Theo Dự thảo Luật an ninh mạng, Facebook, Google... phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng, ông Vũ Tú Thành cho rằng "dường như có sự hơi tự mâu thuẫn trong dự thảo luật này ở hai khía cạnh".
Một mặt yêu cầu đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ Internet phải xác thực thông tin người dùng, chính xác nhất có thể được, kèm theo hệ quả pháp lý nếu họ không thực hiện được.
Mặt khác, luật lại yêu cầu thông tin về người dùng Việt Nam phải được đặt máy chủ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta không cho phép thông tin người dùng của Việt Nam được đưa ra nước ngoài.
Trong khi đó lại yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thu thập, xác thực thông tin người dùng nhiều nhất và chính xác nhất có thể.
Hai nguyên tắc này mâu thuẫn nhau và khó có thể cùng thực hiện.
Ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam.
Thứ hai, việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trong đó.
Máy chủ ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực.
Ví dụ, Hãng EQFax là một trong những hãng lớn nhất ở Mỹ, đặt máy chủ ở Mỹ vẫn bị mất an ninh như bình thường.
Do vậy, việc yêu cầu máy chủ tại Việt Nam không có nhiều ý nghĩa trong bảo đảm an ninh thông tin.
Nếu các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam mà không được sử dụng những dịch vụ lưu trữ dữ liệu an toàn nhất để đặt dữ liệu, thường không có máy chủ ở Việt Nam, điều đó còn tạo ra nguy cơ mất an ninh mạng cao hơn đối với doanh nghiệp, tổ chức cá nhân Việt Nam.
Nhiều nước yêu cầu "địa phương hóa" dữ liệu
Đạo luật lưu trữ dữ liệu của Nga (có hiệu lực từ tháng 9-2015) đã đặt nhiều công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại nước này dưới sức ép phải "địa phương hóa" dữ liệu, máy chủ, trong đó bao gồm cả Facebook, LinkedIn, Google...
Năm 2018, Facebook sẽ bị cấm hoạt động và phải rút khỏi Nga nếu tập đoàn này không chuyển dữ liệu cá nhân của người sử dụng Facebook ở Nga sang các máy chủ đặt tại Nga.
Đây là cảnh báo đã được cơ quan quản lý truyền thông Nga đưa ra hồi tháng 9-2017.
LinkedIn, mạng xã hội kết nối những người tìm việc và thuê việc, đã chính thức bị cấm hoạt động tại Nga kể từ năm 2016, sau khi không đáp ứng quy định trên.
Không chỉ tại Nga, các yêu cầu địa phương hóa dữ liệu đã được đặt ra tại nhiều nước khác và không chỉ giới hạn đối với các công ty công nghệ.
Liên minh châu Âu đang tỏ ra quyết liệt nhất. Bốn trung tâm dữ liệu của Google được đặt tại châu Âu cũng một phần vì lý do này.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận