Tuy nhiên, một điểm nghẽn trong việc đón du khách Ấn Độ tới Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là rất thiếu nhà hàng, khách sạn có thể cung cấp các món ăn theo chuẩn văn hóa và tôn giáo đa dạng của Ấn Độ.
Du khách Ấn Độ chi "bạo" nhưng ăn uống cầu kỳ
Sau hơn hai tuần khảo sát ở Đà Nẵng và một số TP khác của Việt Nam, ông Vipin Nain - giám đốc Công ty lữ hành Nain Vacations - cùng một số doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ khẳng định Đà Nẵng là điểm đến "nặng ký" ở châu Á với nhiều lợi thế.
Với khách đến từ Ấn Độ, ông Nain nhìn thấy ba thế mạnh của du lịch Đà Nẵng là cảnh quan sông biển trong lành, cách làm du lịch chuyên nghiệp và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
"Khu vực biển với hàng loạt khách sạn đẹp sẽ là sự lựa chọn hấp dẫn cho thị trường khách xa xỉ từ Ấn Độ, đặc biệt là cho các sự kiện khách đoàn như lễ cưới hoặc sự kiện quan trọng.
Ngoài ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là sự giao thoa đáng kể trong văn hóa, lịch sử của TP này với du khách. Chúng tôi tin rằng TP sẽ bùng nổ khách Ấn khi những chuyến bay thẳng nhiều hơn" - ông Nain nhận xét.
Hiện có ba TP của Ấn Độ có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng gồm New Delhi, Mumbai và Ahmedabad do Hãng Vietjet Air khai thác từ tháng 10-2022 với tần suất 12 chuyến/tuần.
Trong hơn ba tháng qua đã có hơn 20.000 lượt khách Ấn Độ đến Đà Nẵng, góp phần đưa Ấn Độ trở thành thị trường khách ngoại lớn thứ 5 của TP sau Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Malaysia.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 39.359 lượt khách Ấn lưu trú tại Đà Nẵng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2019, đã và đang góp phần đa dạng hóa thị trường khách quốc tế đến với Đà Nẵng.
Theo đánh giá của những đơn vị lữ hành, khách Ấn được xem là đối tượng "chịu chi" và dễ tính. Tuy nhiên việc ăn uống và thực hành tôn giáo thì họ là những người kỹ tính bậc nhất.
Đơn cử dịp Tết vừa qua, một gia đình Ấn Độ đã chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức tiệc cưới. Dù chỉ có hơn 350 khách mời nhưng đơn vị tổ chức sự kiện đã phải huy động hơn 100 nhân viên, đầu bếp cùng hơn 2 tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ từ Ấn Độ qua để phục vụ cho lễ cưới.
Ông Satish Ramnani - giám đốc Veydaa Events, đơn vị tổ chức sự kiện cưới trên - cho biết trong năm nay có thêm hai đám cưới khác được công ty lên lịch tại Đà Nẵng.
"Đà Nẵng có nhiều lợi thế là hạ tầng lưu trú sang trọng đang trở thành điểm đến cưới hấp dẫn được nhiều gia đình giàu có Ấn Độ lựa chọn", ông Satish Ramnani cho biết.
Cần thêm đầu bếp và nhà hàng món Ấn
Ấn Độ được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn với những vị khách "sộp" có thói quen chi tiêu rất bạo. Tuy nhiên số nhà hàng Ấn Độ tại Đà Nẵng mới chỉ trên đầu ngón tay.
Đặc biệt các nhà hàng Hồi giáo trên địa bàn Đà Nẵng được chứng nhận Halal để phục vụ khách Hồi giáo càng hiếm hơn nữa đang là trở ngại lớn.
Anh Janardhan, chủ cửa hàng Indian Curry-Da Nang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã hoạt động được bốn năm, cho biết bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực của các vùng đất mới thì nhiều người Ấn lại "trung thành" với những món quen và thực hành tôn giáo.
Có thể chia khách Ấn theo ba dòng ăn uống là những người theo đạo Hindu, thứ hai là những người ăn chay, nhóm còn lại là những người khách theo đạo Hồi.
Trong đó, khách theo Hồi giáo khi đến nhà hàng đều yêu cầu được xem Chứng nhận Halal (chứng nhận xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo) mới dùng bữa.
Trong khi đó, người Ấn ăn chay và những người Ấn theo đạo Hindu (không ăn thịt heo, bò) cũng cần có không gian ngồi riêng.
Anh Chatur, du khách Ấn Độ, cho rằng nhiều khách Ấn mang theo đồ ăn nếu cảm thấy không an tâm với những món ăn bày ra. Vì vậy, nếu được phục vụ với sự chỉn chu, cầu kỳ, phù hợp với văn hóa và các quy tắc của người Ấn sẽ là một điểm cộng lớn để thu hút khách.
Theo ông Nain, các đơn vị khai thác du lịch ở Đà Nẵng cần lưu ý đến văn hóa ẩm thực của người Ấn.
Cần có sự "đi trước" trong đầu tư cơ sở vật chất và con người liên quan đến lĩnh vực nhà hàng khi phục vụ dòng khách Ấn và những người theo đạo Hồi.
Bởi khách Ấn Độ có thói quen lưu trú dài ngày (với thời gian trung bình 5-7 ngày) tại một địa điểm nên nếu không làm "hài lòng" dạ dày sẽ khó thu hút.
Ông Lương Văn Trang - giám đốc khối Inbound Công ty cổ phần Vietnam TravelMART - cho biết với lượng du khách Ấn Độ ngày càng tăng như hiện nay thì số lượng các nhà hàng Ấn Độ ở Đà Nẵng chưa đủ sức phục vụ. Đặc biệt là cho các đoàn khách lớn như khách MICE, đám cưới... càng khó lòng đáp ứng.
Do đó, với các đoàn lớn bắt buộc các công ty lữ hành phải đưa đầu bếp Ấn sang phục vụ. Đó là chưa nói đến khẩu vị của từng vùng, địa phương đều khác nhau.
"Đây là nguồn khách tỉ dân, trong khi Việt Nam đang là cái tên rất được quan tâm tại Ấn Độ nên chúng ta cần có sự phối hợp từ các cấp cao hơn, như phối hợp đào tạo nhân lực, đầu bếp Ấn, thêm vào đó là sự thông thoáng về công tác xuất nhập cảnh, visa để tranh thủ cơ hội này" - ông Trang nói.
Bà Nguyễn Thị Hoài An - giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng - cho biết vừa qua TP cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến, hội thảo liên quan đến thị trường khách Ấn Độ. Trong đó nhìn nhận khi mở rộng thị trường thì vấn đề ăn uống và thực hành tôn giáo cần được lưu tâm.
Đà Nẵng đã có kế hoạch bố trí không gian tại sân bay để làm phòng cầu nguyện, khuyến khích cơ sở lưu trú dành sự quan tâm đến ẩm thực Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận