18/08/2019 11:06 GMT+7

Gỗ rừng chảy về xuôi!

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - Gỗ rừng vẫn về xuôi, nhiều cánh rừng đã lâm vào cảnh "xanh vỏ nhưng nát lòng". Nhưng đau xót là những người vô tội, không phải là kẻ đã hạ cây rừng, cũng chẳng phải là kẻ làm giàu từ gỗ rừng lại là nạn nhân, gánh chịu thiệt hại.


Gỗ rừng chảy về xuôi! - Ảnh 1.

Những tấm gỗ lớn được lũ đưa về ngổn ngang ở bản Xa Ná - Ảnh: HÀ ĐỒNG

"Thiệt hại khủng khiếp ở Xa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân" - Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa báo cáo bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường về kết quả điều tra, phân tích nguyên nhân gây lũ quét trên suối Son, gây thiệt hại nặng tại bản Xa Ná, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Tóm tắt vụ việc: cây gỗ từ thượng nguồn "chảy" về tạo thành một con đập tạm với những cây dài tới 15-17m, đường kính lên tới 2m nên làm nước dâng rất nhanh. Khoảng 7h ngày 3-8, đập tạm bị phá vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu, đâm thẳng vào các ngôi nhà của bản gây thiệt hại nặng nề.

Nghĩ đến cảnh rừng đã "chảy" về xuôi theo cách ấy thấy mà chua chát. Nghĩ đến những cái đập tạm bằng gỗ mà thương cho người dân sống ở ven suối, vùng đồi dốc. Không chỉ có các thân, cành cây mà còn có cả gỗ, tức là cây rừng đã bị đốn hạ, được cắt xẻ thành tấm, thành lóng, toàn loại "khủng" ngổn ngang ở bản Xa Ná.

Và dù, báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn có ghi theo điều tra, những loại gỗ lớn, đặc hữu thế này chỉ còn ở các cánh rừng thuộc đất Lào và biên giới Việt - Lào. Nhưng dù đến từ đâu, đó cũng là từ rừng, do con người vật cây rừng ngã xuống để có những thân gỗ to, thành tấm, thành lóng.

Sau lũ lộ ra rất nhiều gỗ khủng từ rừng chảy về xuôi như xảy ra ở Xa Ná không còn là chuyện cá biệt. Và sau mỗi vụ thế này, thường có thông tin chung chung là "gỗ từ Lào". Cụm từ "gỗ từ Lào" cũng xuất hiện nhan nhản tại các nơi có bán gỗ khủng, xem như mọi thứ "chuyện chẳng có gì", chúng ta hoàn toàn vô can.

Bình luận về những hình ảnh này, có bạn đọc viết trên tuoitre.vn mấy chữ ngắn gọn "thiên tai tàn phá dữ dội" một cách đầy ẩn ý, nghe cũng chua chát đến xốn xang bởi ai cũng biết rằng chính rừng đã giữ nước để không thành lũ dữ; phá rừng, gỗ còn chảy về xuôi là còn lũ dữ.

Gỗ rừng vẫn về xuôi, nhiều cánh rừng đã lâm vào cảnh "xanh vỏ nhưng nát lòng". Đã quá trễ để con người dừng lại. Nhưng đau xót là những người vô tội, không phải là kẻ đã hạ cây rừng, cũng chẳng phải là kẻ làm giàu từ gỗ rừng lại là nạn nhân, gánh chịu thiệt hại. Quýt làm cam chịu, thật là bất công.

Thiệt hại khủng khiếp ở Sa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân Thiệt hại khủng khiếp ở Sa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân

TTO - "Chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam, đâm thẳng vào nhà dân" - Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo lên bộ trưởng.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên