12/08/2017 10:59 GMT+7

Góp nhặt mồ hôi thành tiền đến lớp

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 12h trưa, sau khi ăn vội chén cơm mang theo từ sáng sớm, hai bà cháu lại tất tả ra vườn ươm làm thuê. Dồn được 1.000 bao đất, hai bà cháu sẽ có 40.000 đồng.

Huyền và bà ngoại dồn đất vào bao để ươm cây giống, 1.000 bao sẽ được 40.000 đồng - Ảnh: TRẦN MAI
Huyền và bà ngoại dồn đất vào bao để ươm cây giống, 1.000 bao sẽ được 40.000 đồng - Ảnh: TRẦN MAI

Đó là thu nhập ít ỏi của hai bà cháu bao nhiêu năm qua để cháu gái Phạm Thị Huyền (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) hiện thực ước mơ trở thành tân sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

Đi làm thuê từ lớp 8

Vườn ươm keo ấy gắn với cuộc đời Huyền từ năm lớp 8. Ra khỏi lớp học là Huyền đến vườn ươm.

Thời đó, những người làm thuê tại vườn ươm nhìn thấy cô bé nhỏ thó tay chân luýnh quýnh chưa quen việc ngồi bệt xuống đất hì hục làm. Đôi tay ấy giờ đã điêu luyện.

Bàn tay thon thả của thiếu nữ mới lớn qua thời gian cũng thô bè và chai sần. Một ngày Huyền có thể dồn đến 2.500 bao đất, từ 6h sáng đến 6h chiều, tiền công được 100.000 đồng.

Những ngày không vào vườn ươm là Huyền ở ngoài ruộng đồng làm những việc khác. Mùa lúa thì đi gặt thuê, mùa bắp thì tỉa thuê, mùa sắn thì đi nhổ rồi vác từng bao từ ngoài đồng vào tận bãi tập kết...

Góp nhặt từng giọt mồ hôi mà thành tiền đến lớp. “Ai thuê gì mình làm đó, không chê việc gì cả” - Huyền tâm tình.

Huyền nói công việc cũng là nơi để Huyền khỏa lấp một nỗi niềm riêng khi chưa bao giờ biết mặt cha mình, người mẹ nghèo khó để con lại cho bà ngoại từ khi 3 tuổi rồi vào Nam mưu sinh...

Nỗi lo của bà

Nghe tin cháu thi đậu, bà Thi - bà ngoại của Huyền - mừng lắm, nhưng rồi bà lo: “Đi học tiền nhiều lắm, mừng một mà lo một trăm”. Huyền nói: “Ngoại lo gì, cháu sẽ tự kiếm tiền đi học, chỉ sợ ngoại ở nhà một mình không ai chăm thôi”.

Khi bà Thi bước vào mái hiên trú nắng và uống nước, Huyền mới dám nói: “Có mình làm cùng, bà sẽ đỡ mệt hơn.

Mình đi học, sợ bà ở nhà lo kiếm tiền rồi đổ bệnh”. Ít hôm nữa thôi, Huyền sẽ trở thành cô sinh viên ngành nông học.

Cô gái mong muốn với kiến thức mà bốn năm sắp đến mình tích lũy sẽ giúp cô đủ tự tin trở về quê nhà, tạo một vươn ươm, làm chủ cuộc đời mình.

Nguyễn Lĩnh viết thư đề đạt nguyện vọng gửi đến báo Tuổi Trẻ mong nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Nguyễn Lĩnh viết thư đề đạt nguyện vọng gửi đến báo Tuổi Trẻ mong nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ước mơ trở thành thợ sửa ôtô

Căn nhà xuống cấp của gia đình bạn Nguyễn Lĩnh (tổ 4, ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm lọt thỏm, sâu trong rẫy mì, là nhà tình nghĩa do hội chữ thập đỏ xây tặng từ hơn 10 năm trước.

Trong nhà, mọi thứ đều tạm bợ, từ cái bàn ăn đến chiếc giường ngủ, từ cổng chính đến cửa sổ. Cha Lĩnh, ông Nguyễn Nhiều, vốn đã ốm yếu từ trước, hai lần bị tai nạn giao thông nên càng yếu hơn. Mẹ Lĩnh không có nghề nghiệp ổn định.

Dù vậy nhưng mấy năm qua cha mẹ vẫn lo cho chị của Lĩnh được đến lớp (chị của Lĩnh đang học ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM). Ý thức điều đó, từ những năm học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đất Đỏ, Lĩnh đã đi phụ ở quán cơm để kiếm tiền trang trải chuyện học hành.

Lĩnh đã nộp đơn vào ngành công nghệ ôtô Trường CĐ nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và trúng tuyển. Nhưng số tiền nhập học gần 5 triệu đồng dường như đã ngăn đôi chân của bạn. Lĩnh ước có một “phép mầu” để bước vào con đường học tập quan trọng phía trước.

ĐÔNG HÀ

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên