29/04/2013 09:37 GMT+7

Giúp con chơi game tích cực

HOÀNG LAN
HOÀNG LAN

TT - Từ một cuộc thăm dò nhỏ về cách kiểm soát con chơi trò chơi điện tử (game online), một giảng viên tâm lý đã gửi đến bài viết chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề đang làm nhức đầu nhiều bậc phụ huynh. Chúng tôi xin giới thiệu.

Phụ huynh cần nhận thức đầy đủ để hiểu được rằng game online có sức hấp dẫn rất lớn, trong khi khả năng kiềm chế của trẻ em còn kém nên rất dễ bị cám dỗ, lôi kéo. Mặt khác, các bậc làm cha mẹ cần phải thấy được rằng chơi game online là một cách để con trẻ tiếp cận với thế giới công nghệ thông tin, khẳng định “cái tôi” không muốn thua kém bạn bè. Ở lứa tuổi vị thành niên, các em rất sợ bị tẩy chay vì tụt hậu so với bạn cùng trang lứa, bị bạn bè xem thường nếu như không biết gì về game online.

Với phương án cấm đoán, các phụ huynh không làm cho trẻ “tâm phục khẩu phục”. Vì thế, các em sẽ tìm mọi cách chống đối. Nguy hại hơn là các em sẽ trốn cha mẹ đến với game online và để có tiền chơi, thỏa mãn nhu cầu của mình, không còn cách nào khác các em phải nói dối, lấy trộm tiền của gia đình, thậm chí giết người, cướp của mà cha mẹ khó kiểm soát được. Khoảng cách tình cảm giữa cha mẹ và con cái từ đây cũng xa dần.

"Có không ít bậc phụ huynh phản ứng khá mạnh mẽ khi thấy con mình chơi game, nhất là game online bạo lực, bằng cách răn đe, cấm đoán, thậm chí đánh đập và nhốt con lại để dễ bề kiểm soát. Song cách thức quản lý trên không giúp trẻ quên hẳn hoặc chấm dứt những trò chơi điện tử"

Vấn đề quan trọng hơn là các bậc phụ huynh cần làm sao để con cái tự giác, chủ động kiểm soát được quá trình chơi điện tử của mình và có thái độ tích cực, lành mạnh đối với trò giải trí này. Như chia sẻ của chị T.L. (Q.2, TP.HCM): “Con trai tôi năm nay 14 tuổi, cháu đã chơi game online gần hai năm nay. Ban đầu khi biết cháu mê game, gia đình tôi thống nhất là cấm cản quyết liệt nhưng cháu vẫn tìm mọi cách chơi game. Chúng tôi phải thay đổi biện pháp bằng cách trao đổi, lắng nghe con tâm sự và tìm hiểu thêm các mức độ tác động của game, cùng con chơi một số trò mà con thích, rồi quy định cụ thể thời gian và nội dung trò chơi. Với cách này, chúng tôi vừa có cơ hội gần gũi làm bạn, chia sẻ với con, vừa kiểm soát được mức độ, thời gian con chơi game”.

Có nhiều cách để các bậc cha mẹ có thể chia sẻ cùng con để kiểm soát thời gian, nội dung các trò chơi điện tử một cách phù hợp.

Trước hết, cha mẹ phải thiết lập giới hạn: chỉ định trẻ phân chia thời gian hợp lý giữa chơi và học, định hướng cho con tự giác lập thời gian biểu và tôn trọng, tin tưởng trẻ khi chúng tự thực hiện, giải thích cho trẻ biết chơi game cũng là một cách giải trí nhưng không được lạm dụng. Đồng thời cha mẹ nên đăng nhập vào các trang mạng để tìm hiểu về hệ thống và các thang đo đánh giá có ý nghĩa như thế nào cùng các thông tin chi tiết. Ngoài ra, cha mẹ có thể truy cập vào các hãng sản xuất, phân phối trò chơi trên các trang mạng tìm hiểu thêm về nội dung trò chơi để con bạn không nghĩ rằng cha mẹ lạc hậu, thiếu hiểu biết về game online.

Cha mẹ hãy đọc các chỉ dẫn mô tả trò chơi được tóm tắt bên ngoài sản phẩm và hướng dẫn sử dụng game để chắc chắn trò chơi đó phù hợp với con và trong game đó không chứa nội dung mà các bậc phụ huynh không muốn con tiếp xúc. Cần tranh thủ thời gian tìm hiểu những trò chơi điện tử mà trẻ yêu thích. Nếu cần thiết, cùng chơi với trẻ và phân tích những lợi ích cũng như hậu quả của từng game để trẻ tiếp nhận một cách thoải mái và tự giác kiềm chế bản thân.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lên kế hoạch cho con tham gia các môn thể thao lành mạnh như cầu lông, bóng đá, bơi lội... giúp con cái hạn chế tiếp xúc với game online. Chủ động giao cho con một số công việc nhà để các em biết quý thời gian, sức lao động cũng như tiền của. Khi con trẻ làm tốt, cha mẹ hãy thưởng cho các em một khoảng thời gian chơi game. Việc làm này giúp các em hiểu được rằng chơi game chỉ là để giải trí sau khi đã hoàn thành các việc khác, kể cả học tập.

HOÀNG LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên