02/12/2020 14:07 GMT+7

Gửi tranh đến triển lãm để rồi... bị hỏng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 khai mạc chiều 1-12 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) bị chìm lấp trong ồn ào chuyện tác phẩm bị nhà tổ chức làm trầy xước, vấy bẩn...

Gửi tranh đến triển lãm để rồi... bị hỏng - Ảnh 1.

Một tác phẩm bị xước tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 - Ảnh: NVCC

Có họa sĩ mang tranh về không treo triển lãm nữa, nhiều họa sĩ rất bức xúc về "sự cẩu thả" với tác phẩm nghệ thuật như vậy.

Tranh bị gãy khung, cào xước, vấy bẩn...

Số lượng tranh treo tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 lên tới 497 tác phẩm, là sự kiện mỹ thuật lớn nhất Việt Nam trong 5 năm qua. Đáng tiếc là một số tác phẩm gửi đến triển lãm để rồi... bị hỏng.

Chiều 30-11, họa sĩ Lê Thanh Bình được tin tác phẩm của mình bị hư hại, anh đã đến phòng triển lãm dạo một vòng để kiểm tra và phát hiện khoảng chục tác phẩm bị tác động ở mức độ từ nhẹ đến đến khá nặng nề. Có bức tranh bị gãy khung, có bức bị cào xước ở vị trí trung tâm của bức tranh, ngay trên mặt của nhân vật, có bức bị sơn tường trắng vẩy lên bề mặt tranh, có tác phẩm điêu khắc bị vỡ...

"Chúng tôi rất bức xúc. Đây là cuộc triển lãm 5 năm một lần, đại diện cho cả đất nước mà lại để xảy ra chuyện như vậy. Tổn thất với họa sĩ là rất lớn, có họa sĩ phải vẽ trong cả năm trời, có bức giá cả vài chục ngàn đôla Mỹ. Đây không chỉ là sự tổn thất về tài chính mà còn tổn thất về nghệ thuật, vì có những hư hỏng không sửa chữa được. Còn về phía ban tổ chức thì uy tín cũng sẽ bị giảm sút nhiều", họa sĩ Lê Thanh Bình nói.

Theo họa sĩ Bình, lý do hỏng tranh là bởi đơn vị thực hiện triển lãm - Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam - làm vội, chỉ thuê "cửu vạn" thông thường vận chuyển tranh chứ hoàn toàn không có chuyên môn. Anh cho biết các họa sĩ bị hỏng tranh lần này mong muốn được bồi thường xứng đáng.

Họa sĩ Lê Thế Anh tuy không có tranh bị hỏng nhưng nêu ý kiến nếu ban tổ chức thuê người bên ngoài thì cũng phải có thời gian tập huấn về vận chuyển và treo tranh. Bây giờ, việc xác định mức độ đền bù tài chính rất khó nhưng cũng không thể nào chỉ "xin lỗi suông".

Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy đã mang bức tranh sơn mài bị làm xước 5 vết của mình về ngay trước hôm khai mạc triển lãm. Anh yêu cầu phải có sự đền bù xứng đáng chứ không thể chỉ có một lời xin lỗi, vì nếu tiếp tục xuê xoa thì những sự cố như vậy vẫn sẽ tiếp tục tái diễn.

Ban tổ chức nhận lỗi, sẽ cải tiến?

Trả lời Tuổi Trẻ về vụ việc đáng tiếc này, ông Mã Thế Anh - phó cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - thừa nhận có hai bức sơn dầu, hai bức sơn mài bị xước, bị vấy sơn tường lên tranh, một tác phẩm điêu khắc bị vỡ một góc nhỏ trong quá trình vận chuyển và treo tranh. Ngay khi phát hiện sự cố hỏng tranh khi tổng duyệt triển lãm vào chiều 30-11, đích thân ông Mã Thế Anh đã gọi điện thoại đến các tác giả có tranh bị hỏng để xin lỗi và hẹn một cuộc gặp gỡ để bàn bạc, thỏa thuận đền bù cho tác giả sau khi triển lãm kết thúc.

Ông Mã Thế Anh cho biết Triển lãm mỹ thuật Việt Nam luôn được coi là một sự kiện mỹ thuật lớn nhất cả nước nên ban tổ chức kỳ vọng cuộc triển lãm sẽ là nơi các tác phẩm tốt nhất trong 5 năm qua của giới mỹ thuật cả nước được trưng bày. Nhưng ông cũng thừa nhận với cách tổ chức cuộc thi và triển lãm như hiện nay thì "ai làm cũng sẽ bị sai sót, hỏng, không tránh được".

"Triển lãm có tới gần 500 tác phẩm, phòng chuyên môn của chúng tôi chỉ có 4 người thôi, anh em cũng đã nỗ lực hết mình rồi. Các khâu vận chuyển, treo tranh phải thuê nhân công bên ngoài, rất khó kiểm soát", ông Mã Thế Anh nói. 

Ngoài việc sẽ tiến hành giải quyết đền bù thỏa đáng cho các họa sĩ bị hỏng tranh lần này, ông sẽ đề xuất cải tiến cách tổ chức Triển lãm mỹ thuật Việt Nam: khi nhận tác phẩm của họa sĩ sẽ treo triển lãm luôn, hội đồng chấm tranh tại triển lãm, đồng thời công chúng cũng được xem trước. Giải sẽ được công bố và trao hôm bế mạc triển lãm.

Cách làm này tránh được việc vận chuyển tranh nhiều lần phục vụ cho việc chấm tranh, bảo quản trong kho, treo tranh triển lãm... dễ gặp rủi ro bị xước, hỏng như vừa rồi.

Ông Mã Thế Anh cũng dự định sẽ tìm không gian triển lãm trang trọng hơn, đủ tầm chuyên nghiệp cho sự kiện mỹ thuật 5 năm tổ chức một lần.

Cần sự thay đổi ở quy mô cấp nhà nước

Từng tham gia vào các Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (trước đây là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc) từ năm 1980 đến nay với nhiều vai trò khác nhau, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết hầu như tất cả các kỳ triển lãm đều có chuyện hỏng tranh ít nhiều, thậm chí còn có chuyện mất tranh. Bản thân ông Thượng cũng từng bị mất tranh, hỏng tranh hoàn toàn sau khi gửi tranh đi triển lãm ở Mỹ.

Điều này là do tất cả hoạt động mỹ thuật hiện nay ở ta đều nghiệp dư: nhà triển lãm không chuyên nghiệp, không có công ty vận tải chuyên cho tác phẩm mỹ thuật, không có công ty chuyên trưng bày mỹ thuật, họa sĩ thì không ai tham gia mua bảo hiểm cho vận chuyển tác phẩm mỹ thuật.

"Trong hoạt động triển lãm mỹ thuật thì việc hỏng là thường xuyên, thế mới cần mua bảo hiểm, cần công ty vận chuyển chuyên nghiệp, cần công ty trưng bày chuyên nghiệp. Nhưng ở ta, các nghệ sĩ chỉ thích tự làm cho đỡ tốn, còn ban tổ chức thuê bốc vác như cửu vạn thôi thì hỏng hóc là đương nhiên", nhà nghiên cứu mỹ thuật kỳ cựu nói.

Theo ông Thượng, để khắc phục tình trạng này thì Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm sẽ phải thúc đẩy một sự thay đổi ở quy mô nhà nước, một sự thay đổi toàn diện để nâng tầm chuyên nghiệp của hoạt động mỹ thuật chứ không thể chỉ là thay đổi cách làm triển lãm.

Không có giải nhất

nhì  - nguyễn thị hoàng minh - thầm thì - lụa 1(read-only)

Tác phẩm Thầm thì của Nguyễn Thị Hoàng Minh được trao giải nhì - Ảnh: BTC

29 tác phẩm được trao giải thưởng Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 gồm 6 giải nhì, 11 giải ba, 12 giải khuyến khích. 6 giải nhì được trao cho Võ Việt Dũng (Nha Trang) với tác phẩm video art Tích tắc, Hà Phước Duy (TP.HCM) với tác phẩm hội họa An phận 2, Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh) với tác phẩm đồ họa Đánh cắp giấc mơ 1, Lương Đức Hùng (Hà Nội) với tác phẩm điêu khắc Phẫu thuật, Vũ Bạch Liên (Hà Nội) với tác phẩm đồ họa Họ - một phần cuộc sống của tôi, Nguyễn Thị Hoàng Minh (TP.HCM) với tác phẩm hội họa Thầm thì.

Thêm hơn 1.6 tỉ đồng xây thư viện ước mơ từ triển lãm ảnh ‘Thấu cảm’ Thêm hơn 1.6 tỉ đồng xây thư viện ước mơ từ triển lãm ảnh ‘Thấu cảm’

TTO - Triển lãm ảnh 'Thấu cảm - Những chuyện chưa kể” của NSNA Lê Hồng Linh vừa có buổi đấu giá trực tiếp vào tối 20-11, tổng doanh thu gây quỹ được 1,623 tỉ đồng, góp phần xây thêm 25 thư viện ước mơ cho các em nhỏ.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên