07/08/2021 14:12 GMT+7

Hạ nhiệt điểm nóng Bình Dương

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, nhiều ca diễn biến nặng trong khi vẫn còn nhiều F0 chậm được đưa ra khỏi nhà máy và khu cách ly, Bình Dương làm gì để "hạ nhiệt" với mục tiêu cuối tháng 8-2021 trở lại trạng thái "bình thường mới"?

Hạ nhiệt điểm nóng Bình Dương - Ảnh 1.

Bên cạnh quyết liệt chống dịch, Bình Dương cũng đẩy nhanh tiêm vắc xin và mở rộng nhiều đối tượng - Ảnh: BÁ SƠN

Nếu tính theo số ca mắc trên quy mô dân số, tỉ lệ mắc của Bình Dương không thua kém gì TP.HCM, đặc biệt là tại bốn đô thị giáp TP.HCM gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên. 

"Tuy nhiên những thiếu sót khi bắt đầu xảy ra dịch đã được tỉnh có hướng khắc phục. Tôi tin vào mục tiêu cuối tháng 8-2021, Bình Dương sẽ cơ bản khống chế được dịch, chỉ còn một số điểm nhất định" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Nhiều ca nặng, lập thêm bệnh viện

Những ngày qua rất căng thẳng tại Bình Dương, với số ca mới trong 10 ngày gần nhất chiếm gần 70% tổng số ca từ đầu mùa dịch tới nay. Hiện vẫn còn gần 400 bệnh nhân có diễn biến nặng, đã có 144 người tử vong vì COVID-19. Có ngày, số ca mắc mới của Bình Dương vượt 2.000 ca, bằng một nửa ca mới của TP.HCM dù quy mô dân số chỉ bằng 1/5.

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết những ngày tới số bệnh nhân có thể tăng rất nhanh, dự báo sẽ sớm lên tới trên 30.000 ca. "Tỉnh đang đối mặt tình trạng quá tải. Trên thực tế bệnh nhân có diễn biến nặng đến nguy kịch ngày càng tăng, tỉnh rất cần tiếp tục có sự chi viện của Bộ Y tế về bác sĩ và trang thiết bị" - ông Minh cho biết.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo thành lập Bệnh viện hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 quy mô 500 giường đặt tại khuôn viên khu khởi nghiệp Trường ĐH quốc tế Miền Đông. 

Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội (đang hỗ trợ Bình Dương chống dịch) được chỉ định làm giám đốc bệnh viện này. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn cần Bộ Y tế tăng cường hơn 1.000 nhân sự cho bệnh viện mới này (gồm thêm hơn 300 bác sĩ và 760 điều dưỡng).

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết thiếu trang thiết bị y tế cũng là thách thức trong phòng chống COVID-19 tại Bình Dương. 

"Chúng tôi đang thiếu nhiều máy thở, máy oxy dòng cao, máy chụp X-quang di động và các trang bị bảo hộ như khẩu trang N95, quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế... Tỉnh cũng lên phương án mua sắm thiết bị bằng ngân sách nhưng số tiền lên tới cả ngàn tỉ đồng nên cần thời gian, trước mắt rất cần sự chi viện của các nơi và hỗ trợ của nhà hảo tâm" - bác sĩ Chương cho hay.

Hạ nhiệt điểm nóng Bình Dương - Ảnh 2.

Mặc dù Bình Dương đã đưa vào hoạt động nhiều bệnh viện dã chiến công suất lớn nhưng vẫn còn tình trạng F0 bị lưu lại khu cách ly tập trung hoặc doanh nghiệp chưa đưa vào bệnh viện. Trong ảnh: bệnh nhân COVID-19 trong Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Bình Dương tại thành phố mới - Ảnh: BÁ SƠN

Chấn chỉnh ngay những tồn tại

Sở Y tế tỉnh Bình Dương thừa nhận có tình trạng chậm đưa F0 ra khỏi nhà máy, khu dân cư tới các cơ sở điều trị và đưa người đi cách ly. Để khắc phục việc này, ban chỉ đạo tỉnh có chủ trương ngoài các cơ sở điều trị theo mô hình "3 tầng" (F0 không triệu chứng, F0 có triệu chứng và có bệnh lý nền, F0 diễn biến nặng), sắp tới còn lập thêm "tầng trệt" tức là các điểm cách ly tạm cho những trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính nhưng đang chờ kết quả xét nghiệm lại bằng PCR. Qua đó sẽ bớt đi tâm lý lo sợ cho những người nghi nhiễm và người dân xung quanh.

Về việc xử lý các phản ảnh của người dân, tỉnh Bình Dương ngày 6-8 đã đưa vào hoạt động Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19. Trung tâm sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin, ra mệnh lệnh và điều phối các lực lượng để xử lý các bức xúc của người dân. 

"Số cuộc gọi đề nghị hỗ trợ của người dân trong mùa dịch về đường dây nóng 1022 có thể tăng lên tới 10.000 - 15.000 cuộc/ngày. Việc có trung tâm chỉ huy sẽ điều phối để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về cứu trợ, cấp cứu của người dân. Đặc biệt là việc vận chuyển các ca dương tính nặng nhưng chưa được đưa vào cơ sở điều trị kịp thời" - ông Lê Tuấn Anh, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương, cho biết.

Hạ nhiệt điểm nóng Bình Dương - Ảnh 3.

Nguồn: Bá Sơn tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Hỗ trợ công nhân theo thủ tục rút gọn

Một giải pháp quan trọng khác là thuyết phục được người dân "ai ở đâu ở yên đó" trong thời gian giãn cách để chống dịch. Mục tiêu này rất khó do đời sống của công nhân khó khăn. Thực tế thời gian qua nhiều nhà máy phải tạm ngưng, có nhà máy sản xuất "3 tại chỗ" một thời gian lại xuất hiện ca F0 nên phải ngưng lại, có người lao động về phòng trọ lại bị phong tỏa nên nếu không cho họ về quê, họ ở lại sẽ bơ vơ.

Ông Lê Minh Quốc Cường - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương - cho biết HĐND tỉnh đã lấy ý kiến gấp các đại biểu và đồng ý trích ngân sách để hỗ trợ tiền phòng trọ 300.000 đồng/người. 

Ngoài ra, khoảng 700.000 công nhân khó khăn đang ở trọ sẽ được hỗ trợ phần quà khoảng 500.000 đồng/người (gồm nhu yếu phẩm và 200.000 đồng tiền mặt) thông qua các nguồn hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và công đoàn. Trường hợp chưa đủ sẽ dùng thêm ngân sách. "Tinh thần là thủ tục sẽ rất gọn, đến trực tiếp phòng trọ phát cho người dân thực tế đang ở trọ" - ông Cường cho biết.

Để thực hiện chỉ thị "ai ở đâu ở yên đó", tỉnh Bình Dương cũng sẽ tạm ngưng phối hợp với các tỉnh đưa người lao động từ Bình Dương về quê. Duy nhất có một nhóm khoảng 200 người quê Hà Tĩnh được "giải quyết lần cuối", có xe đưa về sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 6-8 do cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã có kế hoạch trước khi có chỉ thị và đã thuê máy bay. Các tỉnh khác dù có đề nghị của cơ quan chức năng, tỉnh Bình Dương cũng sẽ ngưng phối hợp.

Vì sao số ca mắc tăng cao?

TS Dương Chí Nam - phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, đang hỗ trợ Bình Dương chống dịch - cho biết lý do số ca dương tính tăng cao sau khi Bình Dương lấy mẫu trên diện rộng, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục trở lại lấy mẫu lần 2, 3 tại các điểm nóng. "Song song với việc tìm ra F0 trong cộng đồng và thực hiện nghiêm giãn cách thì sắp tới sẽ kiểm soát không phát sinh thêm các ổ dịch mới, tiến tới khống chế được dịch" - ông Nam nói.

Huy động nguồn lực chống dịch

Về việc mua sắm trang thiết bị y tế, đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho biết để rút ngắn thời gian, tỉnh đã thành lập hội đồng chỉ đạo và tổ tư vấn mua sắm. Trong đó Sở Tài chính là tổ trưởng tổ tư vấn sẽ tổng hợp nhu cầu mua sắm thiết bị từ ngành y tế, các địa phương để tham mưu ngay. "Tinh thần là sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm là quan trọng, nhưng ngân sách phải chủ lực trong đầu tư thiết bị y tế. Chúng tôi sẽ chủ động tham gia để hỗ trợ cho Sở Y tế" - đại diện Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho hay.

Cấm lợi dụng tiêm vắc xin để xét nghiệm, thu phí

Sở Y tế tỉnh Bình Dương ngày 6-8 đã có văn bản khẩn chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng phòng COVID-19.

Sở Y tế cho biết sau khi tiếp nhận phản ảnh của người dân từ các điểm tiêm chủng, sở yêu cầu các điểm tiêm, kể cả cố định và lưu động, dừng ngay việc yêu cầu người đến tiêm phải xét nghiệm nhanh COVID-19, ngoại trừ trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, các điểm tiêm này cũng không được thu phí dịch vụ tiêm phòng COVID-19 của người dân dưới bất cứ hình thức nào.

02 tiêm vắc xin tại bình dương (4) 1(read-only)

Tiêm vắc xin cho người dân tại CDC Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Sau khi tình trạng chậm tiêm vắc xin được báo chí phản ánh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có chỉ đạo, việc tiêm vắc xin tại Bình Dương đã được đẩy nhanh hơn với số điểm tiêm tăng lên. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế lại bắt buộc xét nghiệm (có trả phí).

Trong thực tế, người dân đi tiêm vắc xin không phải trả phí. Một số nơi có thuê đơn vị tư nhân tiêm chủng, chi phí do doanh nghiệp tài trợ, Nhà nước không phải trả chi phí này và cũng không thu trực tiếp từ người dân. Ví dụ như 50.000 liều vắc xin tiêm tại TP Thuận An và Dĩ An được tỉnh Bình Dương thuê VNVC, chi phí do một công ty giày da tài trợ với kinh phí khoảng 7,5 tỉ đồng (bình quân 150.000 đồng/liều).

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, người lao động của doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" trong khu công nghiệp được ưu tiên tiêm vắc xin, sẽ được triển khai bằng cách xã hội hóa từ ngày 7 đến 9-8.

Vì sao Bình Dương đề xuất tiêm 200.000 liều vắc xin Nano Covax?

Theo UBND tỉnh Bình Dương, sau khi số ca mắc tại tỉnh tăng cao, mặc dù lượng vắc xin được phân bổ đã nhiều hơn nhưng vẫn mới chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Vì vậy, UBND tỉnh đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3.

Lý giải về đề xuất tiêm thí điểm nhưng xin tiêm tới 200.000 liều, UBND tỉnh Bình Dương cho biết việc đăng ký thử nghiệm vắc xin Nano Covax từ văn bản đề xuất của Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục phức tạp.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã tăng số điểm tiêm vắc xin và sẽ triển khai tiêm tại cả các trạm y tế xã, phường và điểm lưu động (tổng cộng gần 300 điểm), nên nếu được cho phép tiêm vắc xin Nano Covax thì thời gian tới sẽ đủ nhân lực để triển khai.

Muốn ổn, cả vùng phải ổn

Không chỉ tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM vẫn còn phức tạp, Bình Dương thành điểm nóng mới, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An cũng đang rất vất vả chống dịch.

Từ đó có ý kiến cần phải có cơ quan điều hành việc chống dịch toàn vùng TP.HCM (TP.HCM và cách tỉnh lân cận) để dễ đạt được thành quả chung.

long an 1 1(read-only)

Long An vừa ban hành thêm văn bản siết chặt hơn nữa việc người dân ra đường - Ảnh: SƠN LÂM

Nhìn từ Đồng Nai: còn nhiều cái khó

Tại Đồng Nai, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 đã có khoảng 7.200 ca và tăng lên 817 ca/ngày. Trong số này, TP Biên Hòa đã chiếm hơn một nửa và vẫn đang trong tình trạng báo động. Ông Nguyễn Hữu Nguyên - chủ tịch UBND TP Biên Hòa - cho biết TP này có dân cư đông đúc, với 6 khu công nghiệp lớn nên TP đang tiếp tục điều tra, truy vết dịch tễ, nhất là các trường hợp liên quan đến các chợ đầu mối, các trường hợp làm việc tại khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương. Như vậy Biên Hòa vẫn luôn có nguy cơ bùng phát thành ổ dịch lớn.

Trả lời câu hỏi vì sao việc tiêm vắc xin tại tỉnh có chậm trễ, ông Vũ cho hay lực lượng y tế đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ dàn trải cho công tác phòng chống dịch, tham gia các bệnh viện dã chiến và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời phải đảm bảo duy trì công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Do lực lượng y tế luôn trong tình trạng quá tải, không đảm bảo được hiệu suất công việc.

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm quản lý tiêm vắc xin COVID-19 còn khó khăn trong nhập liệu, tổ chức tiêm chủng và trả kết quả. Vì vậy, việc sử dụng phần mềm chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng/hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, các tủ lạnh, phích lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin tại cơ sở tiêm chủng các tuyến qua nhiều năm, nay đã xuống cấp, hư hỏng, vì vậy thiếu về số lượng làm hạn chế năng lực bảo quản vắc xin...

"Ngoài huy động thêm nguồn lực tham gia công tác phòng chống dịch và tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh, sở cũng đang đề nghị thay thế, bổ sung những thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng cho hệ thống dây chuyền lạnh tại các cơ sở tiêm chủng" - ông Phan Huy Anh Vũ, giám đốc Sở Y tế, cho hay.

Long An tập trung phân loại bệnh, giảm tử vong

Mới đây, sau 4 ngày tiếp tục gia hạn thực hiện lần 2 giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, UBND tỉnh Long An tiếp tục đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh này vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và khó dự báo, số ca bệnh ghi nhận hằng ngày liên tục tăng và ở mức rất cao, có nhiều ngày liên tục phát hiện hơn 500 ca mắc mới.

Do đó, Long An đặt mục tiêu trước mắt hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ bằng được "vùng xanh", khống chế và đẩy lùi dịch bệnh tại các địa phương thuộc "vùng đỏ", nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.

Hạn chế lây nhiễm ở doanh nghiệp

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, dù đã nỗ lực chống dịch bằng nhiều biện pháp nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều ca mới tại một số doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" ở các khu công nghiệp và khu phong tỏa. Từ tình hình này, ông Phan Huy Anh Vũ nhận định dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng ở các địa phương.

H.MI - S.LÂM

Nên có ban chống dịch toàn vùng

Nhìn nhận tình hình TP.HCM và các tỉnh lân cận, TS Phạm Thái Sơn - Chương trình Phát triển đô thị bền vững, ĐH Việt Đức - cho rằng ngay lúc này, cần một ban điều hành chống dịch và một cơ chế chia sẻ chung toàn vùng.

Cụ thể, theo ông Sơn, việc chống dịch của các địa phương đang phụ thuộc nhiều vào năng lực xét nghiệm, khả năng khoanh vùng, điều trị… của địa phương đó. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh COVID-19 đã lây lan nhanh, bùng phát rộng, việc chống dịch của địa phương này chắc chắn ảnh hưởng đến tỉnh thành khác và ngược lại. Không chỉ tác động liên quan nhau về biện pháp giãn cách, lưu thông hàng hóa mà cả điều trị, chiến lược tiêm vắc xin và xa hơn là mở cửa trở lại.

Ông Sơn phân tích: hiện các tỉnh phía Nam có các tổ công tác đặc biệt của trung ương về phòng chống dịch, tuy nhiên các tổ này đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành cụ thể, và vẫn chủ yếu do trung ương trực tiếp điều hành. Trong khi các tỉnh thành có thể xem xét thiết lập một ban điều phối giữa các địa phương đồng ý tham gia, trong đó các tỉnh thành cùng xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định chống dịch toàn vùng.

Từ đó có thể nhanh chóng chia sẻ cho nhau những thông tin, dữ liệu khác nhau liên quan tới dịch bệnh và công tác phòng chống của địa phương mình với các địa phương lân cận. Trong đó tập trung về các điểm nóng vùng giáp ranh, các luồng giao thông vận tải liên tỉnh chính, và năng lực điều trị cụ thể cũng như cơ chế điều chuyển liên quan tới y tế, từ đó có một sự điều phối, phân chia liên thông hỗ trợ giữa các địa phương.

Một việc có thể làm ngay là các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm thành công và không thành công của mình với các tỉnh thành lân cận trong việc khoanh vùng, điều trị. Việc xin phân bổ và hỗ trợ vắc xin, trang thiết bị y tế cũng như nguồn lực khác, nếu có điều phối từ một ban điều hành chung sẽ thuyết phục hơn, đồng thời đảm bảo các tỉnh có thể phối hợp để mở cửa tương đối đồng loạt với nhau sau này.

Về trung hạn trong thời gian dưới một năm tới, ngay từ lúc này ban điều hành có thể ngồi lại để cùng phân tích, nhận diện tình hình và đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi logistics, giao thông, sản xuất sau dịch.

T.LONG

Trên 12.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương ứng phó ra sao? Trên 12.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương ứng phó ra sao?

TTO - Tính đến 19h tối 30-7, Bình Dương đã ghi nhận 12.604 ca mắc COVID-19. Vì sao tỉnh này trở thành 'điểm nóng' chỉ sau TP.HCM? Kế hoạch ứng phó của tỉnh ra sao?

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên