07/08/2021 10:17 GMT+7

Giữ lửa gia đình những ngày giãn cách

THẢO NGHI
THẢO NGHI

TTO - Khi nhịp sống bình thường bị đứt gãy, nếu mỗi người không chuẩn bị cho mình các kỹ năng sống để thích nghi với những đổi thay ngoài ý muốn thì sẽ khó tìm ra cách giải quyết ổn thỏa cho bản thân và gia đình mình.

Giữ lửa gia đình những ngày giãn cách - Ảnh 1.

Trong những ngày giãn cách do dịch bệnh COVID-19, hai vợ chồng anh Lê Công Truyền (Q.7, TP.HCM) thường xuyên vào bếp cùng nấu ăn - Ảnh: TỰ TRUNG

Dựng lại nếp nhà trong những ngày này ra sao?

Nhiều xáo trộn khi ở gần nhau hơn

Vừa bắt đầu giãn cách xã hội, hôm nào anh bạn đồng nghiệp cũng gọi tôi tâm sự chuyện nhà. Anh cảm thấy bức bối không chịu nổi với những chuyện không đâu trong gia đình mình. Trong đợt nghỉ hè vô thời hạn như năm nay, hai cậu con trai đang tuổi mới lớn nhà anh ngày nào cũng đợi đến giờ cơm trưa mới chịu xuống giường. 

Cơm nước xong thì mỗi đứa ôm riết cái điện thoại. Hễ anh lên tiếng thì hai cậu quý tử vùng vằng bỏ cơm, vô phòng đóng cửa. Vợ anh không nói gì nhưng tỏ vẻ không vừa lòng. Có hôm anh nổi cáu, la lối om sòm vì họp online mà cứ bị rớt mạng, trong khi hai "ông tướng" vẫn vô tư "cày" game trên giường. Mỗi lúc như vậy, không khí gia đình càng thêm ngột ngạt, bức bối.

Còn gia đình đứa em trai tôi thì như "chết đứng" vào cái ngày con hẻm trước nhà bị dựng hàng rào phong tỏa do cách đó vài căn có mấy ca nghi nhiễm COVID-19. Trước giờ nhà có người giúp việc, lại có ông bà thường xuyên ghé qua, nên hai vợ chồng không quá lo lắng chuyện dự trữ thực phẩm trong nhà. 

Nay thì nhà ai nấy ở, người giúp việc cũng đã về quê từ đầu tháng, mọi chuyện cứ rối tung lên, khiến hai vợ chồng càng thêm căng thẳng. Khổ nỗi nhà đang có con nhỏ nên hai em tôi phải gọi điện thoại cầu cứu người thân, bạn bè nhờ mua cái này, mượn tạm cái nọ.

Thay đổi để thích nghi!

Sau vài tuần không thấy liên lạc, tôi chủ động điện thoại hỏi thăm, đã nghe giọng nói của anh bạn có vẻ hồ hởi hơn trước. Anh cho biết mọi thứ đang ổn dần theo thời gian, chính xác hơn là nhờ cái tài thu xếp của chị nhà. Chị khéo léo đưa hai cậu con trai dần vào khuôn khổ với một thời khóa biểu học hành, giải trí, phụ giúp việc nhà một cách rõ ràng. 

Quan trọng là để các con tự nhận ra vấn đề chứ không hề áp đặt, gò bó. Thậm chí mỗi sáng các con còn siêng năng thức sớm để vô bếp phụ mẹ. Anh còn nói những ngày này đã giúp mình hiểu và gần gũi với các con nhiều hơn. Chứ không còn cái cảnh mấy cha con chỉ vừa nói tiếng trước tiếng sau đã thấy bực bội, khó chịu.

Trong khi đó, cũng nhờ ở nhà nhiều hơn mà cô em dâu của tôi lại trở nên đảm đang vô cùng. Không chỉ lo chu toàn mỗi ngày 3 bữa cho cả nhà mà còn siêng năng nấu chè, làm bánh rồi đăng lên trang cá nhân làm ai nấy cũng ngạc nhiên hết sức. 

Nó bảo lúc trước không được siêng là do đi làm bận bịu chứ bây giờ rảnh rang thì phải tự tay chăm chút cho gia đình mình. Còn đứa em trai cũng siêng năng chơi với con hơn trước. Nó còn lên mạng học cách làm đồ chơi từ sản phẩm tái chế trong lúc không thể ra ngoài mua siêu nhân, máy bay như mọi khi.

Giữ lửa gia đình những ngày giãn cách - Ảnh 2.

Trong những ngày giãn cách, phụ nữ thường xuyên giành phần đi chợ để chọn lựa thức ăn cho cả nhà - Ảnh: MINH ANH

Chung tay dựng lại nếp nhà

Đại dịch COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực trên toàn thế giới. Trong những ngày này, nhiều tỉnh thành phải tiến hành giãn cách xã hội. Không ít người mất việc, đành phải về quê kiếm sống.

Vấn đề ở đây chính là thái độ của mỗi người trước những biến cố không mong muốn ấy. Giãn cách xã hội là thời gian khiến mọi người biết cách quay về chăm sóc, lắng nghe bản thân mình và cả những người thân yêu của mình nhiều hơn - điều mà hầu hết mọi người đều bỏ quên trong rất nhiều ngày tháng trước đó. 

Nó giúp chúng ta quý trọng hơn sự sống này, biết đón nhận và sẻ chia nhiều hơn nữa bởi không ai có thể tách biệt mình giữa cuộc sống hôm nay. Nó còn khiến cho mọi người bớt đi ra ngoài với những cuộc gặp vô nghĩa, có thời gian thêm cho những mối quan hệ gia đình, người thân yêu và cả bạn bè.

Thực tế cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần này đã khiến nhiều người nhìn nhận lại các giá trị trong cuộc sống đối với bản thân và gia đình mình. Có những điều tưởng chừng bình thường lại trở nên quan trọng bất ngờ.

Dịch COVID-19 còn dạy chúng ta bài học về tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, sự chuẩn bị cho những điều không hay luôn thực sự cần thiết. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, nên đừng chờ đợi cho đến khi có tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới bắt đầu nghĩ đến lập phương án dự phòng. Hãy biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt, có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y tế và luôn sẵn sàng tinh thần trước mọi biến thiên của cuộc sống.

Dựng lại nếp nhà trong những ngày giãn cách không hề là trách nhiệm của riêng ai. Bởi lẽ mỗi người dù là chồng hay vợ hoặc con cái thì cũng đều có trách nhiệm chung tay vun đắp cho tổ ấm của chính mình.

Trong kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại cuộc sống theo tình hình mới, các nhu cầu ăn - mặc - ở cần được điều chỉnh cho phù hợp với việc sống cùng nhau nhưng bớt đau đầu vì những chuyện không đâu. Phải xác định nắm tay cùng nhau vượt qua mùa dịch với một tinh thần lạc quan mới là điều quan trọng trong lúc này.

Để rồi không chỉ ở thời điểm này mà sau khi dịch kết thúc thì mỗi người trong gia đình cũng sẽ ý thức hơn để cùng có những bữa cơm ấm áp, yêu thương cùng sự sẻ chia trọn vẹn giữa các thành viên trong mỗi gia đình.

Tổ ấm: Giữ lửa, giữ cả ngọn gió lành Tổ ấm: Giữ lửa, giữ cả ngọn gió lành

TTO - Với câu hỏi "Người phụ nữ đẹp nhất khi nào? Vai trò của người phụ nữ hiện đại trong việc vun vén tổ ấm?" qua một cuộc trao đổi nhỏ cùng độc giả nữ - mà hầu hết đang công tác trong ngành sư phạm, trang Tổ ấm đã nhận được nhiều chia sẻ thú vị.

THẢO NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên