Sở GD-ĐT Hà Nội họp báo về tuyển sinh đầu cấp nhưng phần lớn thời gian giải thích về phương án đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thực hiện vào năm học 2019-2020 - Ảnh: VĨNH HÀ
Trước đó Sở GD-ĐT Hà Nội công bố năm học 2019-2020 sẽ thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức hoàn toàn mới là tổ chức một kì thi, trong đó thay vì thi 2 môn như hiện nay, thí sinh sẽ phải thi 3 bài thi, liên quan tới ít nhất 6 môn học.
Công bố này khiến rất nhiều phụ huynh, học sinh vẫn hoang mang lo lắng và hàng loạt câu hỏi đã được gửi về Sở GD-ĐT Hà Nội mong muốn được lãnh đạo sở giải thích, làm rõ thêm.
Thi kiểu mới, dạy kiểu cũ?
Khá nhiều ý kiến của báo chí băn khoăn về "thi kiểu mới, dạy kiểu cũ" thì học sinh liệu có đáp ứng được yêu cầu không? Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định không có chuyện này.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết ngay sau khi Bộ GD-ĐT triển khai phương án thi THPT quốc gia với hình thức thi trắc nghiệm khách quan và các bài thi tổ hợp, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo các nhà trường bao gồm cấp THCS, THPT điều chỉnh việc dạy học, đánh giá để học sinh làm quen với cách đánh giá qua các bài thi tổ hợp, trắc nghiệm khách quan kết hợp với các hình thức đánh giá khác.
Theo ông Lê Ngọc Quang, việc dạy học tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức với thực hiện đã được triển khai ở các nhà trường. "Đề thi minh họa cho phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm sau sẽ được công bố vào tháng 9-2018, khi khai giảng năm học mới. Các câu hỏi trong bài thi tổ hợp sẽ có các câu hỏi chỉ trong một môn học, nhưng cũng có thể có các câu hỏi liên môn".
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở khẳng định nội dung đề thi nằm trong chương trình, đảm bảo học sinh đã được dạy học, làm quen qua các chủ đề tích hợp liên môn mà các nhà trường triển khai.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau cuộc họp báo, nhiều phụ huynh lo lắng vì trước Hà Nội, nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Hưng Yên từng đã tổ chức phương thức thi tương tự nhưng đã ngừng thực hiện vì nhiều vấn đề bất cập.
"Xây dựng bài thi tổ hợp để công bằng với mọi học sinh"
Khác với cách xây dựng bài thi tổ hợp trong kì thi THPT quốc gia, hai bài thi tổ hợp của Hà Nội đưa ra đều có ngoại ngữ, có đại diện của nhóm môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên... Và thí sinh không được tự chọn mà lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ quyết định việc này.
Giải thích về cách xây dựng này, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết tổ hợp của kì thi THPT quốc gia áp dụng với học sinh THPT mang tính định hướng nghề nghiệp theo sở trường của mỗi học sinh. Nhưng đối tượng tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội là học sinh học hết chương trình THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản đòi hỏi học sinh phải học toàn diện.
"Cách sắp xếp có môn khoa học tự nhiên, có khoa học xã hội cũng thể hiện sự công bằng với học sinh. Vì nếu nghiêng về tự nhiên hay xã hội thì sẽ có những nhóm học sinh lợi thế hơn", ông Quang giải thích.
Trao đổi tại cuộc họp báo, TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bày tỏ ủng hộ phương án thi của Sở GD-ĐT Hà Nội vì ông cho rằng với tâm lý học gì thi nấy đang phổ biến hiện nay, muốn điều chỉnh việc dạy học ở phổ thông thì buộc phải đổi mới phương thức thi cử. Ví dụ cách thức thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức, giải quyết các vấn đề cuộc sống thì việc dạy học cũng phải điều chỉnh.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, để xây dựng phương án đổi mới thi vào lớp 10 cho năm sau, sở đã tiếp nhận trên 700 ý kiến của cha mẹ học sinh, thầy cô giáo về việc này. Đây cũng là kênh để lãnh đạo sở tham khảo khi hoàn thiện phương án thi.
Khắc phục học tủ, học lệch
Dự kiến kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 thí sinh sẽ dự thi ba bài gồm hai bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp. Sẽ có hai bài thi tổ hợp là Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ, Hóa học, Địa lý và Sinh học. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chọn một trong hai bài thi tổ hợp trên và công bố chính thức vào cuối tháng 3 hàng năm.
Bài thi Toán, Ngữ văn theo hình thức tự luận, còn bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi sẽ gồm các câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 9 và theo cấu trúc gồm 4 cấp độ nhận thức như quy định của Bộ GD-ĐT. Sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi để đảm bảo khách quan.
Việc tuyển sinh sẽ căn cứ vào kết quả thi lấy từ trên xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, đây là phương thức có thể khắc phục được hạn chế của phương thức cũ, điển hình là tình trạng học tủ, học lệch, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận