03/04/2014 02:00 GMT+7

Góp sức ngăn cái sai, cái xấu

ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ
ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ

TT - Điểm chung của ba bạn đọc được báo Tuổi Trẻ trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 2-2014 là còn khá trẻ và có cùng suy nghĩ cần phải góp sức với báo chí để ngăn chặn cái sai, cái xấu trong xã hội.

rrRIg7gq.jpg
Duy Thị Lan Hương (ảnh trái) và Vi Thị Thùy Dung - Ảnh: Gia Tiến, Quang Thế

Tôi muốn cảnh báo...

Duy Thị Lan Hương, cô gái sinh năm 1984, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã chia sẻ về bài báo “Đừng đẽo cày giữa đường” (trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 7): “Cách đây khoảng 10 năm, có một số guru (bậc thầy, chuyên gia về một lĩnh vực) chuyên cung cấp, tư vấn các thông tin bổ ích trên Internet. Nhưng những năm trở lại đây, khi Internet phát triển thì ai cũng tự cho mình là chuyên gia tư vấn với đủ mọi lĩnh vực khiến người cần tư vấn hoang mang, lạc lối như người “đẽo cày giữa đường”. Chính vì thế tôi mới viết bài ấy nói lên một thực trạng trong thời kỳ thông tin mạng bùng nổ đến chóng mặt này như một sự cảnh báo...”.

Là thạc sĩ ngành hành chính công (học bổng Fulbright), Lan Hương rất thích thử sức ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn khác nhau nên hiện nay Hương đang làm việc ở một khu du lịch nổi tiếng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở nơi đây, Lan Hương vẫn duy trì thói quen đọc báo Tuổi Trẻ mỗi ngày. Hương cho rằng tuy có thể lên mạng xem tin tức nhưng với cô gái trẻ này việc nhâm nhi tách trà hay cà phê cùng tờ báo Tuổi Trẻ trên tay mỗi buổi sáng là điều tuyệt vời nhất.

Lan Hương chia sẻ do gắn bó với Tuổi Trẻ nên có vấn đề xã hội gì bức xúc Hương đều gửi bài cho báo. Nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ”, Hương thật sự bất ngờ. Ngay cả ba mẹ Hương đang ở Sài Gòn cũng rất vui khi gia đình nhận được báo biếu, trong đó có bài viết của chính con gái mình. Và Hương xem đó là một “duyên nợ”.

Lên tiếng với hành động dã man

Bạn đọc Vi Thị Thùy Dung (quê ở Lạng Sơn, đang là sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội) khi gọi đến Tuổi Trẻ báo về vụ hai thanh niên người Trung Quốc sát hại cháu bé 9 tuổi ở xã Đề Thám, huyện Tràng Định, Lạng Sơn đã đặt niềm tin rằng Tuổi Trẻ sẽ sớm thông tin về hành động dã man này. Tin báo đã giúp phóng viên báo Tuổi Trẻ kịp thời tiếp cận vụ việc, liên tục đưa thông tin diễn biến sự việc trên cả báo Tuổi Trẻ ngày, Tuổi Trẻ Online và những tin bài này nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc. Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết đã khởi tố vụ án “giết người” và ra lệnh tạm giam đối với Quách Đại Phát (29 tuổi, ở tỉnh Quế Châu, Trung Quốc) và Liễu Diệp Quần (27 tuổi, ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc).

Thùy Dung kể: “Là sinh viên nên hầu như hôm nào tôi cũng đọc báo và theo dõi thông tin thời sự. Tôi rất bất ngờ rằng sau khi gửi thông tin, Tuổi Trẻ đã phản hồi rất nhanh chóng. Tôi rất yêu quý báo Tuổi Trẻ và thấy tin tưởng nên mới gửi tin. Chỉ mong sao báo Tuổi Trẻ lên tiếng về hành động giết người dã man của hai thanh niên Trung Quốc để pháp luật có những xử lý thích đáng”.

Lương tâm và trách nhiệm công dân

Bạn đọc M.T.A. đã nói như thế về hành động gọi điện cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ báo tin sau nhiều ngày chứng kiến cảnh tài xế xe buýt dừng ở bãi đất trống trong Khu công nghiệp Tân Bình để hút dầu ra bán. Từ thông tin này, hai phóng viên Hoàng Lộc - Đức Phú đã thực hiện bài điều tra “Rút dầu xe buýt bán cho đầu nậu” (Tuổi Trẻ ngày 24-2-2014). Kết quả là có bảy tài xế bị tạm đình chỉ công việc do sai phạm này.

Là một độc giả của Tuổi Trẻ nhiều năm nay, nhưng bạn đọc M.T.A. cho biết đã phải đấu tranh tư tưởng với chính mình rất nhiều trước khi báo tin cho Tuổi Trẻ. “Bạn bè biết chuyện đã “mắng” tôi là “tự bôi mỡ vào người cho kiến bu”. Thế nhưng, tôi nghĩ phải báo tin vì đó là lương tâm và trách nhiệm của một công dân trước những tiêu cực của xã hội” - bạn đọc A. chia sẻ.

ĐỖ QUYÊN - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên