Đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã được thông xe sáng 9-11 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Riêng đoạn từ ngã tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy vẫn chưa thể đưa vào khai thác bởi vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Trước đó, vào tháng 4-2018, UBND TP Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.
Đây là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) do Tập đoàn Vingroup làm nhà đầu tư. Dự án sẽ xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1km, rộng 19m.
Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng dài 3,1km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5-63,5m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn xe dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4m ở giữa và vỉa hè rộng 4-6m mỗi bên...
Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2018-2020. Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách TP.
Theo phân luồng giao thông, ô tô được lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại), cấm mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại).
Việc tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện tham gia giao lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại) theo sự hướng dẫn điều tiết của hệ thống biến báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông.
Trong khi đó, việc thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút Ngã Tư Sở được thực hiện như sau: Cấm xe trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã Tư Sở, xe đi theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẩng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải ra Nguyễn Trãi.
Điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ pha đèn hướng Tây Sơn rẽ trái đi thẳng (21 giây/xanh) điều tiết cho 3 hướng giao thông còn lại cho phù hợp.
Theo phân luồng giao thông, ô tô được phép lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại) - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hướng ô tô lên đường vành đai 3 đầu Ngã tư Vọng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Những chiếc ô tô đầu tiên lăn bánh trên tuyến đường vành đai 2 vừa được thông xe - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tốc độ tối đa cho phép của ô tô trên đường vành đai 2 trên cao là 80km/h - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước khi đưa vào khai thác, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) đã được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, từ hệ thống lan can cách âm - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hệ thống thoát nước đường vành đai 2 trên cao cũng được hoàn thiện - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trụ thiết kế dạng chữ T đảm bảo sự phân bổ lực đều và chắc chắn cho các phương tiện di chuyển trên đường - Ảnh: PHẠM TUẤN
Khi được đưa vào sử dụng, đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực cho tuyến đường Trường Chinh vốn nổi tiếng tắc đường từ hàng chục năm nay - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận