02/01/2022 10:36 GMT+7

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ cuối: Vịnh Guinea - điểm nóng mới

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Không nơi nào trên Trái đất này, bọn cướp biển tấn công thường xuyên hơn Vịnh Guinea - nơi hơn 130 thủy thủ bị bắt làm con tin vào năm 2020. Khu vực này còn nguy hiểm hơn cả bờ biển Somalia và phức tạp hơn vì có nhiều quốc gia ven biển hơn.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ cuối: Vịnh Guinea - điểm nóng mới - Ảnh 1.

Nigeria là nước có tiềm lực hải quân mạnh nhất Guinea và đang cố gắng phối hợp với các nước khác để giải quyết nạn cướp biển - Ảnh: AFP

Hệ quả công nghiệp dầu khí

Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), năm 2020 có 135 thuyền viên bị bắt cóc trên toàn thế giới thì có đến 130 người bị cướp biển bắt tại Vịnh Guinea. Gần đây nhất có vụ bắt giữ thủy thủ đoàn tàu container Mozart vào tháng 1-2021. 

Bọn cướp biển chỉ mất 6 tiếng để mở được cửa phòng an toàn, bắn chết 1 người và bắt 15 người khác làm con tin nhưng sau đó thả người vào tháng 2 sau khi đã nhận được tiền chuộc. Giống như vụ tàu Mozart, nhiều vụ bắt tàu theo một kịch bản ngày càng nguy hiểm đã xảy ra tại Vịnh Guinea.

Năm 2011, cướp biển tại Vịnh Guinea thu hút sự chú ý toàn cầu vào cùng thời điểm nạn cướp biển ngoài khơi Somalia bị lực lượng quốc tế trấn áp. 

Theo báo cáo năm 2013 của Liên Hiệp Quốc, nạn cướp biển tại Vịnh Guinea là hệ quả của sự phát triển nóng ngành công nghiệp dầu khí, sự buông lỏng quản lý của chính quyền và sự khan hiếm nhiên liệu tại khu vực. 

Cướp biển tại đây phần lớn chỉ nhắm vào các tàu chở dầu và ít khi bắt tàu chở hàng hoặc bắt cóc con tin đòi tiền chuộc như cướp biển Somalia.

"Tâm chấn" ban đầu của loại hình tội phạm này nằm tại khu vực thuộc Đồng bằng sông Niger với việc phát hiện ra một lượng lớn hydrocacbon ngoài khơi. 

Báo cáo năm 2019 của Nghị viện châu Âu cho biết việc tìm thấy mỏ khí đốt đã tạo ra căng thẳng xã hội và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Điều này là do chỉ có chính quyền trung ương, giới tinh hoa địa phương và các công ty dầu được hưởng lợi nhiều nhất. 

Một vài trong số những người bị đẩy ra khỏi vòng tròn hưởng lợi đã trở thành "cướp biển dầu khí". Họ đánh cắp dầu thô từ các đường ống hoặc cướp tàu chở dầu rồi bán cho các cơ sở lọc dầu không chuyên quy mô nhỏ.

Điều này không chỉ gây tổn hại cho các nhà sản xuất dầu hợp pháp mà còn gây hại cho nền kinh tế địa phương và đáng chú ý nhất là môi trường, vì nhiều nhà máy lọc dầu nghiệp dư không có bất kỳ hệ thống quản lý chất thải nào đối với các sản phẩm phụ còn sót lại hoặc ứng phó sự cố dầu tràn. 

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến trồng trọt và đánh bắt hải sản đã đẩy nhiều người vào thế phải tìm kế sinh nhai mới. Vô hình trung điều này tạo ra "nguồn nhân lực dồi dào" cho các nhóm cướp biển tại Đồng bằng sông Niger.

Theo báo cáo của Nghị viện châu Âu, "cướp biển dầu khí" ăn nên làm ra vì các quốc gia liên quan đang nhắm mắt làm ngơ. 

Việc thực thi pháp luật yếu kém, các quan chức tham nhũng và thị trường dầu mỏ phần lớn không được kiểm soát khiến các tổ chức tội phạm dễ dàng chuyển dầu thô cướp trên biển vào các nhà máy tinh chế rồi đàng hoàng trở lại thị trường hợp pháp. Từ Nigeria, hình thức "cướp biển dầu khí" này lan ra các nước xung quanh. 

Ở những địa điểm mới này, cướp biển bắt đầu đa dạng hóa phạm vi hoạt động và mục tiêu sang các tàu thương mại khác như tàu chở hàng rời, tàu container.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ cuối: Vịnh Guinea - điểm nóng mới - Ảnh 2.

Trực thăng và chiến hạm Đan Mạch trong một sứ mệnh hàng hải quốc tế. Châu Âu đang để mắt nhiều đến Vịnh Guinea vì số vụ cướp biển tại khu vực - Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Rắc rối pháp lý

Ông Cyrus Mody, phó giám đốc IMB, cho biết phần lớn các nước quanh Vịnh Guinea gần như không quan tâm đến biển vì thiếu kiến thức, không được đào tạo hay có sẵn nguồn lực để đối phó cướp biển. 

"Khi một vụ cướp xảy ra trong lãnh hải của một quốc gia, nó được gọi là cướp có vũ trang trên biển. Khi vụ việc tương tự diễn ra bên ngoài lãnh hải của một quốc gia, nó được gọi là cướp biển và bất kỳ lực lượng hải quân hoặc cơ quan ứng phó cướp biển nào cũng có thể đối phó với hành vi đó" - ông Mody giải thích.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa Vịnh Guinea và vùng Sừng châu Phi. Ở phía đông châu Phi, các tàu phải đi qua Vịnh Aden để đi từ Á sang Âu và ngược lại. Hầu hết các cuộc tấn công diễn ra tại khu vực này, nhưng nó nằm trong vùng biển quốc tế, vì vậy cộng đồng quốc tế có thể bảo vệ các tàu. 

Khoảng 30 quốc gia đã cử tàu chiến cho mục đích này. Tại Vịnh Guinea ở phía tây châu Phi, phần lớn các vụ cướp biển diễn ra bên trong lãnh hải các nước và dù là tuyến hàng hải quan trọng, những con tàu đi qua Vịnh Guinea chỉ có ý nghĩa với riêng các nước trong khu vực thay vì quốc tế như Vịnh Aden.

Cướp biển tại Vịnh Guinea đến từ nhiều quốc gia và thường chạy sang lãnh hải các nước kế cận để thoát thân. Lực lượng an ninh không được phép đi từ lãnh hải nước này sang lãnh hải nước khác để truy đuổi cướp biển mà không thông báo trước cho quốc gia sở tại. 

Đó là trên lý thuyết, còn ở thực tế, cướp biển lộng hành vì các nước ven biển không có đủ nguồn lực để đối phó và truy bắt. "Do thiếu cơ quan thực thi pháp luật, vùng biển này trở thành sân chơi cho bọn tội phạm" - ông Mody nêu thực trạng.

Những nỗ lực bước đầu

Vai trò kém quan trọng với thế giới của các tuyến hàng hải ở Vịnh Guinea lý giải vì sao cho đến thời điểm hiện tại vẫn có rất ít nỗ lực quốc tế, dù ai cũng nhìn thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của hải tặc nơi đây. 

Liên minh châu Âu (EU) là lực lượng tiên phong và đang dẫn đầu trong các nỗ lực chống cướp biển, xây dựng năng lực hàng hải tại khu vực. Đan Mạch là một trong những nước xông xáo nhất trong nỗ lực của EU vì hàng ngày có rất nhiều tàu thương mại của nước này đi qua Vịnh Guinea.

Đan Mạch triển khai khinh hạm Esbern Snare đến Vịnh Guinea vào tháng 10 vừa qua và chỉ 1 tháng sau đó chiến hạm này đã chạm trán với cướp biển. 

Với ưu thế hỏa lực trên mặt biển lẫn trên không, Hải quân Đan Mạch đã tiêu diệt 4 nghi phạm cướp biển và bắt giữ 4 tên khác. Nhiệm vụ ban đầu của chiến hạm này chỉ là hộ tống và giám sát tàu bè qua lại Vịnh Guinea, nếu có cướp biển thì bắt giữ và phá hủy phương tiện của chúng.

Theo phía quân đội Đan Mạch, khinh hạm Esbern Snare nhận được tin báo có cướp biển hoạt động nên đã cho trực thăng xuất kích trước để thăm dò. Đến chiều ngày 24-11, phi công phát hiện 1 chiếc xuồng cao tốc khả nghi chở 8 người đàn ông trên biển lảng vảng gần các tàu buôn và có một số dụng cụ thường thấy của cướp biển trên xuồng. 

Chiến hạm Esbern Snare sau đó đến địa điểm trên và thả 2 xuồng bơm hơi gia cố vỏ cứng cùng một số binh sĩ để kiểm tra chiếc xuống khả nghi trên vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, những người trên xuồng khả nghi đã khước từ và nổ súng về phía xuồng Đan Mạch. Tình huống này buộc binh sĩ Đan Mạch phải nổ súng bắn hạ 4 tên và khiến 1 tên bị thương trước khi bắt giữ.

Mỹ, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã gửi tàu hoặc lực lượng hỗ trợ đào tạo các nước Vịnh Guinea sau số vụ cướp biển kỷ lục năm 2021. 

Hải quân Mỹ đã triển khai tàu USS Hershel "Woody" Williams đến diễn tập chống cướp biển tại khu vực thay vì hiện diện thường trực như tại Vịnh Aden. Sự hiện diện của hải quân các nước là chưa đủ, bởi các âm mưu cướp biển vẫn được lên kế hoạch trên đất liền. 

Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các băng đảng, nơi chúng đầu tư chiến lợi phẩm của mình nên đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và cứng rắn hơn nữa cả trên bộ lẫn trên biển. Điều này có phần giống với ở Somalia, khi chính quyền dần kiểm soát quyền lực trở lại thì hải tặc cũng dần hết chốn nương thân.

Vịnh Guinea nằm ở phía tây châu Phi, là một phần của Đại Tây Dương và trải dài từ Senegal đến Angola, tiếp giáp hơn một chục nước. Nếu không có cướp biển, Vịnh Guinea hẳn là một địa điểm du lịch thú vị, nơi những người thích khám phá có thể "check-in" điểm giao nhau giữa kinh tuyến gốc và xích đạo.

Theo IMB, khu vực Vịnh Guinea ghi nhận 28 vụ cướp biển và cướp có vũ trang trong 9 tháng đầu năm 2021, so với 46 vụ của cùng kỳ năm 2020. Tính riêng trong quý 3 năm 2021 chỉ có 1 thuyền viên bị bắt cóc, giảm đáng kể so với 31 người trong các sự cố riêng biệt xảy ra cùng kỳ năm 2020.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 6:  Sự suy tàn của cướp biển Somalia Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 6: Sự suy tàn của cướp biển Somalia

TTO - Chiến dịch chống cướp biển quốc tế và sự ổn định của Chính phủ Somalia khiến cướp biển vùng Sừng châu Phi ngày càng khó kiếm ăn hơn. Những tên đầu lĩnh sừng sỏ lần lượt sa lưới bằng những cách không ngờ tới.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên