22/02/2022 14:11 GMT+7

Hà Nội: Thợ làm tóc, nail, bán tạp hóa… cũng trở thành người tư vấn bán thuốc cho F0

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Hà Nội liên tục ghi nhận mỗi ngày gần 5.000 ca nhiễm COVID-19. Trước tình trạng F0 tại Hà Nội tăng cao, chợ mạng cũng trở nên sôi động với các loại thuốc điều trị COVID-19. Từ thợ làm tóc, nail, bán hàng tạp hóa… cũng trở thành người tư vấn.

Hà Nội: Thợ làm tóc, nail, bán tạp hóa… cũng trở thành người tư vấn bán thuốc cho F0 - Ảnh 1.

Thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên chợ mạng - Ảnh: D.Liễu chụp màn hình

Thợ làm tóc, nail trở thành "dược sĩ" trên mạng

Lướt một vòng các hội nhóm bán hàng trên mạng, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo các loại thuốc từ Đông y đến Tây y chữa trị, phòng chống COVID-19. Sản phẩm rẻ có giá vài chục ngàn đồng, đắt có thể lên đến hàng triệu đồng.

Theo Facebook cá nhân của những người bán thuốc này, họ làm đủ thứ nghề, bán đủ loại sản phẩm và bán thuốc theo "phong trào". Những người này tư vấn cho F0 sử dụng thuốc như dược sĩ.

Một tài khoản Facebook T. chuyên nối mi, nail cũng đăng bài bán một loại thuốc có nguồn gốc Trung Quốc trên chợ mạng với lời quảng cáo: Mình đã bán hơn 500 hộp cho F0, hiệu quả sau 1 ngày dùng, nhanh về âm tính chỉ sau 3-4 ngày, thuốc thành phần Đông y ít tác dụng phụ.

Phóng viên gọi đến số điện thoại của T. nhờ tư vấn. Không cần hỏi tình trạng bệnh, triệu chứng hay bệnh nền, T. tư vấn: "F0 thì ngày 2 viên, F1 thì ngày uống 1 viên".

Khi được hỏi: "Trên Facebook thấy bạn chuyên nối mi, bạn tư vấn uống thuốc vậy có đúng không, nhỡ uống sai thì sao?". T. nói: "Yên tâm, đây là thuốc bạn tôi gửi ở nước ngoài về, người trong gia đình đã sử dụng và hiệu quả nên mới chia sẻ cho mọi người".

Cũng như T., một tài khoản cá nhân khác đăng trên chợ mạng bán thuốc "xanh, đỏ" xách tay của Nga với lời cam kết: "Sản phẩm đã được nhiều người sử dụng và tác dụng hiệu quả. Các anh chị nhắn tin để em tư vấn".

Nhưng khi truy tìm vào tài khoản cá nhân, người này không chỉ bán thuốc mà bán cả đồ chơi trẻ em, nước rửa bồn cầu, áo mưa… như một cửa hàng tạp hóa online.

Phóng viên nhắn tin hỏi chi tiết về sản phẩm, người này tư vấn: "Vì là hàng xách tay nên không có hóa đơn chứng từ. Nếu là F0 thì ngày uống 2 viên, nếu thấy triệu chứng giảm thì uống ngày 1 viên. Giá 1 hộp là 1,5 triệu đồng".

Bên cạnh những thuốc điều trị COVID-19, chợ mạng cũng không thiếu những loại thuốc thực phẩm chức năng với lời quảng cáo có tác dụng tăng đề kháng, phòng tránh COVID-19.

Đừng để "tiền mất tật mang"

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Đại học Y Hà Nội, cho biết thời gian qua nhận được nhiều tin nhắn hỏi về các hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga. "Câu trả lời của tôi luôn là không, vì đều là thuốc "xách tay" không rõ nguồn gốc.

Tỉ lệ bệnh nhân tự khỏi với chủng Omicron trên người đã được tiêm chủng là rất cao, nên thuốc gì uống vào đều "khỏi". Đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc mà ngày càng công khai bán trên mạng xã hội", bác sĩ Hiếu khuyên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ online, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm cao áp Oxy Việt - Nga, cảnh báo tình trạng bán thuốc điều trị F0 và sử dụng thuốc tràn lan hiện nay.

Theo bác sĩ Hoàng, nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng chống lây nhiễm, tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus.

"Tuy nhiên, để tăng cường hệ miễn dịch là một quá trình lâu dài và cần kết hợp các yếu tố khác như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại "thần dược" nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả", bác sĩ Hoàng nói.

Về tình trạng chợ mạng tràn lan những đơn thuốc, loại thuốc điều trị F0 và "mạnh dạn" tư vấn cho F0 nên dùng loại này loại kia, theo bác sĩ Hoàng, không có một phác đồ điều trị nào dành cho tất cả F0. Đừng vì hoảng loạn mà "tiền mất tật mang".

Sử dụng thuốc cần phải được hướng dẫn của bác sĩ, người có chuyên môn. Bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có thành phần kháng viêm.

"Thay vì "tiền mất tật mang", hãy thực hiện tốt các hướng dẫn 5K, tiêm vắc xin để phòng tránh COVID-19", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Cảnh giác khi mua thuốc trên mạng Cảnh giác khi mua thuốc trên mạng

Mùa dịch COVID-19 hạn chế đi lại, bệnh viện cấp thuốc cho bệnh nhân bệnh mãn tính có bảo hiểm y tế tới 3 tháng để hạn chế đi lại.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên