22/03/2015 15:31 GMT+7

Giao lưu trực tuyến "Du học sinh VN ở nước ngoài" năm 2015

TUỔI TRẺ ONLINE (lược ghi)
TUỔI TRẺ ONLINE (lược ghi)

TTO CẬP NHẬT - Đúng 14g ngày 22-3, anh Lê Quốc Phong - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến với du học sinh VN ở nước ngoài năm 2015.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đang trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu  - Ảnh: Hội Sinh viên VN

Đây là một trong những hoạt động do Hội Sinh viên VN tổ chức nhằm chào mừng Ngày thành lập Đoàn (26-3).

Tại đầu cầu Hà Nội, các vị khách sẵn sàng chuẩn bị trả lời các câu hỏi của du học sinh, sinh viên, thanh niên.

Tại các điểm bên Lào, Nga, Mỹ... các du học sinh, sinh viên cũng gửi nhiều câu hỏi về giao lưu với các vị khách mời.

Các khách mời tham gia trả lời:

1 - Anh Lê Quốc Phong
- Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

2 - Ông  Bùi Văn Linh
- Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên BTK TW Hội SVVN.

3 - Ông Phạm Văn Mích
- Phó Trưởng Ban Công tác quần chúng Đảng ủy ngoài nước.

4- Ông Vũ Đăng Minh
- Vụ Trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ.

5 - Ông Lê Thanh Hà 
- Phó Tổng Biên tập Báo Sinh viên Việt Nam, Ủy viên BTK TW Hội SVVN

6 - Ông Phùng Công Sưởng  - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

7 - Bà Nguyễn Thị Hạnh
- Trưởng Phòng Lưu học sinh, Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phát biểu tại buổi giao lưu, anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN nói: "Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các bạn có thể coi đây là dịp để tâm sự nhiều hơn, gửi gắm với tổ chức Đoàn, Hội, cơ quan chức năng nhà nước. Mong rằng điều các bạn quan tâm, những điều chúng tôi chia sẻ, các bạn sẽ cung cấp cho nhiều bạn sinh viên nước ngoài để lan tỏa, giúp đỡ các bạn trong học tập và cuộc sống".

Dưới đây là những nội dung đáng chú ý của buổi giao lưu:

* Nghiên cứu khoa học là một mảng lớn của sinh viên du học. Hiện tại trên trang web của T.Ư Hội chưa có thông tin về các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. T.Ư Hội có dự định thành lập và triển khai kênh thông tin này để giúp tăng nguồn thông tin giao lưu học hỏi lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học của sinh viên trong thời gian tới hay không?(Hội SVVN tại Đức).

* Anh Lê Quốc Phong: Cám ơn câu hỏi của bạn, câu hỏi của bạn cũng chính là một ý kiến rất hay để chúng tôi triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ngoài việc sẽ hình thành chuyên mục để các bạn sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học của mình, kết nối các nhóm nghiên cứu để hỗ trợ nhau, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam sẽ xây dựng chương trình Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.

Chương trình này dự kiến hướng đến việc hỗ trợ các điều kiện cần thiết để sinh viên nghiên cứu khoa học: kết nối thông tin, hỗ trợ một số điều kiện để thực hiện các đề tài nghiên cứu, giới thiệu các đơn vị tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu của sinh viên, một số điều kiện để sinh viên có thể tham gia các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với sinh viên các nước,...

Chúng tôi mong rằng khi chương trình được triển khai, các bạn du học sinh, với lợi thế về môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tiên tiến, sẽ tích cực tham gia, hỗ trợ chúng tôi thực hiện hiệu quả chương trình này.

* Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các bạn sinh viên Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có cần phải phấn đấu trở thành Đảng viên hay không, nếu như sau này các bạn đó không có ý định làm ở trong các cơ quan Nhà nước? Tại sao? (SVVN tại Hà Lan)

* Ông Phạm Văn Mích: Việc phấn đấu trở thành Đảng viên là hoàn toàn tự nguyện, trước khi có ý định phấn đấu trở thành Đảng viên, bạn nên tìm hiểu kĩ cương lĩnh và điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Điều kiện, tiêu chuẩn trở thành đảng viên, trước hết phải thừa nhận cương lĩnh và điều lệ đảng, bạn là sinh viên phải có thành tích học tập đạt từ khá trở lên, có phẩm chất,đạo đức tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các đoàn thể quần chúng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và được mọi người ghi nhận… những tiêu chuẩn để trở thành đảng viên như trên đã phần nào trả lời cho câu hỏi của bạn.

Như chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã dậy: vào Đảng không phải để thăng quan, tiến chức, vào Đảng là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Vì vậy không nhất thiết phải ở cơ quan nhà nước mới phấn đấu trở thành đảng viên, ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào cũng có thể phấn đấu trở thành Đảng viên. Đảng luôn rộng mở kết nạp những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào đội ngũ của đảng. Cảm ơn bạn, chúc bạn thành công.  

* Người trẻ gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 có quốc tịch tại nước sở tại (nhưng vẫn là người Việt Nam) đang sinh sống và học tập tại Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang tăng lên nhanh. Hội SVVN và các ban ngành liên quan trong nước có chương trình cụ thể nào để truyền thông đến đối tượng này không, cụ thể là gì, liệu có chương trình giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng sống nào không để chúng tôi tham khảo và bảo ban các cháu hướng về đất nước. (Anh Ngọc, chị Lan - Việt kiều tại Berlin, Đức).

Hình ảnh các bạn sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia giao lưu trực tuyến - (Ảnh do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về)

* Ông Bùi Văn Linh: Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, thế hệ trẻ gốc Việt nói riêng là bộ phận quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các nước sở tại, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng mối đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, hỗ trợ các điều kiện để thế hệ trẻ này vẫn tiếp tục duy trì sử dụng thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc là một trong nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước.

Chính vì vậy, các bộ ngành Trung ương, trong đó có Bộ GD-ĐT rất quan tâm đến việc cung cấp các thông tin kịp thời về tình hình phát triển kinh tế xã hội, thành tựu giáo dục... cho các bạn trẻ hiện đang sinh sống, lập nghiệp tại nước ngoài.

Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp triển khai giai đoạn 1 chương trình dạy Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Hội sinh viên VN

Hiện nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn tiếp theo: Đó là biên soạn bộ tài liệu, chương trình dạy Tiếng Việt cho bà con Việt kiều, nhất là cho thế hệ trẻ. Nội dung phong phú, ngoài việc dạy Tiếng Việt thì còn đề cập nhiều vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bà con Việt kiều cũng có thể cập nhật, tham khảo các nội dung triển khai các hoạt động giáo dục, kĩ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà ngành Giáo dục đang chỉ đạo tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam để bảo ban, hướng dẫn cho con em mình.

Ngoài ra, các bộ ngành khác như: Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… cũng thường xuyên xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động nhằm xúc tiến thương mại, trao đổi văn hóa, cập nhật thông tin về mọi mặt đời sống trong các chương trình truyền hình phát sóng trên toàn cầu.

Chúng tôi hi vọng thế hệ trẻ gốc Việt ở các nước trên thế giới, ngoài việc tiếp thu các giá trị văn hóa, sự tiến bộ và văn minh của nước sở tại thì họ cũng vẫn duy trì được khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, vẫn tiếp nhận và phát huy được nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, tham gia vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bồi đắp tinh thần yêu nước và luôn hướng về quê hương Việt Nam thân yêu.

* Có cách nào để có thể chuyển các ấn phẩm văn hóa như sách, báo… sang nước ngoài cho du học sinh được hay không? (Trần Đình Tuấn - Bí thư Chi Đoàn, Trưởng Ban Tài Chính & Văn Phòng-BCH Hội SVVN tại Hungary)

* Ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong: Đây là vấn đề mà các cơ quan báo chí trong nước trăn trở từ nhiều năm qua. Việc đặt mua báo Việt Nam ở nước ngoài có giá thành lớn và tôi nghĩ chỉ có thể thực hiện trên diện rộng nếu có sự hỗ trợ, tài trợ của nhà nước hoặc các doanh nghiệp.

Trước đây đã từng có dự án truyền ma két thiết kế từng số báo qua hệ thống internet tới các nước có đông người Việt Nam sinh sống và in báo tại đó để phát hành, nhưng cũng không mấy thành công.  

Cách thiết thực nhất hiện nay để đọc báo trong nước là các bạn đọc báo điện tử. Ngoài việc đọc các báo điện tử thuần túy (không có báo in), các bạn có thể đọc nội dung của tất cả các tờ báo in uy tín của nước ta, trong đó có nhiều tờ báo của Đoàn thông qua báo điện tử hoặc trang tin điện tử của các tờ báo này.

* Tại Cuba hiện có rất nhiều học sinh theo học ngành Báo chí và có nguyện vọng cộng tác với các toà soạn báo, vậy chúng em phải làm thế nào (Sinh viên tại Cu Ba).

Sinh viên Việt Nam tại Cuba tham gia giao lưu - Ảnh: Hội Sinh viên VN

* Ông Lê Thanh Hà (Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội SVVN, Phó Tổng Biên tập Báo SVVN): Tôi nhớ diễn đàn du học sinh tại Cuba trên mạng Internet từng là một diễn đàn khá mạnh. Trước đây, báo SVVN thường có được các thông tin về du học sinh VN tại Cuba thông qua sự giúp đỡ của anh Lê Duy Truyền (Phân xã TTXVN tại LaHabana, nay anh Truyền là Phó Tổng giám đốc TTXVN). Tuy nhiên, từ khi anh Truyền về nước thì việc thông tin đã gián đoạn một thời gian dài.

Các bạn du học sinh đang theo học ngành Báo chí có nguyện vọng cộng tác với các tòa soạn báo, có thể liên hệ qua email Tòa soạn. Riêng với báo SVVN, các bạn có thể gửi tin bài qua địa chỉ email: toasoan.svvnhht@gmail.com. Hoặc có thể gửi trực tiếp cho bạn Nguyễn Tuấn Anh, Thư ký Tòa soạn qua email: tuananhvntx@gmail.com.

Mong sớm nhận được những bài viết thú vị của các bạn về đời sống du học sinh, về cuộc sống người dân và tình hình phát triển kinh tế của Cuba trong thời điểm hiện nay.

* Việc thu hút các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về nước làm việc là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu thông tin. Hiện tại có những giải pháp như thế nào để giúp đoàn viên thanh niên sau khi học xong tại Nga nắm bắt được thông tin về thị trường kinh tế, lao động tại Việt Nam. (Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga) (Cộng đồng sinh viên người Việt tại trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) (Chi đoàn cụm các trường Công nghệ Hoa Đông - Đại học Giao thông - Sư phạm Thượng Hải)

* Ông Vũ Đăng Minh: Rất cảm ơn các bạn sinh viên ở Nga, Trung Quốc và Singapore đã quan tâm tới việc thu hút sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác ở nước ngoài về nước công tác.

Về câu hỏi của các bạn liên quan đến nhiều bộ, ngành trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm), các Bộ khác, … Trong đó, có vai trò của Bộ Nội vụ.

Với chức năng tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, các quy định về trình tự, thủ tục thi tuyển, xét tuyển đều được hướng dẫn một cách đầy đủ, tường minh để người có nhu cầu tuyển dụng, dễ dàng tiếp cận với các thông tin về hồ sơ, tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí cần tuyển để đăng ký tham gia nếu có nhu cầu.

Đồng thời, Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện đúng, đầy đủ các qui định của pháp luật về lĩnh vực quản lý công chức, viên chức để bảo đảm cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức khi tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển nhằm bảo đảm cho mọi công dân có nhu cầu đều được tiếp cận thông tin về tuyển dụng được dễ dàng, minh bạch.

Hình ảnh của đại diện Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tham gia Giao lưu trực tuyến - Nguồn ảnh: Hội Sinh viên VN

* Xin các vị khách mời cho biết thông tin cập nhật về những chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước dành cho các du học sinh muốn trở về tham gia góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước? (Nguyễn Hoàng Duy, SV ĐH Sydney, bang New South Wales, Australia)

* Ông Vũ Đăng Minh: Tại nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/03/2010 của Chính phủ hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, Chính phủ đã có một số quy định về ưu tiên trong tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.

Quy định cụ thể như sau:

- Tại Khoản b Điểm 1 Điều 9 quy đinh: “Người có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam” được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển công chức.

- Tại Khoản b điểm 1 Điều 19 quy định: “Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài” được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển.

Ngoài ra, ngày 24/01/2014 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86 –KL/TW về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Mục tiêu của Đề án này là thu hút những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nhân tài của đất nước, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.

Trong đó, có quy định nhiều chính sách ưu tiên thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đang học tập tại nước ngoài về nước công tác.

Theo đó, những người đang học tập, công tác ở nước ngoài có nhiều cơ hội được trở về nước đóng góp sức lực, trí tuệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc (nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của Đề án).

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dưng nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trình Chính phủ xem xét, ban hành để tổ chức thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị.

* Các Hội Sinh viên ở ngoài nước có thể nhận danh sách sinh viên học bổng nhà nước sớm hơn tháng 9 hàng năm được không ạ? Việc này tạo điều kiện cho việc chuẩn bị đón, hỗ trợ các em sinh viên đoàn mới sang học tập tại nước ngoài từ việc đón ở sân bay, sắp xếp chỗ ăn ở ban đầu. Xin cảm ơn chị. Từ Budapest, Hungary Nguyễn Anh Tú Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary.

* Bà Nguyễn Thị Hạnh: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Chúng tôi rất mong muốn phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary trong việc chuẩn bị cho các đoàn LHS đi học tại Hungary sớm hơn.

Thực tế thì trong 2 năm gần đây do chỉ tiêu học bổng tăng lên khá nhiều, kết quả xét tuyển học bổng của phía bạn không có đầy đủ cùng một lúc nên chỉ sau khi có kết quả cuối cùng về việc cấp học bổng của Chính phủ Hungary và việc triển khai làm visa với Đại sứ quán Hungary không còn vướng mắc gì (thường thì thủ tục visa làm rất lâu) thì Cục ĐTVNN mới có thể hoàn thành các thủ tục cần thiết về việc cử LHS đi học và lên kế hoạch các đoàn bay đi Hungary để gửi tới ĐSQ VN tại Hungary, Viện Balassi, Hội SVVN tại Hungary và các đơn vị LHS tại các trường ở Hungary để đề nghị hỗ trợ đón và sắp xếp cho các đoàn LHS đi học.

Năm nay có thể chúng tôi sẽ gửi trước dự kiến danh sách LHS sẽ đi học sau khi có trả lời tiếp nhận của phía bạn còn khi nào xong thủ tục visa của LHS thì sẽ thông tin tiếp về lịch bay của LHS. Rất cảm ơn cá nhân bạn nói riêng và các bạn LHS tại Hungary nói chung luôn nhiệt tình hợp tác để hỗ trợ chúng tôi trong công việc trên.

* Trung ương Hội và các Hội Lưu học sinh ở nước ngoài có mối liên hệ như thế nào? Việc khen thưởng cho các Hội Lưu học sinh có hay không?(Chi đoàn/hội HV Thể thao Thượng Hải).

* Anh Lê Quốc Phong: Với các tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam ngoài nước đã chính thức là tổ chức trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, chúng tôi có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động, hỗ trợ các điều kiện hoạt động đối với các tổ chức Hội trực thuộc mình.

Với các Hội lưu học sinh hoặc Hội Sinh viên Việt Nam ở các nước chưa trực thuộc, chúng tôi luôn mong muốn kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các bạn hoạt động. Những du học sinh Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động xã hội, đều có thể nhận được khen thưởng của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nếu các bạn phát hiện những tấm gương tiêu biểu, có thành tích tốt, có thể giới thiệu và đề nghị chúng tôi xem xét khen thưởng.

Sau hơn hai giờ giao lưu, lúc 16g45, anh Lê Quốc Phong phát biểu kết luận, kết thúc buổi giao lưu trực tuyến. Theo thống kê, đã có 11 đầu cầu của du học sinh ở các nước gởi câu hỏi giao lưu trực tuyến và các đại biểu đã trả lời 28 trong tổng số hơn 50 câu hỏi. 
TUỔI TRẺ ONLINE (lược ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên