09/07/2018 09:39 GMT+7

Giọng Đà Nẵng trên 'nhà đài' lớn nhất Hàn Quốc

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - KBS - hệ thống phát thanh truyền hình lớn nhất ở "xứ sở kim chi" đang đó một MC người VN. Đó là chị Lê Nguyễn Minh Phương (31 tuổi, quê Đà Nẵng) người dẫn dắt chương trình "Chuyện từ Seoul" hằng tuần trên kênh quốc tế KBS World radio.


Giọng Đà Nẵng trên nhà đài lớn nhất Hàn Quốc - Ảnh 1.

Chị Lê Nguyễn Minh Phương trong một lần thực hiện chương trình "Chuyện từ Seoul" trên kênh quốc tế KBS World radio - Ảnh: NVCC.

Vừa đóng vai trò chủ chốt trong chương trình, chị Phương còn là "đại sứ" quảng bá hình ảnh Việt Nam ở xứ Hàn.

Từ người kể chuyện thành... dẫn chuyện

"Tôi từng là khách mời của KBS trong chuyên mục "Chuyện từ Seoul" nhưng không ngờ một năm sau tôi lại trở thành người dẫn dắt chính chương trình mà mình từng xuất hiện với vai trò khách mời trước đó" - chị Phương nói về "cái duyên" đến với công việc yêu thích của mình hơn ba năm nay.

Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc (KBS World radio) là kênh thông tin quốc tế lớn nhất nước này được dịch ra 11 ngôn ngữ chính thức trong đó có tiếng Việt. 

"Chuyện từ Seoul" là một trong những chuyên mục thuộc chương trình phát thanh bằng tiếng Việt được phát định kỳ hằng tuần. 

Có thể hình dung như đây là một talkshow thu nhỏ trên sóng radio, chuyên phỏng vấn và giới thiệu những sự kiện giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc, những gương mặt nổi bật trong cộng đồng và nghệ sĩ hai nước. 

Một kênh thông tin chuyên thông tin phục vụ cộng đồng người Việt đang sống tại Hàn Quốc cũng như những người quan tâm đến đất nước này.

Giọng Đà Nẵng trên nhà đài lớn nhất Hàn Quốc - Ảnh 2.

Chị Lê Nguyễn Minh Phương (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) trong chuyến thăm Phủ Tổng thống do đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook (hàng đầu, thứ 5 từ trái qua) mời - Ảnh: NVCC.

Năm 2013, chị Phương nhận được học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Hàn tại Đại học Yonsei của Chính phủ Hàn Quốc. 

Ngay lần đầu tiếp xúc với chương trình trong vai trò khách mời, chị ngay lập tức cảm thấy thú vị bởi chường trình ngoài thể hiện bằng tiếng Việt, còn do chính người Việt Nam dẫn dắt ở nơi đất khách quê người. Vì vậy, khi biết thông tin KBS tuyển người dẫn chương trình, chị đã nộp đơn ứng tuyển làm "nghề tay trái".

"Chuyện từ Seoul" có thời lượng kéo dài gần 20 phút trong đó có nhiều thông tin về đời sống của cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc và giới thiệu văn hóa người Việt đến cư dân bản địa. 

Theo chị Phương, thời gian đầu đến với chương trình là lúc rất khó khăn nhất vì mọi thứ còn mới mẻ. Phải mất rất nhiều thời gian để đọc báo, lên mạng tìm kiếm nhân vật, chủ đề phù hợp để giao lưu. 

Chị kể: "Mình cũng không được bỏ sót thông tin về các cuộc thi, sự kiện liên quan giữa hai nước vì đây là mấu chốt tình hữu nghị. Có thời điểm tôi chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày vì chạy song song chương trình trên lớp và nhà đài. Làm bài tới rạng sáng nhưng phải dậy sớm để ghi hinh phỏng vấn".

Đến với công việc này, ban đầu chị Phương nghĩ là để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người. Nhưng đến bây giờ, khi trở thành người kể chuyện từ thủ đô xứ người, một niềm vui khác to lớn hơn đến với chị chính là việc được chia sẻ những thông của đồng bào mình với thế giới, cũng như là nơi tìm đến của cộng đồng người Việt xa quê.

Người Việt xa xứ phải nỗ lực rất nhiều

"Làm ở đâu, làm việc gì thì cũng phải cố gắng mới thành công. Nhưng đối với người Việt mình ở Hàn Quốc đó là sự nỗ lực gấp 2-3 lần sức mình. Sự nỗ lực không chỉ để thay đổi cuộc sống mà còn để góp phần thay đổi những định kiến không tốt về cộng đồng chúng ta" - chị Phương nói như giãi bày sự cố gắng của mình.

Chính vì thấu hiểu cuộc sống của những người con xa xứ mà những chương trình chị dẫn dắt đều rất hay tìm đến những nhân vật, gương mặt có đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, cũng như đóng góp cho việc giao lưu văn hóa - kinh tế giữa hai quốc gia. 

Trong đó theo chị Phương, ấn tượng hơn cả là những chương trình làm về những nhân vật là phụ nữ Việt Nam thành công và có những đóng góp cho cộng đồng ở đây. Đặc biệt là những chị em sang theo diện kết hôn với người bản xứ.

Theo chị Phương, việc kết hôn với người nước ngoài được đánh giá tích cực như là một cơ hội giao lưu văn hóa, một kênh "ngoại giao nhân dân" hiệu quả. Thế nhưng nhiều biến tướng tiêu cực đã mang đến những câu chuyện đau lòng trong thời gian qua đã "ăn" thành một nếp nghĩ không tốt của người bản xứ khi nhìn người Việt. 

Chính vì vậy chị Phương cho rằng những người phải nỗ lực không ngừng để có được một vị trí đáng công nhận trong xã hội Hàn Quốc là vô cùng đáng trân trọng. Bởi để hoà nhập và thành công, các chị em sang Hàn Quốc theo diện kết hôn phải nỗ lực gấp bội từ những việc tưởng chừng như đơn giản nhất là tìm hiểu văn hóa, học tiếng Hàn, cho đến kiếm một công ăn việc làm ổn định...

Đó là lý do mà chị Phương nhiều lần tham gia các khóa giảng dạy tiếng Hàn miễn phí. "Tôi vẫn hay nói với chị em là việc học tiếng Hàn không chỉ để giao tiếp có việc làm mà còn để khẳng định mình trong xã hội, để mọi người thấy được sự những đức tính tốt chị khó, chăm chỉ của người Việt mình" - chị Phương nói.

Chị kể có lần chị cùng gia đình đi taxi, lái xe Hàn Quốc nghĩ rằng chị sang đây theo "diện cô dâu" nên có thái độ thiếu tôn trọng. Đến khi chị nói rằng mình là một du học sinh, không phải con nhà giàu mà tự xin được học bổng của Chính phủ Hàn Quốc và đang học ở một trường danh tiếng tại thủ đô thì người lái xe đã thay đổi thái độ. 

"Tìm được một nhân vật hay là một cơ hội để mang đến yếu tố tích cực, động viên những người Việt xa xứ trong cuộc sống cũng như tạo sự gắn kết với cộng đồng cũng như giúp người Hàn Quốc hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa Việt Nam. Đó cũng là lý do mà tôi sẽ tiếp tục gắn bó với chương trình dù rất bận bịu" - chị Phương thổ lộ.

Chị Phương cũng đã thực hiện nhiều chuyên đề lấy chồng Hàn Quốc với nhiều nhân vật để phác họa những bức tranh toàn cảnh về đời sống của họ. Ngoài những vướng víu về ngôn ngữ, trái ngang về nghịch cảnh nhiều cô dâu lấy chồng xứ Hàn biết cố gắng vươn lên đã tìm đến những gam màu khác là tình yêu, hạnh phúc.

Niềm tự hào Đà Nẵng

Chị Phương hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Yonsei và được tuyển chọn làm giáo sư giảng dạy tiếng Hàn ở bậc cao học và đại học của ĐH Namseoul cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Chị cũng từng là phiên dịch viên cho nhiều đoàn ngoại giao Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành khi sang làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại.

Trong những lần được trò chuyện với bạn bè và quan chức Hàn Quốc, điều làm chị tự hào nhất chính là việc ai cũng biết đến Đà Nẵng. 

"Nhiều đoàn doanh nghiệp khi biết tôi đến từ Đà Nẵng đều "ồ" lên vì biết rất rõ thành phố. Đa số những người đã tới Việt Nam đều đã đến thành phố chúng ta. Họ xem thành phố chúng ta như là một biểu tượng đổi mới và hiện đại của Việt Nam" - chị Phương nói.

Theo chị Phương, đã số những người Hàn Quốc đều rất thích Đà Nẵng ở điểm có bờ biển cát mịn rất đẹp, con người thân thiện và nhất là rất... an toàn.

Chị cho biết nhiều người Hàn vì quá thích Đà Nẵng nên đã đến tìm chị để hỏi về việc kinh doanh và định cư lâu dài bên bờ sông Hàn thơ mộng. Thậm chí có nhiều người còn tham gia các khóa học tiếng Việt cấp tốc để tìm cơ hội kinh doanh và đón đầu luồng gió khách Hàn Quốc tới Đà Nẵng.

Đặc biệt, tại trường nơi chị Phương công tác đang có mục tiêu toàn cầu hoá, mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Do vậy đây là cơ hội để chị tiếp tục gắn bó với chương trình và tìm kiếm nhiều cơ hội trong các mối quan hệ để thực hiện một số dự án văn hóa giữa Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung với đất nước Hàn Quốc.

Hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt

Ngoài việc tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Nam Seoul và là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Yonsei, chị Phương còn tham gia rất tích cực trong các hoạt động của cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc.

Chị Phương từng là phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc chuyên phụ trách các hoạt động truyền thông. Chị cũng tham gia giảng dạy các lớp tiếng Việt miễn phí cho gia đình đa văn hóa cũng như tham gia các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Tháng 3-2018 , chị Lê Nguyễn Minh Phương là một trong 15 du học sinh Việt tiêu biểu được đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook mời đến thăm và dùng cơm tại Phủ Tổng thống. Trước khi sang Hàn Quốc, chị Phương là cựu sinh viên tiếng Hàn ở ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Bạn đọc có thể theo dõi chương trình "Chuyện từ Seoul" tại địa chỉ: http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_seoulreport.htm


TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên