẻ: “Chúng mày học tiếng Anh làm gì, để mang đi cấy à?”. Lại có người nói rằng tôi không học trường lớp nào cũng ti toe dạy học, rồi thế nào lớp của tôi cũng sớm tan thôi.

Trong một năm tôi duy trì lớp học đầu tiên ấy, thỉnh thoảng có những đứa trẻ khác đến xin học. Đợi đến khi tập trung được hơn một chục trẻ muốn học, tôi mở thêm một lớp mới. Vậy là cùng lúc tôi làm cô giáo hai lớp học. Vườn nhà tôi có một cây táo rất to, có tán rộng xòe kín không gian cả mảnh vườn và một phần của khoảng sân trước. Cây táo có dáng đẹp, sai quả. Học trò nào của tôi cũng thích ăn trái táo trên cây. Rất tự nhiên, các em gọi lớp học tiếng Anh ở nhà tôi là “lớp Cây Táo”. Chúng hồn nhiên ghi cái tên đó lên nhãn vở.

Tuần tiếp tuần nối nhau đi qua cùng các buổi dạy và học của cô trò chúng tôi. Thấm thoát, lứa học trò đầu tiên đã học lên cấp III. Như em trai tôi ngày nào, các em bắt đầu được học tiếng Anh ở trường. Đó là lúc cả tôi và các em đều biết rằng nỗ lực mà chúng tôi dành cho những buổi học ở lớp Cây Táo không uổng phí. Trong khi không ít bạn học bỡ ngỡ trước môn tiếng Anh mới lạ, học trò của tôi thành những người tự tin nhất với môn học này.

Từng tốp học sinh từ các xã lân cận, thậm chí từ những xã thuộc “vùng xa” của huyện, đã đạp xe đến nhà tôi xin học lớp Cây Táo. Tôi mở thêm một lớp mới cho hai mươi ba học sinh lớp 10. Nhiệm vụ của tôi là giúp học trò mới tống khứ nỗi sợ tiếng Anh. Cô trò chúng tôi đánh vật với môn tiếng Anh qua từng buổi học kéo dài ba tiếng. Kết quả những bài kiểm tra ở trường cho thấy nỗi sợ tiếng Anh của hầu hết học trò tôi dần vơi đi như một tín hiệu vui, như phần thưởng dành cho những nỗ lực của chúng tôi.

Phần thưởng vô giá

Tôi cùng học trò mình bước vào những mùa thi. Những ngày học trò của tôi đi thi môn tiếng Anh, tôi bồn chồn ra vào, không làm nổi việc gì ra hồn. Đi mỏi chân, tôi đứng tựa cửa đợi các em. Những sĩ tử của tôi rời trường thi là đạp xe thẳng về nhà tôi, quẳng xe đạp cà tàng khắp sân, chạy ào vào ba gian nhà chính nơi tôi sử dụng làm lớp học, đưa đề thi cho tôi rồi vừa uống nước ừng ực vừa nghe tôi đọc đáp án. Tôi thường biết trước điểm thi của học trò qua những ngón tay giơ lên biểu lộ chiến thắng hoặc qua im lặng ỉu xìu mang tên thất vọng. Khi ấy, tôi cảm thấy mình như người đi gặt, gặt được cả những bông lúa mẩy hạt và bông lúa lép. Tôi mừng vì lúa mẩy hạt vẫn chiếm đa số.

Lớp học Cây Táo được cả huyện biết đến. Cứ đến đầu một kỳ học mới, từng tốp học sinh từ các xã trong huyện lại kéo đến gặp tôi xin được vào học. Có học trò bị tôi từ chối vì lớp quá đông đã quyết định đứng đợi suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài ngõ nhà tôi cho đến khi tôi cảm động, đồng ý nhận vào lớp. Có học trò vượt mười lăm cây số đến lớp học, mặc tôi khuyên nhủ thế nào cũng không chịu nghỉ. Sự hiếu học của các em là điểm tựa của tôi mỗi khi tôi bị bệnh tật giày vò cả thể xác lẫn tinh thần.

Trong những buổi học, khi các học trò của tôi làm bài tập thực hành, tôi cố gắng đi len qua những hàng ghế, đến tận chỗ các em học kém, cố gắng giải lại các cấu trúc ngữ pháp, chỉ cho từng em cách giải quyết các tình huống khó trong bài tập, những lỗi sai và cách sửa sai. Có lần việc làm ấy của tôi tạo ra kết quả không mong muốn.

Trong lúc lật đật đi xuống tận chỗ ngồi của một học trò để giúp em ấy làm bài tập, chẳng may tôi ngã đổ sập người giữa những băng ghế, đập đầu đánh “bốp” xuống sàn nhà. Cả học trò lẫn người thân của tôi được một phen hoảng hốt.

Lòng nhiệt tình của tôi đã được học trò đáp lại rất cảm động. Tôi có cơ hội cảm nhận tình cảm cao đẹp mà người ta gọi là “tình thầy trò”. Tôi cảm nhận được lòng yêu mến của học trò dành cho mình qua ý thức tự giác và sự chăm chỉ học của các em.

Tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của các em dành cho tôi qua những hành động nho nhỏ như các em vội vàng dẹp băng ghế lấy lối cho tôi đi, luôn giữ chiếc khăn lau bảng vừa đủ ẩm nhưng thật kiệt nước để tôi không bị ướt áo mỗi khi cầm khăn bằng cả hai tay lau bảng, và khép bớt cánh cửa gần chỗ tôi đứng giảng bài ngày gió lạnh... Mỗi hành động, mỗi cử chỉ nhỏ ấy đều khiến tôi cảm động, đều in vào lòng tôi và không gì có thể xóa nhòa...

____________________

Được chẩn đoán đúng bệnh nan y thường làm người ta không qua khỏi tuổi 18, Bích Lan nghe tiếng khóc bật ra từ tim mình, tiếng khóc cho cả cuộc đời còn quá trẻ của cô. Có cụ già đã nói với cô: “Nếu trời không cho sống, trời bắt đi thì phải đi cháu ạ!”.

Kỳ tới: Nếu trời không cho sống

NGUYỄN BÍCH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên