01/04/2021 10:19 GMT+7

Gỗ quý 'thi nhau ngã rạp' giữa rừng già

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Chỉ trong ba tháng đầu năm, đã có hơn 100 cây gỗ quý trong vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải (thuộc địa phận hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, Quảng Trị) bị đốn hạ.

Gỗ quý thi nhau ngã rạp giữa rừng già - Ảnh 1.

Hàng chục gốc táu có đường kính hơn 0,5m như thế này đã bị lâm tặc đốn hạ trong vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sống Bến Hải chỉ trong vài tháng đầu năm - Ảnh: QUỐC NAM

Bất ngờ hơn, gần 100m³ gỗ đã được đưa ra khỏi rừng trong sự "ngỡ ngàng" của chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cũng như lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn.

Rừng phòng hộ bị phá như chỗ không người

Ngay sau khi nhận thông tin, PV Tuổi Trẻ đã thâm nhập vào khu vực rừng phòng hộ này để tận mắt chứng kiến. Dưới những tán rừng tưởng chừng như rậm rạp của vùng rừng này, những gốc gỗ thuộc nhóm gỗ quý như lim, táu, huỵnh, gõ lau vừa bị đốn hạ vẫn còn ứa mủ tươi rói. 

Ở ngay dưới chân những ngọn núi này, những vệt bánh xe URAN (loại xe chuyên để vận chuyển gỗ trong rừng) hằn sâu thành từng chuỗi, kéo dài ra đến tận khu dân cư cách đó gần 10km đường rừng. 

Trong số những khu vực được xác định là "điểm nóng" phá rừng thì khu vực Dốc Mang, thuộc tiểu khu 579, được xem là nơi "nóng" nhất. Đây được xem là vùng rừng tự nhiên còn nhiều loại gỗ quý có giá trị và luôn được giới lâm tặc dòm ngó lâu nay.

Ngoài những cây chỉ còn gốc và những bìa gỗ vứt ngổn ngang, thỉnh thoảng còn có hệ thống "ray trượt" bằng những cây nhỏ hơn, ván bìa... để phần gỗ đã cắt thành hộp "trôi" xuống.

 "Chỉ cần cắt gỗ thành khúc khoảng 2,5-3m, sau đó cắt thành hộp rồi để lên những thanh ray trượt này, sau vài phút toàn bộ gỗ thu được từ cây táu đã trượt xuống dưới chân núi" - người dẫn đường, từng là một lâm tặc, tiết lộ.

Gỗ quý thi nhau ngã rạp giữa rừng già - Ảnh 2.

Để đưa gỗ từ trên sườn núi cao xuống, lâm tặc còn dựng luôn một hệ thống ray trượt rất chuyên nghiệp - Ảnh: QUỐC NAM

Sau 3 ngày theo người dẫn đường đến khảo sát tại các khu vực rừng khác thuộc vùng rừng phòng hộ đầu nguồn Bến Hải như 18 Cua, Khe Cưa, Khe Lân, Khe Deng (thuộc các tiểu khu 579, 598, 600T trên địa phận hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh), chúng tôi ghi nhận được ở vùng rừng này có hơn 100 gốc gỗ rừng đã bị đốn hạ. 

Hầu hết số gỗ này đều đã được lâm tặc đưa ra khỏi rừng và gốc còn tươi. Trong đó đa số là các cây gỗ quý thuộc các nhóm 1, 2, 3 như gõ, lim, táu, huỵnh, dẻ... Đường kính nhiều cây gỗ bị hạ lên đến gần 1m. 

Đặc biệt, ở khu vực rừng 18 Cua (từ bản 5, xã Vĩnh Ô đi vào), có đến hơn 50 gốc gỗ bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc và bìa. Người dẫn đường nói riêng những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, xe URAN "bò" từ bản 8 và bản 9 (xã Vĩnh Ô) vào đến đây để chở gỗ ra mà không bị ai ngăn chặn.

Gỗ quý thi nhau ngã rạp giữa rừng già - Ảnh 3.

Ngay dưới chân núi cách Dốc Mang khoảng hơn 100 mét đã có vệt bánh xe URAN hằn sâu. Vệt bánh xe này kéo dài ra tới khu dân cư cách đó gần 10 cây số - Ảnh: QUỐC NAM

Chủ rừng... bất ngờ

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Trị) - xác nhận đơn vị mình là chủ rừng được giao quản lý và bảo vệ vùng rừng nói trên. Ông Hùng nói ở vùng rừng này có 2 trạm bảo vệ rừng của đơn vị đóng chốt liên tục kể cả những ngày tết, lễ.

Ông Hùng cũng xác nhận có nghe báo tin về việc lâm tặc chở một xe URAN gỗ từ rừng ra trong đêm mồng 3 Tết Nguyên đán. Ông nói thông tin này đến sau khi sự việc đã xảy ra rồi nên không thể ngăn chặn. 

Tuy nhiên, với thông tin rừng ở khu vực này bị phá với số lượng lớn, ông Hùng nói cũng chưa nắm được. "Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin có số lượng gỗ lớn bị đốn hạ ở khu vực rừng này. Tôi sẽ cho kiểm tra ngay" - ông Hùng nói.

Bà Nguyễn Hồng Phương - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị - nói sở này đã đánh giá trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm nên đã có văn bản chỉ đạo siết chặt việc quản lý bảo vệ rừng từ trước tết.

Bà Phương nói ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ báo Tuổi Trẻ, sở đã lập đoàn kiểm tra vào kiểm tra toàn bộ khu vực rừng phòng hộ Bến Hải. Theo kết quả kiểm tra ban đầu vừa được Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo, đúng là trong những tháng đầu năm 2021 đã xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở khu vực này.

"Con số kiểm đếm chưa đầy đủ của đoàn kiểm tra cho thấy có trên 100 gốc gỗ, trong đó có nhiều loại thuộc nhóm gỗ quý như lim, gõ, táu và huỵnh, đã bị chặt hạ. Chúng tôi sẽ có cuộc họp để xem xét hình thức kỷ luật đối với những người có liên quan và sẽ xử lý nghiêm" - bà Phương khẳng định.

Gỗ quý thi nhau ngã rạp giữa rừng già - Ảnh 4.

Hàng chục gốc táu có đường kính hơn nửa mét như thế này đã bị lâm tặc đốn hạ trong vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sống Bến Hải chỉ trong vài tháng đầu năm - Ảnh: QUỐC NAM

Chủ rừng nói do người nghiện ma túy, công an xã nói không

Tại buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Linh vào ngày 30-3, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến rừng phòng hộ bị chặt phá, trong đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy vào phá rừng.

Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp, ông Trần Huy Hoàng - trưởng Công an xã Vĩnh Ô - khẳng định trên địa bàn xã này không có trường hợp nào nghiện ma túy như ông Hùng nói.

Khởi tố 8 người trong đường dây phá rừng gỗ quý Khởi tố 8 người trong đường dây phá rừng gỗ quý

TTO - 8 người trong đường dây chặt phá rừng gỗ quý rồi chở về xuôi tiêu thụ bằng xe chở cát đã bị khởi tố để điều tra.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên