05/08/2018 09:39 GMT+7

Hà Nội: trạm y tế khang trang nhưng 'ngồi chơi xơi nước'

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Tại Hà Nội, hàng loạt trạm y tế phường được ghi nhận cũng trong tình trạng vắng hoe, nhân viên y tế chủ yếu "ngồi chơi xơi nước".

Hà Nội: trạm y tế khang trang nhưng ngồi chơi xơi nước - Ảnh 1.

Trạm y tế P.Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội) dù được đầu tư khang trang nhưng rất vắng người - Ảnh: LÂM HOÀI

Sáng 24-7, trái ngược với quang cảnh đông đúc ở quán trà đá án ngữ trước lối vào, con ngõ sâu hút dẫn vào trụ sở Trạm y tế P.Nhân Chính (Q.Thanh Xuân) trên đường Quan Nhân vắng hoe không bóng người. 

Trụ sở trạm là hai dãy nhà nối vuông góc vào nhau, một tòa nhà cấp 4 cũ kỹ trong tình trạng cửa đóng then cài. Dãy còn lại cao hai tầng mới hơn với 10 phòng làm việc nhưng phòng thì đóng cửa, phòng mở toang cửa và không có người trực.

Sau khi dạo một phòng không bắt gặp ai, chúng tôi lần theo tiếng cười nói ở phòng khám bệnh ở gần cầu thang. Thấy cửa mở, chúng tôi bước vào nhưng hai nhân viên trực ở đây vẫn mải miết tám chuyện.

Theo lời một nữ y tá ở đây, cả trụ sở có tới 10 nhân viên, tuy nhiên theo quan sát, tầng một lẫn tầng hai của cả hai dãy nhà không thấy bóng dáng nhân viên nào. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được gặp trạm trưởng để trao đổi thông tin, nữ nhân viên nọ ấp úng nói trạm trưởng không có ở trạm, "không rõ đi họp hay đi đâu đó".

Trái ngược với tình cảnh cũ kỹ ở Trạm y tế Nhân Chính, Trạm y tế P.Thành Công (Q.Ba Đình) là tòa nhà ba tầng cao khang trang. 10h30, ba người gồm một trạm trưởng và hai nữ điều dưỡng vẫn ngồi ở căn phòng ở tầng một, phía bên phải phòng đón tiếp, mải miết chụm vào nhau vừa gọt trái cây vừa trò chuyện rôm rả.

Tiếp chúng tôi, nữ trạm trưởng (đề nghị không nêu tên) cho hay toàn trạm có 8 nhân viên y tế, tuy nhiên công việc hiện nay không nhiều. "Trạm chủ yếu làm công tác dự phòng là chính, còn khám chữa bệnh hay điều trị rất ít. Tâm lý của người dân khi bị bệnh là cứ tìm tới các bệnh viện hoặc phòng khám lớn" - bà lý giải và cho rằng đó là "tâm lý chung".

Theo nữ trạm trưởng, trạm được đầu tư một máy siêu âm nhưng rất ít khi có cơ hội dùng. "Đây là loại máy dùng công nghệ cũ (đen trắng, đơn chiều - nhân vật), trong khi hiện nay ở các phòng khám và bệnh viện đều dùng máy đa chiều, công nghệ 3D... nên nếu có nhu cầu siêu âm thì người ta cũng ra ngoài làm chứ không tìm tới trạm" - bà phân bua.

Theo bà, trụ sở của trạm hiện rất rộng rãi, khang trang nhưng không khai thác được hết rất lãng phí, rất muốn cho thuê hay liên kết kinh doanh nhưng không được phép vì trái quy định. Trong khi đó các nhân viên rơi vào tình cảnh là việc ít nhưng thu nhập rất thấp, phải tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ như tắm bé, tiêm truyền tại nhà để cải thiện thu nhập.

Cùng tình trạng "ế ẩm" như Trạm Nhân Chính, Trạm y tế P.Thành Công dù nằm giữa khu dân cư rất đông đúc, thế nhưng suốt từ lúc chúng tôi tới đến gần 12h trưa khi chúng tôi rời đi vẫn không hề có bóng dáng người dân nào đến khám chữa bệnh hay giao dịch. 

Trong khi đó, khoảng sân rộng trong khuôn viên của trạm ngổn ngang xe máy. Theo lời nữ trạm trưởng, đó là xe của người dân ở các khu tập thể xung quanh, của tiểu thương buôn bán ở cạnh đó... gửi nhờ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - nói trạm y tế phường, xã không chỉ tập trung vào việc khám chữa bệnh mà cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, như quản lý hồ sơ sức khỏe dân cư, công tác phòng dịch, y tế dự phòng, tiêm chủng, vệ sinh an toàn thực phẩm...


LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên