GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên GĐ Bệnh viện Nhi T.Ư và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec) sẽ đến Tokyo, Nhật Bản vào ngày 13-6 tới đây để nhận giải thưởng Nikkei vinh danh công dân Châu Á có đóng góp về khoa học công nghệ. Ông Liêm là người VN đầu tiên được trao giải thưởng ở lĩnh vực này, sau 22 năm lịch sử của giải thưởng Nikkei.

Trò chuyện với GS Liêm về những thành tựu y khoa, ông cho hay luôn thích thú khi bắt đầu tìm hiểu những lĩnh vực mới. Nói cách khác ông luôn khao khát được "mở đường" và tâm niệm nếu không đi sẽ không bao giờ thành đường, dù con đường ấy luôn gập ghềnh và nhiều khó khăn…

GS Liêm chia sẻ:

Hai lĩnh vực mà tôi tâm đắc là phẫu thuật nôi soi cho trẻ em và tế bào gốc. Trước năm 2005 khi bắt đầu triển khai điều trị bằng tế bào gốc, chúng tôi chúng tôi đã bắt đầu ghép nhưng chủ yếu ghép cho các trường hợp bị suy tủy và tan máu bẩm sinh. 

Đến 2005 rất quyết tâm triển khai điều trị bằng tế bào gốc, chúng tôi đã nhờ các chuyên gia Úc hỗ trợ nhưng khi đến VN, họ nghĩ đó là chuyện không tưởng vì những yêu cầu cơ bản mình chưa đạt được, nhưng nhờ quyết tâm chúng tôi cũng đã triển khai được.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Người mở đường ở những khúc gập ghềnh y khoa - Ảnh 2.

GS Nguyễn Thahh Liêm (ở giữa ảnh) và 2 cha con bệnh nhân người nước ngoài sau nhiều năm cậu bé bên trái ảnh được giáo sư Liêm phẫu thuật điều trị

* Điều gì làm ông bắt đầu con đường tế bào gốc và theo đuổi trong những năm qua, dù mở đường không bao giờ là dễ dàng?

Về Vinmec năm 2013 tôi tiếp tục con đường này, ấn tượng nhất là một bệnh nhi đang có nguy cơ sống thực vật suốt đời, mẹ cháu đã đem cháu đến gặp chúng tôi vào một chiều mưa rét, trong thời gian ấy cháu khóc liên tục và tôi chợt suy nghĩ không biết tế bào gốc có thể giúp không? 

Gia đình đã chấp nhận đề xuất của chúng tôi, và hai tháng sau ghép cháu bắt đầu có một chút nhận thức, tế bào gốc có tác dụng. Từ đó đến nay tôi đã ghép cho một số trường hợp và nhờ Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ chi phí. 

Nhiều gia đình đã gửi thư cho tôi, họ kể rằng 6-7 năm nay cháu không được ngủ một đêm nào ngon giấc, sau ghép cháu đã ngủ được, không khóc quấy, những điều tưởng là rất bình thường ấy đã là mơ ước của các gia đình. Điều đó tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực đi tiếp.

Bên cạnh những trường hợp bại não được ghép tế bào gốc và nhận được kết quả khả quan, tôi cũng rất vui khi tế bào gốc cũng giúp được các trường hợp não bị tổn thương do chứng vàng da sơ sinh và ghép tế bào gốc cho trẻ bị tự kỷ. 

Những ngày bắt đầu ghép tế bào gốc điều trị cho các cháu tự kỷ đúng là không dễ dàng, rất nhiều người phản đối, thậm chí là phản đối dữ dội nhưng tôi vẫn chọn chỉ vì một lý do là số lượng các cháu mắc bệnh quá đông, nhiều gia đình bạn bè của tôi có con bị tự kỷ, không chỉ các cháu mà cả bố mẹ và gia đình đều bị trầm cảm sau đó, nhiều gia đình tan vỡ vì không chịu nổi áp lực. Vì thế tôi đã quyết định…

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Người mở đường ở những khúc gập ghềnh y khoa - Ảnh 3.

Một bức thư của mẹ bệnh nhi. GS Liêm đã nhận được rất nhiều lá thư như thế này trong cuộc đời y khoa

* Một quyết định không dễ dàng khi ông phải di ngược chiều với nhiều ý kiến phản đối. Kết quả cho đến nay như thế nào, thưa ông?

Tôi không phải đi ngược chiều một cách mù quáng và vô đạo đức, mà tôi đi vì có niềm tin và cơ sở khoa học, và bởi nếu không đi thì không bao giờ thành đường.

 Và kết quả là chúng tôi đã tự tin với ghép tế bào gốc điều trị bại não, giờ là tự tin với ghép tế bào gốc điều trị chứng tự kỷ. Không phải khởi đầu nào cũng dễ dàng, ngay cả phẫu thuật nội soi hiện nay quen thuộc nhưng khi bắt đầu cũng vất vả lắm. 

Hồi đó là năm 1997, trang thiết bị không có nên phải đi mượn, 2 tuần mới có một lần, vì mới mẻ và không được học bài bản nên vừa làm phải vừa mò mẫm, thời gian thực hiện một ca phẫu thuật kéo dài đến 6-7g, nhiều khi ngay cả phẫu thuật viên cũng chán nản, còn bệnh nhân thì nhiều khi mời họ đến chữa bệnh (bằng phẫu thuật nội soi) họ lại sợ và bảo khỏi rồi! 

Trước 1994 trước khi chúng tôi điều trị chứng teo đường mật bẩm sinh thì hầu như ở VN không có bệnh nhân teo đường mật nào sống được, nhưng sau này chúng tôi điều trị, bệnh nhân sống thì mọi người mới tin tưởng.

* Kết quả nào ông thích nhất trong cuộc đời y khoa?

Cách đây hai ngày tôi có nhận được cuộc điện thoại của một người quen cũ, thật ra không phải quen mà là ông của bệnh nhân, ông của hai trẻ dính nhau bẩm sinh Nghĩa- Đàn mà tôi đã mổ tách cách đây khoảng 15 năm. 

Hai tháng sau ca mổ tách một cháu qua đời, cháu còn lại đã học lớp 10 và học rất giỏi. Hay hai cháu song sinh dính nhau Cúc- An mà tôi cũng phẫu thuật tách rời thì giờ sáng mồng một tết nào cũng gọi điện chúc tết. 

Có những ngày tôi nhận đến hơn 100 tin nhắn, tôi luôn dành thời gian để trả lời các tin nhắn ấy, bởi lo rằng nếu đó là tin nhắn từ bệnh nhân và mình không kịp trả lời thì sẽ rất đáng tiếc.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Người mở đường ở những khúc gập ghềnh y khoa - Ảnh 4.

GS Liêm (thứ 2 từ trái) trong cuộc phẫu thuật nội soi tại Băng Cốc, Thái Lan cho các đồng nghiệp người nước ngoài cùng xem và học tập

* Có nhiều phẫu thuật viên đã đi tiếp trên con đường của ông và thành công. Ông nghĩ thế nào về các đồng nghiệp trẻ?

Có một điều tôi luôn tin là người VN không thua bất cứ người nước ngoài nào. Nếu mình có niềm tin, có cách làm thì sẽ làm được rất nhiều điều.

 Trước đây tôi cũng tự ti lắm, thấy các đồng nghiệp nước ngoài và họ đưa mình cái địa chỉ email, cái card visit đã là rất mừng rồi. 

Nhưng rồi đến nay tôi cũng đi giảng ở rất nhiều nước, nhiều đồng nghiệp cũng phải sang đây học, mà mình đạt được những kỹ năng ấy, thành tựu ấy trong điều kiện vật chất hạn hẹp. 

Rất may hiện nay tôi và các đồng nghiệp trẻ đã được Vinmec tạo nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, và những kỹ thuật mà chúng tôi đang làm sẽ được phát huy hiệu quả cao nhất trên cơ sở những thiết bị và công nghệ đã được Vinmec đầu tư.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Người mở đường ở những khúc gập ghềnh y khoa - Ảnh 5.

GS Liêm (bên phải) trao đổi với đồng nghiệp trong một hội nghị về y khoa ở Vương quốc Anh

* Khi ông nhận được lời mời đi Nhật Bản nhận giải Nikkei thì rất nhiều người đã nói rằng ông rất xứng đáng vì ông quả là một người làm nghề y thành công, nhiều cống hiến. Ông có điều gì tâm đắc muốn gửi gắm tới các bạn trẻ?

Các bạn trẻ hiện nay giỏi hơn thế hệ chúng tôi về ngoại ngữ và cơ hội học tập. Vì thế tôi chỉ muốn gửi đến các bạn ấy những điều mà tôi đã đúc kết từ chính mình: nên biết chọn nghiên cứu những gì là thế mạnh của VN và chọn những lĩnh vực gì phù hợp với người Việt, nhằm phục vụ người Việt.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Người mở đường ở những khúc gập ghềnh y khoa - Ảnh 6.

GS Liêm (bên trái) và đồng nghiệp người Hàn Quốc, GS Myong Chul Park, chuyên gia về phẫu thuật tạo hình. GS Park và GS Liêm đã quen biết trong 15 năm và hai ông đã cùng phối hợp tổ chức nhiều cuộc phẫu thuật miễn phí cho trẻ em VN, trong đó riêng GS Park đã tổ chức trên 30 đợt phẫu thuật cho trẻ em nhiều tỉnh thành, đặc biệt là trẻ em miền núi

Tôi mong người Việt ta luôn tôn vinh những sáng tạo khoa học

Người Việt đã có những thành công về khoa học, nhưng sự tôn vinh ấy dường như chưa bằng khi tôn vinh các cầu thủ bóng đá, các vận động viên thể thao? Tôi luôn mong những sáng tạo khoa học phải được tôn vinh.

Giải thưởng Nikkei do Hãng Thông tấn Nikkei, Nhật Bản khởi xướng từ 1996, mỗi năm có 3 công dân Châu Á được tôn vinh ở 3 lĩnh vực kinh tế, văn hóa nghệ thuật và khoa học công nghệ. Trong lịch sử 22 năm giải thưởng, đã có 5 người Việt Nam được tôn vinh về kinh tế và văn hóa, GS Liêm là người VN đầu tiên được nhận giải thưởng Nikkei về khoa học công nghệ.

LAN ANH thực hiện - Ảnh: NVCC - Thiết kế: ANH TUẤN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên