GS Nguyễn Thanh Liêm (hàng đầu bên trái) và TS Nguyễn Thị Hiệp (hàng dưới bên trái) trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu năm 2019 của tạp chí Asian Scientist - Ảnh chụp màn hình
GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, hiện là viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec; còn TS Nguyễn Thị Hiệp là trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Nghiên cứu khoa học vì cộng đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Thanh Liêm nói: "Tôi rất bất ngờ. Sau này tôi mới biết ban tổ chức căn cứ vào các công trình khoa học đã xuất bản quốc tế của tôi".
* Điều gì đã khiến ông - một người xuất thân ở một vùng quê xa - bắt nhịp với các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam rồi quốc tế?
- Tôi vào ĐH Y Hà Nội năm 1970. Có hai điều mà tôi nhớ: điều đầu tiên là tôi rất thích nghiên cứu khoa học, năm học Y1 đã theo các thầy nghiên cứu về nước mưa, Y1 đã tham gia nghiên cứu cũng là hiếm lắm.
Thứ hai là tôi có ý thức học tiếng Anh từ sớm. Năm 1972, khi rời khu sơ tán về lại Hà Nội, tôi bắt đầu đi học tiếng Anh ở lớp học ban đêm, đến năm 1990 thì học thêm tiếng Pháp, điều đó giúp tôi tiếp cận được giáo trình tài liệu của các đồng nghiệp nước ngoài.
GS Nguyễn Thanh Liêm - Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, tôi cũng được học với các thầy giỏi, như thầy Nguyễn Xuân Thụ ở Bệnh viện Nhi T.Ư. Năm 1982, khi chuyên gia Thụy Điển sang thì bắt đầu học với họ, và năm 1985 tôi được đi học ở Thụy Điển. Ngoại ngữ chính là cánh cửa để mình tiếp xúc với thế giới, bên cạnh các thầy.
Chính vì vậy, khi làm giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, chúng tôi đã đặt một ngày trong tuần là "Ngày tiếng Anh", ngày hôm đó trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh để các đồng nghiệp trẻ cũng nâng cao trình độ Anh ngữ.
* Trong số các công trình khoa học của ông cũng có những công trình khởi đầu không suôn sẻ, không phải được ủng hộ. Ngay như công trình nghiên cứu về hệ gen người Việt vừa rồi cũng tạo nên cuộc tranh luận khoa học, vì sao các ông vẫn quyết định làm tiếp, không dừng lại?
- Điều tôi luôn nghĩ đến là tính mục đích của nghiên cứu. Mục đích của chúng tôi không vì danh lợi, mà vì cộng đồng, để giải quyết các bệnh nan y và cuối cùng là cho sức khỏe. Tôi quan tâm đến giá trị khoa học.
* Gần đây, bên cạnh công việc, ông say mê với hoạt động ở chương trình "Nhịp cầu yêu thương". Lý do nào mà ông khởi xướng chương trình này?
- Hiện nay, các bệnh viện đều tự chủ tài chính nên nhiều kỹ thuật cao, đắt tiền thì người nghèo khó tiếp cận. Bảo hiểm y tế chi trả phí khám chữa bệnh, nhưng người nghèo có khi không có tiền vé xe và tiền ăn khi đi chữa bệnh, vì vậy họ không đến được bệnh viện tỉnh, chưa nói bệnh viện T.Ư. Chương trình của chúng tôi nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh như vậy.
Thời gian qua, "Nhịp cầu yêu thương" đã tổ chức được 4 đợt phẫu thuật cho hơn 400 trẻ em, chưa kể hỗ trợ những trường hợp riêng lẻ gặp khó khăn.
Chúng tôi cũng đã trao tặng bộ sách về trẻ tự kỷ cho các gia đình có con mắc bệnh, nhằm giúp các gia đình có thêm kiến thức để đồng hành cùng với trẻ. Bộ sách này cũng do nhóm biên soạn, in ấn và hiện được các gia đình đón nhận như một bộ cẩm nang hữu ích.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm sinh năm 1952 tại Thanh Hóa, tốt nghiệp bác sĩ nội trú năm 1979 và từ đó về công tác tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ông đã làm việc tại Bệnh viện Nhi T.Ư gần 40 năm, trong đó có 12 năm làm giám đốc bệnh viện.
Là bác sĩ ngoại nhi có đóng góp rất lớn: mổ tách 5 cặp song sinh dính liền, chủ trì công trình cấp nhà nước về bệnh xơ cơ Delta ở trẻ em, bệnh cúm gia cầm, sáng tạo ra 9 kỹ thuật mổ mới được các đồng nghiệp quốc tế áp dụng...
GS Liêm cũng được mời viết trong cuốn sách giáo khoa chuyên đề về phẫu thuật nội soi và chương u nang ống mật chủ trong sách giáo khoa xuất bản tại Mỹ. Đây là tác giả người châu Á hiếm hoi được mời viết sách giáo khoa xuất bản tại Âu - Mỹ.
GS Liêm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 trong cụm công trình về ghép tạng; danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2018, ông được trao giải thưởng Nikkei vì những đóng góp trong phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở châu Á.
Nghiên cứu khoa học nếu nản sẽ thất bại
TS Nguyễn Thị Hiệp trong phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Quốc tế Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngay sau khi hay tin được Asian Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019, TS Nguyễn Thị Hiệp - trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: "Tôi rất vui và tự hào khi được có tên trong danh sách các nhà khoa học tiêu biểu của châu Á.
Thật sự tôi khá bất ngờ, có lẽ họ tự bình chọn và tôi không hề hay biết đến việc bình chọn này. Hi vọng đây sẽ là cảm hứng cho các sinh viên, các nhà khoa học, các giảng viên, đặc biệt là tạo cảm hứng cho các bạn trẻ hơn tôi theo con đường khoa học".
Mấy năm qua, nữ tiến sĩ trẻ này liên tục nhận nhiều giải thưởng khoa học danh giá trong nước cũng như quốc tế. Mới đây nhất, tháng 6-2019, TS Nguyễn Thị Hiệp đã đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019 (giải thưởng lần thứ nhất) với công trình Keo thông minh trong điều trị lành thương thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).
Trước đó, chị cũng nhận được Giải thưởng tài năng trẻ quốc tế L'Oréal - UNESCO 2018 vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.
Sinh năm 1981, TS Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường ĐH Soonchunhyang (Hàn Quốc).
Năm 2012, TS Hiệp trở về nước làm giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh tại Trường ĐH Quốc tế. Ở tuổi 39, nữ giảng viên người TP.HCM này có 11 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Chị phụ trách nhóm nghiên cứu gần 40 người về chuyên ngành y học tái tạo.
Tính đến nay, TS Hiệp có tổng cộng 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế.
Chị cho rằng bất cứ làm công việc gì đôi khi gặp khó khăn sẽ nản, nhưng với nghiên cứu khoa học nếu nản sẽ thất bại. Để nghiên cứu khoa học thành công chắc chắn phải có đam mê và luôn cố gắng vượt qua khó khăn.
Quyết tâm ấy vẫn đeo bám nhà khoa học nữ trẻ này khi con đường nghiên cứu trước mắt đã lường trước được nhiều khó khăn, bởi cần thêm các nghiên cứu sâu hơn về mặt sinh học và các thí nghiệm trên động vật cũng như trên người, cũng như cần một chính sách rõ ràng về giấy tờ cho các sản phẩm nghiên cứu trong nước.
"Tôi có hai ước muốn. Thứ nhất, tôi rất mong Nhà nước, các đơn vị cấp kinh phí quan tâm các nghiên cứu để giúp tôi có thêm các nghiên cứu sâu hơn về mặt sinh học và các thí nghiệm trên động vật cũng như trên bệnh nhân nhằm đưa sản phẩm ra thị trường cho người Việt.
Thứ hai, tôi rất mong có một đường lối rõ ràng cho các nhà khoa học đặc biệt nghiên cứu về lĩnh vực y tế như tôi để dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường" - chị Hiệp chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận