08/06/2013 08:14 GMT+7

Giữ kỷ cương trái phiếu để tránh vỡ nợ công

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua (7-6) để thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát cho thấy một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng.

gRzRVfD3.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VIỆT DŨNG

Chỉ có 2.027/2.863 dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 hoàn thành, trong đó rất nhiều dự án chậm tiến độ, còn trên 800 dự án chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, không bảo đảm bố trí đủ vốn theo đúng tiến độ. Mặt khác, việc kéo dài, chậm tiến độ còn do nhiều công trình chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu kém.

Một vấn đề đáng chú ý khác được ông Phùng Quốc Hiển cho biết là cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thật sự công bằng giữa các vùng, miền, các địa phương. “Một trong những mục tiêu chính, quan trọng của Quốc hội là ưu tiên đầu tư cho giao thông, thủy lợi miền núi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉ lệ phân bổ vốn TPCP cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỉ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn” - ông Phùng Quốc Hiển nói.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho rằng việc phân bổ sử dụng nguồn vốn TPCP không tránh khỏi bị lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích nhóm chi phối làm lệch lạc so với mục tiêu ban đầu, tính công bằng không được đảm bảo, thậm chí còn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát sinh, thuật ngữ “chạy dự án” trở thành quen thuộc trong dư luận và cuối cùng đi vào một số văn bản chính thức.

Là thành viên đoàn giám sát, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định nguồn vốn TPCP đã phát huy hiệu quả to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu vùng xa. “Hàng trăm hecta hoang mạc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên... nếu không có các công trình thủy lợi thì tôi nghĩ rằng chỉ để cho thuê đóng những bộ phim Hollywood” - ông Quyền nói. Tuy nhiên, ông Quyền cũng thẳng thắn cho rằng việc đầu tư nguồn vốn TPCP đã thể hiện rõ sự bất cập của cơ chế xin - cho, nghĩa là thiếu những tiêu chí khách quan để xét, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của nhà quản lý. “Hai tỉnh gần nhau, tỉnh Ninh Thuận 125 dự án nhưng có năm dự án tăng mức đầu tư thôi. Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận thì tất cả dự án đều tăng tổng mức đầu tư, có những dự án tăng mức đầu tư ba lần. Đây gọi là cái gì? Đó là kỷ cương không nghiêm, thể hiện ở năng lực lập dự án rất yếu dẫn đến lãng phí. Việc tăng tổng mức đầu tư như vậy dẫn đến vỡ nợ công. Tôi đi các tỉnh, người ta bảo nếu tỉnh nào cũng như tỉnh Bình Thuận thì nợ công sẽ vỡ” - ông Quyền nói.

AEiCxKJa.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: M.Hương

Đặt ra câu hỏi có phát hành TPCP nữa không trong cơ chế hiện nay, ông Quyền thể hiện quan điểm của mình: “Hàng trăm công trình dở dang nhiều năm nay, cứ xuống cấp hàng ngày hàng giờ mà chúng ta không hoàn thiện để đưa vào sử dụng thì cũng là có tội với nhân dân và tiếp tục lãng phí. Tôi cho rằng với công trình cũ phải phát hành để làm tiếp”. Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cũng cho rằng cần sử dụng nguồn TPCP giai đoạn 2011-2015 cho các dự án trọng điểm đang thi công dở dang, đặc biệt là một số dự án trong các lĩnh vực cần được ưu tiên, nhất là các trường học đang xuống cấp đến mức mất an toàn, có thể sập đổ bất cứ lúc nào, “ví dụ như các trường học huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận chúng tôi đến giám sát”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết định mức phân bổ vốn TPCP không theo tiêu chí “tỉnh to nhiều dân được nhiều”, mà theo tiêu chí Quốc hội và Chính phủ đã thông qua. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các dự án nộp lại đúng thời hạn để tổng hợp báo cáo Quốc hội. Ông Vinh nói tới đây nếu phát hành TPCP, ngoài việc khắc phục những căn bệnh như bố trí dàn trải, xin - cho... chúng tôi đề xuất giải pháp là Chính phủ sẽ rà soát căn cứ theo mục tiêu, ví dụ là cho các công trình thủy lợi lớn, các công trình giao thông quan trọng của đất nước thì chúng ta yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lập dự án cụ thể và được phê duyệt tổng mức đầu tư chính xác, để từ đó trình lên Chính phủ xem xét lựa chọn và trình ra Quốc hội từng danh mục. Căn cứ vào danh mục đó thì Quốc hội sẽ quyết định mức TPCP tương ứng mà Quốc hội thấy quan trọng, như vậy thì không ai xin - cho...

“Không ai chịu trách nhiệm”

Ngày 7-6, bên hành lang Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trò chuyện với báo chí xung quanh những tồn tại, bất cập trong sử dụng ngân sách nhà nước.

* Ông cho rằng lĩnh vực nào đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ dễ gây dàn trải, thất thoát nhất?

- Thật ra, xuất phát điểm thì trái phiếu chỉ dùng đầu tư cho công trình giao thông, y tế, thủy lợi cấp bách thôi, mà trong giao thông thì chỉ là giao thông nông thôn. Sau đó thì nó cứ đẻ dần, đẻ dần ra từ giao thông xã sang đến cầu yếu rồi lại đến quốc lộ nhiều tai nạn. Ta cứ mở rộng phạm vi ra thì mới bị tình trạng đầu tư dàn trải như thế.

* Những tồn tại trong sử dụng trái phiếu Chính phủ bao nhiêu năm rồi vẫn lặp đi lặp lại mà chưa giải quyết được, theo ông là do đâu?

- Qua báo cáo giám sát, ta thấy ngay rằng việc quyết định tổng mức đầu tư và phê duyệt dự án là do chính quyền địa phương phê duyệt, còn việc lo vốn ở trên lại do Chính phủ phân cấp vì nó nằm trong trái phiếu. Và Quốc hội lại phải chịu áp lực cân đối giữa bội chi ngân sách với chỉ số lạm phát, với tốc độ tăng trưởng. Vô hình trung ta đã tách phần trách nhiệm của người sử dụng vốn với người đi lo vốn...

* Vậy làm thế nào để giải quyết tận gốc những tồn tại này?

- Nền kinh tế của ta tăng trưởng chủ yếu là do đầu tư và trải ra trên diện rộng. Thế nên chúng ta mới phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là để đầu tư vào chiều sâu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Mà đổi mới mô hình tăng trưởng càng hợp lý khi đổi mới cả mô hình hành chính nhà nước.

Chúng ta đã phát hiện lỗi và vấn đề là không ai chịu trách nhiệm trong việc này cả. Bởi vì, cứ hình dung, Chính phủ sẽ bảo: tôi căn cứ vào cân đối vĩ mô đây thì tôi ứng cho anh được bằng này tiền, so với bội chi ngân sách là không vượt, lạm phát tôi kiềm chế được và tôi đạt yêu cầu Quốc hội đề ra.

Còn anh chính quyền địa phương thì lại bảo: Không, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh được phê duyệt rồi, lần này là tôi phải khởi công được bệnh viện này, tôi phải làm được con đường kia. Ngân sách của tỉnh mới đáp ứng được ngần này, còn lại là ngân sách trung ương. Thế là ta lại điều chỉnh lên. Tự nhiên thành ra ai cũng đúng cả.

Bởi vậy, chúng ta phải tính chuyện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương như thế nào, có HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hay không.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên