31/08/2013 03:15 GMT+7

Giúp con xử lý xung đột

ThS tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG
ThS tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG

TT - “Trẻ em thì xung đột được với ai chứ?”. Có lẽ nhiều người sẽ thốt lên câu hỏi như thế, nhưng ngẫm lại thì thấy tuổi nào sẽ có những xung đột ở tuổi nấy.

OTe8wyPH.jpgPhóng to

Trẻ tuổi mẫu giáo tranh giành đồ chơi với bạn, trẻ tiểu học phân bì thầy giáo thiên vị, học sinh trung học phổ thông thì đánh nhau vì... tranh giành bạn gái...

Vì đâu trẻ vướng vào xung đột?

Cũng như người lớn, trẻ có những xung đột với người khác từ nhiều lý do:

- Mâu thuẫn lợi ích.

- Sự bất hòa và đối lập về tình cảm, ý chí, động cơ.

- Đụng độ về tính cách.

- Khác biệt về suy nghĩ, quan điểm.

- Khác biệt về mục đích, giá trị, thái độ.

- Không thích nhau, khi niềm tin không tồn tại và khác nhau trong suy nghĩ về viễn cảnh.

- Có thể mâu thuẫn khi ganh đua một chức vụ hay quyền lợi.

- Giao tiếp không hiệu quả...

Tùy theo sự phát triển tâm lý của độ tuổi, trẻ sẽ có những xung đột đặc trưng. Và như vậy, trẻ có thể bị xung đột với bạn cùng tuổi, những người lớn xung quanh như người thân trong gia đình, thầy cô, hàng xóm..., nói chung là có thể với bất kỳ ai liên quan đến những mối quan hệ xã hội trẻ có.

Những “nội thương” vô tình

Không thể bỏ con trẻ vào một môi trường chân không, không xung đột để trẻ được yên ổn và hoàn toàn sống trong hòa bình. Điều quan trọng là giúp trẻ đương đầu, giải quyết và ứng phó với những xung đột, để qua đó trẻ học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải từ người lớn, đúc kết nhiều kinh nghiệm, rèn luyện những tính cách - kỹ năng, giúp trẻ ngày càng trưởng thành

Khi hai đứa trẻ đánh nhau, tranh giành ở lớp, một đứa sẽ nói: “Tớ sẽ mách ba mẹ cậu!”, khi trẻ hái trộm quả của hàng xóm, sẽ được nghe câu: “Sang nhà bắt đền cha mẹ nó!”, khi trẻ lỡ lời với ai đó, có thể làm cho người ta “Hỏi ba má nó có biết dạy con không?!”, khi trẻ làm phiền lòng thầy giám thị, sẽ là “mời phụ huynh!”...

Cũng có những cha mẹ bênh con chằm chặp, nhưng phần lớn đứng trước những “méc”, “mắng vốn”, “bắt đền” này, phụ huynh không khỏi khó chịu, bực bội, tức giận và đôi khi tự ái, bị “quê” dẫn đến những phản ứng quá đà. Nhiều bậc cha mẹ vì sĩ diện đã không chút kiềm chế, làm quá lên ngay khi vừa nghe ai đó tố con mình: than trời trách đất, chê bai trách mắng, nhiếc móc, mạ lị, thậm chí gào lên là xấu hổ quá “vì có đứa con như ... mày!”. “Con làm mẹ buồn quá”, “Con làm xấu hổ cha mẹ”... Ấm ức, con dại cái mang, cha mẹ làm vậy cho đỡ hổ thẹn, một cơ chế đổ lỗi ngược lại cho trẻ, và những lời hứa hẹn “sẽ xử lý” trẻ được tuôn ra để ve vuốt, để làm mềm lòng phía bên kia, với hi vọng sự mâu thuẫn được giải quyết. Để từ đó, nhiều hậu quả đau lòng đến với trẻ: trẻ nuôi dưỡng lòng căm thù với người kia, trẻ mặc cảm bản thân đã làm một việc tồi tệ cho đến lúc trưởng thành, trẻ bỏ nhà đi, trẻ phạm tội, trẻ dằn vặt bản thân đến mức tự tử...

Như vậy, tưởng chừng cha mẹ giúp trẻ “chịu trách nhiệm”, giải quyết êm thấm xung đột, nhưng không ngờ chính phản ứng thái quá, thiếu công bằng của cha mẹ tạo thêm một xung đột mới cho bản thân trẻ: “nội xung đột”, trẻ xung đột nội tâm với chính mình, trẻ bị tổn thương, bị dằn vặt, mất niềm tin vào cha mẹ và vào chính mình, mà đau nhất là lúc này trẻ lại không biết mắng vốn ai, bắt đền ai!

Giúp trẻ ứng phó

Thật ra không ai là người bạn tốt của con hơn cha mẹ trong cuộc đời này nên ở từng bước của quy trình giải quyết xung đột, cha mẹ đều có thể đứng bên cạnh con, cùng tìm hướng giải quyết.

1. Ra quyết định “đình chiến”

Thông thường các xung đột khó có thể giải quyết được ngay. Tuy nhiên trẻ lại chưa có khả năng tuyên bố và thuyết phục đối phương “đình chiến”. Vì vậy trẻ cần cha mẹ giúp trẻ chấm dứt ngay xung đột và đưa ra các yêu cầu đối với các bên, thông báo thời hạn giải quyết.

2. Tìm hiểu thông tin liên quan

Trong quá trình đứng ra làm trọng tài, cha mẹ cần:

- Lắng nghe hai bên trình bày quan điểm

- Đặt câu hỏi: Tại sao họ lại có quan điểm như vậy?

- Hãy xem xét kỹ lợi ích của cả hai bên trong “vụ xung đột”

- Gợi mở cho trẻ đánh giá về bên kia như thế nào, tìm ra lý do có thể giải thích được vì sao trẻ lại có sự đánh giá như vậy.

3. Tìm gốc rễ của vấn đề

Trò chuyện nhiều hơn, tỉ tê tâm sự với trẻ để tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi vì sao, giúp trẻ đi đến tận cùng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó giúp trẻ tự phát hiện cách giải quyết phù hợp.

4. Lựa chọn chiến lược giải quyết xung đột

Ở bước này, cha mẹ cần cùng con lựa chọn một chiến lược phù hợp, với ba hướng:

- Chiến lược thắng - thua

- Chiến lược thua - thua

- Chiến lược thắng - thắng.

Dĩ nhiên không ai tự mình chọn thua - thua, và thông thường người ta hay nghĩ đến chiến lược thắng - thua, nghĩa là tìm cách làm thế nào để thắng được đối phương. Nhưng đừng quên rằng cơ hội sẽ chia đều cho hai bên, nghĩa là khả năng chiến thắng cũng chỉ được 50% cùng với khả năng thất bại, thua cuộc cũng là 50%. Cũng từ điều này, nhiều người đã bị sa lầy dẫn đến kết cục là thua - thua. Dẫn chứng cụ thể là một vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi một người mất tiền đã đưa đứa trẻ bị nghi ngờ lấy cắp ra công an. Nếu đạt được điều này, khi đứa trẻ nhận tội - trẻ thua, người bị mất tiền sẽ được chi trả - người lớn thắng. Nhưng hỡi ôi, kết cục là đứa trẻ tự tử, người hàng xóm và nhiều người khác phải trả lời trước cơ quan điều tra và dư luận xã hội!

Vậy thượng sách rõ ràng nên là thắng - thắng, làm thế nào giải quyết mâu thuẫn, xóa đi mối xung đột, khắc phục hậu quả mà hai bên đều cảm thấy hài lòng, không bị tổn thương. Muốn giúp con trẻ, cùng con chọn chiến lược này, cha mẹ phải đảm bảo các bước trên, phải hiểu đúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con. Mưa dầm thấm đất, cùng tạo cơ hội cho con giãi bày mọi ngóc ngách trong suy nghĩ của con.

Công thức cho cha mẹ khi cùng con đứng trước những xung đột cần giải quyết:

Quan tâm + trầm tĩnh + kiên nhẫn + tôn trọng.

Để mắt đến con nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ để kịp thời nhận ra những chuyển biến tâm lý của trẻ. Có thái độ bình tĩnh, không gấp gáp truy vấn trẻ, không chủ quan, không nóng vội đưa ra những cách giải quyết, những hình phạt khi chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Chịu khó kiên trì khai thác thông tin, kiên nhẫn với những thái độ nhất thời của con, có thể nhờ quyền trợ giúp từ những người trẻ yêu mến.

Thừa nhận trẻ là một chủ thể trong mối quan hệ, trẻ phải tự mình chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra và cách giải quyết sắp tới, vì vậy cần tôn trọng quan điểm, nhận định, đánh giá của trẻ, không áp đặt và không gây áp lực cho trẻ.

ThS tâm lý LÊ THỊ LINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên