Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (bìa phải) thị sát việc chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2017 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sau khi làm việc với lãnh đạo ban chấm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra các khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận.
Nhiều bài thi đạt 9 - 9,5 điểm
Khu vực chấm thi tự luận (bài thi ngữ văn) của Hà Nội đặt tại Trường THPT Phan Đình Phùng, nhưng bộ phận làm phách đặt ở Trường THPT Chu Văn An. Theo lãnh đạo ban chấm thi, hơn 400 cán bộ chấm thi tự luận đã có một buổi tập trung nghe phổ biến quy chế, hướng dẫn chấm thi.
Theo ông Chử Xuân Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trưởng ban chấm thi, tại buổi này rất nhiều giả định được đặt ra để được giải đáp, thống nhất phương án xử lý.
Hội đồng chấm thi tự luận của Hà Nội có 406 cán bộ trực tiếp chấm thi, chia làm 16 tổ. Các tổ sẽ chấm chéo để đảm bảo hai vòng chấm độc lập. Với 69.862 bài thi ngữ văn hợp lệ, mỗi giáo viên chấm thi sẽ phải chấm gần 350 bài thi (gồm cả vòng 1 và vòng 2).
Cô Nguyễn Thu Hà - cán bộ phụ trách hội đồng chấm thi tự luận, cho biết mỗi tổ chấm thi sẽ chấm 30 bài thi - gấp nhiều lần so với quy định - để thống nhất phương án chấm.
Ông Chử Xuân Dũng giải thích nếu tăng số lượng chấm chung và trao đổi kỹ ở phần này thì sẽ không có vướng mắc khi chấm chính thức, hạn chế tình trạng chênh lệch điểm bài thi giữa hai vòng chấm. 20 giáo viên được cắt riêng thành một tổ để chấm kiểm tra.
“Khi chấm chung, việc thảo luận, trao đổi khá nhiều ở cả phần đọc hiểu và phần làm văn” - cô Phạm Ngọc Trâm, chuyên viên môn ngữ văn của Sở GD-ĐT Hà Nội làm nhiệm vụ giám sát về chuyên môn tại hội đồng chấm thi tự luận, cho biết.
Theo cô Trâm, do đặc thù của môn ngữ văn là đa dạng cách diễn đạt, cách hiểu nên có những chi tiết, tình huống cụ thể nếu không thống nhất thì kết quả chấm giữa hai giáo viên sẽ rất khác nhau.
Đến chiều 30-6, hội đồng chấm thi bài ngữ văn của Hà Nội đã chấm xong 50% số lượng bài thi (kết thúc vòng 1), bắt đầu chấm vòng 2 và khớp điểm.
“Việc chấm thi đúng quy chế, quy trình, không có thắc mắc của giáo viên về barem điểm, hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT” - đại diện hội đồng chấm thi trao đổi.
Không tiết lộ về điểm các bài thi đã chấm, nhưng ông Chử Xuân Dũng cũng cho biết đã có nhiều bài thi đạt 9 - 9,5 điểm ở vòng chấm thứ nhất.
Trắc nghiệm: ít sai sót
Ông Chử Xuân Dũng cho biết với hơn 216.000 bài thi trắc nghiệm - lớn gấp 10 lần những tỉnh, thành khác, ban chấm thi phải chuẩn bị 20 máy tính, 10 máy in, 10 máy quét ảnh. Theo đại diện tổ chấm thi trắc nghiệm, tới ngày 30-6 đã quét xong bài thi trắc nghiệm.
“Năm trước có khá nhiều thí sinh sai mã đề, sai số báo danh hoặc sai sót trong việc tô phương án trả lời trắc nghiệm. Nhưng năm nay những sai sót này rất ít. Có lẽ thí sinh được phổ biến kỹ quy định” - cán bộ phụ trách tổ chấm thi trắc nghiệm nhận xét.
Tổ chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội có 48 cán bộ, ngoài ra có 6 thanh tra của Sở GD-ĐT và của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 3 cán bộ an ninh. Cán bộ phụ trách tổ chấm trắc nghiệm của Hà Nội cho biết phần mềm do Bộ GD-ĐT cung cấp năm nay tốt hơn, nên việc xử lý thuận tiện.
Lo nghẽn mạng lúc công bố điểm thi
Theo ông Chử Xuân Dũng, vẫn có lo ngại về tình trạng nghẽn mạng lúc công bố điểm thi. “Khoảng hai tiếng đầu tiên khi công bố điểm thi, tôi nghĩ tình trạng nghẽn mạng có thể xảy ra. Vì thế, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang tính toán các giải pháp để tránh nghẽn mạng cục bộ” - ông Dũng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT khuyến cáo các sở GD-ĐT chủ động phương án công bố điểm thi, tránh nghẽn mạng.
Đặc biệt với những địa phương có số lượng thí sinh lớn như TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, việc chấm thi tốn nhiều thời gian nên thời điểm công bố điểm dự kiến ở những ngày cuối cùng theo thời hạn chung của bộ. Thí sinh càng mong ngóng điểm thi sẽ thường xuyên trực sẵn trên máy tính để “săn” điểm thi, nên dễ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng ở những giờ đầu công bố điểm.
Do đó, ông Ga cho rằng các sở có số lượng thí sinh lên đến vài chục nghìn em cần tính toán phương án công bố điểm thi, “chia tải” dữ liệu điểm thi với các trường ĐH hoặc các cơ quan thông tin đại chúng.
Tổ trưởng tổ chấm thi từ chối đánh giá về đề thi Khi đi kiểm tra khu vực chấm thi tự luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã rất chú ý đến việc hỏi các cán bộ chấm thi về đánh giá đề thi ngữ văn, qua quá trình chấm thi và kết quả chấm. Đề “cũng ổn”, “mức độ vừa phải”... là các câu trả lời của cán bộ chấm thi tự luận ở Hà Nội khi được thứ trưởng hỏi. Cách trả lời chung chung này khiến thứ trưởng cũng... sốt ruột, buộc phải đặt thêm những câu hỏi cụ thể hơn: “Ý tôi muốn hỏi đề thi có khó không?” nhưng ông vẫn không nhận được thông tin cụ thể. Dù là tổ trưởng một tổ chấm thi ngữ văn, nhưng cô giáo đến từ Trường THPT Trương Định vẫn từ chối đưa ra nhận định: “Mức độ, tính chất đánh giá đề thi dễ hay khó phải phụ thuộc vào bên chuyên môn!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận