Khi đọc chia sẻ như muốn khóc của nghệ sĩ nhân dân Trà Giang về sự đổ nát của Hãng phim truyện Việt Nam trong lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, đặc biệt khi nhìn thấy tấm ảnh chụp Trà Giang buồn bã trước cảnh hoang tàn khi về thăm lại hãng phim, tôi cũng như nhiều người làm trong ngành điện ảnh cảm thấy thật đau lòng.
Tôi bỗng nhớ đến chung cư cũ mà mình sinh ra và lớn lên vốn được giao cho cán bộ nhà nước sau 1975, trong đó có bố mẹ tôi, những người con Hà Nội vào TP.HCM nhận công tác giảng dạy môn lịch sử tại các trường đại học.
Tôi lưu lại trong mình những ký ức tuổi thơ về khoảnh sân chung, từng bậc cầu thang, hành lang, từng cái cây, viên gạch của khu chung cư yên bình quá đỗi. Đặc biệt tôi nhớ những gương mặt cũ: những bác tổ trưởng dân phố, những cụ lão thành, từng đứa trẻ đã lớn lên cùng nhau...
Năm 2008, tôi thực hiện phim tài liệu Chung cư của tôi như một cách dấn thân vào chính nơi mình quen thuộc và tưởng đã hiểu. Lúc đó chung cư có nguy cơ bị bán cho các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng một công trình lớn hơn.
Tôi ghi lại những phản ứng, sự xôn xao của hàng xóm trước tin bán nhà và nguy cơ tan rã một cộng đồng đã sống cùng nhau hàng chục năm. Trên hết ký ức và kỷ niệm về chung cư của chính chúng tôi. Chung cư của tôi trở thành tấm giấy thông hành cho tôi đi học xa hơn và trở thành một nhà làm phim thực thụ.
Năm 2016, chung cư chính thức bị bán, một cộng đồng chính thức tan rã. "Những người muôn năm cũ" liên hệ với tôi để gửi gắm lời cảm ơn, rằng họ xem phim và nhớ chung cư như một giá trị tinh thần, với những con người đã sống và sẻ chia từng giai đoạn khó khăn.
Tôi còn nhận được tin nhắn của một em bé sinh ra trong những năm 2000, rằng nhờ Chung cư của tôi em đã lưu giữ được phần nào đó tuổi thơ của mình. Tôi cảm động mình đã lưu giữ phần nào giá trị của quá khứ và ký ức.
Một hãng phim, như Hãng phim truyện Việt Nam, cũng có thể dừng hoạt động khi không còn sản xuất được những bộ phim phù hợp với thị trường. Nhưng những di sản mà nó để lại chắc chắn không thể mai một theo thời gian.
Sức mạnh lớn nhất của điện ảnh là khả năng lưu giữ hình ảnh, những ký ức. Thời gian sẽ cuốn chúng ta đi, nhưng những gương mặt của điện ảnh luôn ở lại trong phim và trẻ mãi.
Khuôn hình có lưu những khuôn mặt của các thế hệ diễn viên Việt Nam: Trà Giang trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Tố Uyên trong Chim vành khuyên, Lê Vân trong Bao giờ cho đến tháng mười... mỗi khi được trình chiếu, tưởng như chỉ mới quay hôm qua và bộ phim lại được sống thêm một lần nữa.
Tôi hiểu và đồng cảm với cảm xúc cũng như những giọt nước mắt đã rơi xuống của nghệ sĩ Trà Giang - người hiếm hoi trên những thước phim kinh điển từng là niềm tự hào không chỉ của riêng Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn sống, giờ lại đau lòng phải chứng kiến di sản tinh thần bà từng trân trọng yêu thương đang mục rã theo thời gian.
Một hãng phim trước nguy cơ phải đóng cửa thì không có nghĩa là mọi thứ được phép hoang tàn và mai một.
Ở đó chắc chắn phải còn lại rất nhiều di sản, như một thực thể và như một trong những giá trị văn hóa tinh thần, huống gì là Hãng phim truyện Việt Nam vốn là hãng phim từng đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử của điện ảnh, của đất nước.
Khi còn là sinh viên, tìm hiểu về điện ảnh, tôi đã tìm học được những quan điểm làm nghề của các thế hệ đi trước, học được những bài học về lịch sử và cuộc sống của những thời kỳ mà tôi chưa từng trải qua.
Tôi mong muốn sau này lớp trẻ cũng có cơ hội được mở ra những "cuốn album gia đình" để trân trọng những giá trị cũ đã trở thành di sản. Do đó tôi nghĩ câu chuyện và số phận của Hãng phim truyện Việt Nam không thể mang kết cục buồn đến thế.
Khi ta đánh mất những bức ảnh gia đình, ta như muốn khóc vì như mất đi ký ức về nguồn gốc, danh tính và sự liên kết với quá khứ.
Di sản mà một hãng phim đã từng huy hoàng cũng thế. Khi ta để mất đi di sản, ta cũng muốn khóc vì không biết một phần điện ảnh Việt Nam đã hình thành và phát triển như thế nào, như thể sẽ khó mà định danh và tìm căn tính của một nền nghệ thuật điện ảnh.
Hãng phim truyện Việt Nam nếu không phải là một thực thể sống thì chắc chắn còn lại là một di sản và chúng ta không thể đánh mất.
Để hôm nay, khán giả phải khóc theo từng giọt nước mắt đã rơi xuống của nghệ sĩ Trà Giang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận