22/09/2013 01:56 GMT+7

Gỗ và lũ

DẠ NGÂN
DẠ NGÂN

TT - Người mình thích gỗ. Rừng nhiệt đới mênh mông, phong phú, rừng từng là rừng vàng kia mà. Người giàu xưa coi gỗ là giai tầng của mình và quả thực gỗ cho sức khỏe, gỗ làm hồi môn cho muôn đời con cháu. Ngay không phải cây rừng mà là cây vườn thôi, hạ cây lão xuống, nhấn chìm trong mương sình, càng để lâu gỗ càng chắc, càng quý.

Lũ trắng đồng, nhiều người vẫn ra sông vớt gỗLũ lớn và bài học phá rừng xung yếuLũ qua ra gỗ lậu

Nhưng thời đã khác. Không phải vì gỗ không còn quý mà vì nó hơn cả quý, nó trở nên quý hiếm. Không có cái gì là vô tận, còn mãi, khôn cùng. Cá dưới biển còn trở nên cạn kiệt kia mà. Người đông lên, đất như ít lại và cùng chiều tỉ lệ thuận ấy, rừng cũng teo dần. Nhưng không phải nước nào rừng cũng biến mất nhanh như một số nước, trong đó có nước mình. Có lãng phí, có mặc nhiên, hay là có a tòng để nạn phá rừng đến mức mất kiểm soát toàn diện thế này?

Quan sát những chiếc ghế được làm từ gỗ ở những nơi đáng ra phải làm gương cho dân sẽ thấy chúng ta đã xài gỗ một cách vô tội vạ. Các hội trường, các công sở ấy. Không khỏi kêu lên, ghế quá to và ghế dùng từ gỗ nguyên nhiều quá các vị ơi. Sự a dua gỗ xịn nó âm thầm mà mãnh liệt không biết nói sao cho vừa. Sao thành ghế phải cao lút đầu người, sao tay ghế phải to và hoa văn cầu kỳ làm vậy? Một lần bước vào một hội trường tỉnh ủy ở cao nguyên, người viết bài này đã muốn thốt lên: thảo nào rừng phải chết và rừng phải tàn!

Giờ mới có những tiếng kêu lác đác: dân nghèo sao dinh cơ của các cơ quan tỉnh huyện nguy nga thế? Và cũng không ít tiếng kêu: sao trường lớp cho các em ở những nơi đầu nguồn xập xệ vậy? Kêu vẫn kêu mà muộn vẫn muộn. Dân người ta kêu ca rát tai nhau từ lâu rồi, dân thấy nhiều hội trường còn có cả ngà voi nữa. Không phải những cái hội trường hay phòng ốc của quan chức đã khiến rừng lâm nguy, mà vì cửa quan vẫn là nơi người ta trông vào. Còn là vì nhà của các quan, nhất là quan địa phương, phô phang gỗ như vậy thì nhất định dân cứ muốn phá rừng. Phá để bán gỗ làm giàu, phá để làm nhà gỗ và đóng đồ cho oách. Người người đua nhau nhà gỗ và cửa gỗ, gặp nhau không nghe nói chuyện đọc sách chuyện quốc gia chuyện thế giới mà chỉ nghe chuyện cửa lim, chuyện sập gõ, chuyện sàn nhà bằng pơmu...

Thật đáng lo và đáng xấu hổ. Ở các nước phát triển bền vững, người ta quy định nhà như thế nào mới dùng gỗ, và chúng ta đều thấy trên tivi, phòng họp và ghế đẳng của nhiều chỗ quan trọng của họ đều từ gỗ công nghiệp cả. Chúng ta không có chính sách và xử phạt về việc lạm dụng gỗ ở nơi công cộng và ở tư gia của các quan thì dân sẽ tiếp tục chép miệng: chúng tôi không việc gì phải bảo vệ rừng như bảo vệ xương thịt của quốc gia cả!

Lũ quét ghê gớm hơn xưa. Mùa lũ năm sau dữ dằn hơn mùa lũ năm trước. Lũ bùn, lũ ống và cả lũ đá. Lũ ở những nơi từng nức tiếng về rừng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh... Tivi cho thấy núi không còn cây cao, nhà dân tựa lưng vào vách núi, chạy làm sao thoát khi đầu nguồn chẳng còn được mấy cây rừng? Người dân tự biết nhưng lỗi trước tiên ở các cấp chính quyền. Chúng ta đã không làm hết sức để bảo vệ được rừng và bảo vệ được chính người dân bởi nạn phá rừng.

Đã có thể kêu lên rằng gỗ ở những nơi dân nhìn thấy đêm đêm trên tivi đâu có làm nên sức mạnh Việt Nam. Ngược lại còn nói rằng các vị đã đua nhau bày vẽ để được xa hoa, mà xa hoa trong khi nước nghèo và dân còn quá nghèo thì e rằng người ta sẽ nói mình là trọc phú chứ không có từ nào khác.

DẠ NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên