24/04/2018 14:23 GMT+7

Hà Nội tuyển sinh lớp 6: chạy một vòng để về... điểm xuất phát

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau một số năm cấm thi kiểm tra đầu vào, Hà Nội lại cho các trường tuyển sinh lớp 6 bằng bài thi đánh giá năng lực.

Hà Nội tuyển sinh lớp 6: chạy một vòng để về... điểm xuất phát - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội trong ngày hội "Chào học sinh lớp 6" đầu năm học mới - Ảnh: CHU HÀ LINH

Quy định mới này áp dụng đối với các trường đặc thù, có vùng tuyển rộng, số đăng ký tuyển sinh nhiều hơn chỉ tiêu.

Cấm để giảm áp lực cho học sinh

Từ năm 2015 trở về trước, tại Hà Nội các trường kể trên thường chủ động lựa chọn hình thức tuyển sinh, có thể xét học bạ, nhưng có thể tổ chức thi các môn Tiếng Việt, Toán. Một số trường xét cả năng lực ngoại ngữ.

Tuy nhiên dư luận xã hội phản ứng việc trẻ tiểu học phải lo luyện thi để đi thi chuyển cấp. Các trường "né" bằng cách thông báo tổ chức tuyển sinh qua việc kiểm tra năng lực theo hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm để đo các kỹ năng của học sinh, hoặc kiểm tra năng lực bằng hình thức phỏng vấn, thuyết trình, làm bài test đo chỉ số IQ, EQ…

Nhưng cả với cách này thì áp lực căng thẳng cũng đè nặng lên học sinh.

Thời điểm đó, có những "bộ đề" kiểm tra chỉ số thông minh được cho là của trường Đoàn Thị Điểm đã thu hút nhiều phụ huynh cho đi luyện thi.

Trước tình trạng bùng phát luyện thi vào các trường đặc thù không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh khác, Bộ GD-ĐT quyết định cấm tổ chức thi kiểm tra vào lớp 6 dưới mọi hình thức.

Các trường trên buộc phải áp dụng tuyển sinh bằng xét hồ sơ, học bạ thì lại có cuộc chạy đua khác nảy sinh.

Rất nhiều cuộc thi ở cấp quận, tỉnh, thành phố được tổ chức: các cuộc thi về thể thao, văn nghệ, thi học sinh giỏi cấp quận, tỉnh, thành phố thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng… Phụ huynh đua nhau cho con đi thi nhưng mục đích chỉ để lấy giải thưởng nhằm tăng điểm cộng trong hồ sơ xét tuyển lớp 6.

Sự biến tướng này khiến Bộ GD-ĐT phải có văn bản thông báo bộ đứng ngoài các cuộc thi và yêu cầu các Sở GD-ĐT chấn chỉnh.

Trong hai năm 2016-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có văn bản thông báo những trường có số lượng đăng kí tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu để phụ huynh cân nhắc khi xin cho con vào, song vẫn không ngăn được làn sóng cho học sinh tiểu học đi thi để được cộng điểm tuyển sinh.

Cùng với đó là nhiều tiêu cực phát sinh trong quá trình tuyển sinh bằng xét hồ sơ, học bạ.

Sau ba năm, trong Thông tư 05 sửa đổi bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa qua, Bộ GD-ĐT lại "gỡ biển cấm". Theo đó cho phép các địa phương chủ động quyết định phương thức tuyển sinh đối với lớp 6 nhưng đồng thời quy định không cộng điểm từ các cuộc thi văn hóa, thể thao do địa phương tổ chức để tuyển sinh.

Chưa kịp mừng đã lo

Đón trước những thay đổi này, mùa tuyển sinh năm 2018, Hà Nội áp dụng ngay hình thức kiểm tra bằng các bài đánh giá năng lực. Điều này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng con bị quá tải mà các trường trong diện phải tổ chức sàng lọc đầu vào cũng rơi vào bị động, lúng túng.

"Nếu đã giao chủ động thì hãy để chúng tôi tự tổ chức cách thức kiểm tra đánh giá năng lực. Chúng tôi xây dựng phương án tuyển sinh và trình thành phố phê duyệt chứ không tự ý làm.

Nhưng việc áp đặt cứng phương thức kiểm tra với các bài thi có liên quan tới hầu hết các môn học ở tiểu học, tôi thấy không phù hợp. Chưa kể thành phố lại quy định cứng phải tổ chức trong hai ngày đồng loạt gây khó khăn cho các trường", một hiệu trưởng trường THCS bức xúc.

Theo vị hiệu trưởng này thì học sinh tiểu học vẫn quá nhỏ để phải vượt qua một kỳ kiểm tra chưa hề được tập dượt. Nhất là khi ở tiểu học, học sinh được học nhẹ nhàng với cách đánh giá "nhận xét, không cho điểm", việc phải tham gia kỳ thi sẽ khiến các cháu bé phải chạy đua luyện thi trong một khoảng thời gian ngắn.

Cũng do lần đầu tiên áp dụng bài kiểm tra năng lực với đối tượng chuyển cấp từ tiểu học lên THCS nên hiện không có đề thi minh họa, không có hướng dẫn ôn tập. Thay vì chỉ ôn tập Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, học sinh phải học cả các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Học sinh cũng chưa được tập dượt, làm quen với cách làm bài trắc nghiệm.

Rất nhiều phụ huynh có con học lớp 5 tỏ ra lo lắng khi đặt mục tiêu cho con dự tuyển vào các trường có kiểm tra năng lực. Gần như học sinh nào trong diện này cũng đều phải đi học thêm ít nhất 1-2 ca ở ngoài trường, mặc dù vẫn phải học 2 buổi/ngày ở trường.

Trao đổi về phương thức tuyển sinh mới này, ông Phạm Quốc Toản - phó phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, nói quy định về bài thi đánh giá năng lực nhằm đảm bảo học sinh học toàn diện ở bậc học dưới, tương tự với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 với bài thi tổ hợp sẽ thực hiện năm học sau của Hà Nội.

Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn nhấn mạnh rằng các trường không nhất thiết phải tổ chức bài thi đánh giá năng lực mà vẫn có thể áp dụng hình thức xét hồ sơ, học bạ.

Trước đó, một số trường đã dự kiến phương thức tuyển sinh. Cụ thể trường THPT Nguyễn Siêu dự kiến tuyển sinh lớp 6 bằng xét hồ sơ và đánh giá qua buổi trải nghiệm "một ngày là học sinh THCS".

Đại diện trường này cho rằng đây là cách đánh giá nhẹ nhàng, không gây áp lực cho trẻ nhưng có thể sử dụng kết quả là căn cứ để sàng lọc. Tuy nhiên cách làm này không nằm trong quy định chung của thành phố năm nay với các trường quyết định phương thức xét kết hợp kiểm tra năng lực.

Hà Nội cho phép đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 Hà Nội cho phép đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6

TTO - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt đề xuất phương án của sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các trường trung học được kết hợp xét tuyển và tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên