Nhân Ngày Trái đất năm nay, Google đã chọn và giới thiệu 6 hình ảnh đại diện cho các địa điểm đa dạng sinh học trên thế giới. Đây là những địa danh mà các cá nhân, cộng đồng và chính phủ đang nỗ lực từng ngày để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên, sự đa dạng sinh học và các tài nguyên trên hành tinh.
Những địa danh xuất hiện trên Google nhân Ngày Trái đất 22-4
Các bức ảnh từ trái sang phải trên Google về Ngày Trái đất năm nay lần lượt là:
- Quần đảo Turks và Caicos (thuộc Vương quốc Anh). Đây là khu vực sinh thái quan trọng, đang tập hợp nguồn lực bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các rạn san hô, cũng như tái tạo số lượng các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bao gồm loài cự đà đá.
- Vườn quốc gia Scorpion Reef (Mexico) là rạn san hô lớn nhất ở phía nam vịnh Mexico và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là nơi trú ẩn cho san hô và các loài chim và rùa đang trong tình trạng nguy cơ tuyệt chủng.
- Vườn quốc gia Vatnajökull ở Iceland, thành lập vào năm 2008, là di sản thế giới được UNESCO công nhận, bảo vệ hệ sinh thái xung quanh sông băng lớn nhất châu Âu.
- Vườn quốc gia Jaú ở Brazil là một trong những khu bảo tồn rừng lớn nhất Nam Mỹ và cũng là di sản thế giới do UNESCO công nhận. Nằm trong lòng rừng nhiệt đới Amazon, khu vực này bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm mèo đốm báo đốm, rái cá khổng lồ và lợn biển Amazon.
- Sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại ở Nigeria, được khởi đầu vào năm 2007 và do Liên minh châu Phi dẫn đầu, nhằm khôi phục các khu vực đất bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa trên khắp châu Phi. Dự án này không chỉ trồng cây và các thảm thực vật khác mà còn áp dụng các biện pháp quản lý đất bền vững, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế, an ninh lương thực và khả năng phục hồi khí hậu cho cộng đồng địa phương.
- Khu bảo tồn thiên nhiên quần đảo Pilbara (Úc) là một trong 20 khu bảo tồn thiên nhiên ở Úc, đang giúp bảo vệ các hệ sinh thái môi trường sống tự nhiên đang bị đe dọa như rùa biển, chim ven biển và chim biển.
Theo Google, 6 ví dụ điển hình trên không chỉ mang lại hy vọng và sự lạc quan về sự phục hồi của thiên nhiên dưới bàn tay của con người, mà còn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải thực hiện nhiều hành động hơn nữa để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, sự mất mát đa dạng sinh học.
Giảm nhựa để cứu Trái đất
Ngày Trái đất được tổ chức nhằm nâng cao ý thức và trân trọng môi trường tự nhiên của hành tinh.
Sáng kiến này được khởi xướng bởi thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson thông qua một cuộc hội thảo về môi trường lần đầu tiên diễn ra vào ngày 22-4-1970.
Ban đầu sự kiện này chỉ được chú ý ở Mỹ, về sau được mở rộng ra toàn cầu vào năm 1990 với các hoạt động tại 141 quốc gia.
Ngày nay, sự kiện này được điều phối bởi Mạng lưới Ngày Trái đất và diễn ra thường niên tại hơn 192 quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng còn tổ chức tuần lễ Trái đất, tập trung vào các hoạt động liên quan đến môi trường.
Năm 2024, chủ đề của Ngày Trái đất là "Hành tinh và nhựa", với mục tiêu khuyến khích các quốc gia cắt giảm 60% sản lượng nhựa tất cả các hình thức vào năm 2040.
Hiện tại, các quốc gia trên thế giới đang tích cực hành động nhằm chấm dứt việc sử dụng nhựa và giảm thiểu những tác hại mà rác thải nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và sự đa dạng sinh học.
Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 400 triệu tấn nhựa.
Ước tính có 79% được thải bỏ vào bãi rác hoặc xả ra môi trường, 12% được đốt cháy ở các lò rác và chỉ 9% được tái chế.
Nếu tình trạng tiêu thụ và quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, dự báo vào năm 2050, thế giới sẽ phải đối mặt với khoảng 12 tỉ tấn rác thải nhựa, gây ra nhiều vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận