01/08/2018 15:39 GMT+7

Giới trẻ Nhật không thể sống thiếu điều gì?

CÔNG NHẬT (từ Tokyo, Nhật Bản)
CÔNG NHẬT (từ Tokyo, Nhật Bản)

TTO - Những ngày này, một số thành phố của Nhật Bản hệt như "chảo lửa". Thực chất, lời khen cho văn hóa ứng xử của người Nhật là thừa vì cả thế giới đều ngả mũ trước họ. Dẫu vậy, có tận mắt chứng kiến thì vẫn khó thể không trầm trồ.

Giới trẻ Nhật không thể sống thiếu điều gì? - Ảnh 1.

Giới trẻ Nhật không ngại mặc trang phục truyền thống - Ảnh: C.NHẬT

Tôi giật mình hét lên khi đang rảo bộ trên một con đường nhỏ ở Tokyo. Vì mải đùa với bạn nên tôi lùi nhanh và đụng phải một chiếc xe hơi đang trờ chậm đến ngay sau lưng mình.

Người lái xe vội hạ kính và cúi đầu, nói "Sumimasen" (Xin lỗi) dù ông chẳng hề có lỗi. "Xin lỗi" là từ được dùng nhiều nhất ở xứ sở hoa anh đào (theo trang Japan-talk), vị trí gần kề là lời cảm ơn.

Các nhân viên dịch vụ tại Nhật thường cúi chào và nói lời cảm ơn từng vị khách một, không quên kèm theo một nụ cười đầy trìu mến. Đây là hình ảnh dễ nhận thấy ở các khu mua sắm hoặc trạm tàu điện.

Dù nhịp sống ở các thành phố lớn của Nhật Bản rất hối hả - hình ảnh dễ nhận thấy ở các trạm tàu - nhưng trên các con đường của thành phố, những dòng xe khác (xe hơi, xe máy, xe đạp...) chạy chậm, rất hiếm khi nhấn còi và luôn kiên nhẫn nhường người đi bộ.

Bạn sẽ chẳng bao giờ biết có một chiếc xe đạp đang chạy thật chậm, đợi sau lưng mình trừ khi quay lại phía sau (có một số con đường, người đi bộ và xe đạp dùng chung làn đường với nhau). Ở những ngã rẽ không đèn giao thông, xe hơi tự khắc nhường đường cho người đi bộ.

Trên tàu điện lẫn các không gian khác, rất ít người trò chuyện lớn tiếng hay nói chuyện điện thoại, ăn uống. Ngay cả khu trung tâm mua sắm thành phố Osaka, nơi nhiều bạn trẻ tụ tập nhảy breakdance, hip hop... nhưng âm thanh cũng chỉ đủ để họ nghe.

Ở các thành phố hiện đại và năng động như Tokyo, Osaka, khi cần bạn vẫn có thể tìm thấy những không gian trầm lắng, đậm chất Phù Tang, nơi nam thanh nữ tú í ới nhau trong bộ trang phục truyền thống kimono, yukata vào mỗi dịp hội hè.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, dưới cái nóng đổ lửa, giới trẻ Nhật vẫn không ngại bận yukata, đi guốc gỗ đến các ngôi đền, xem pháo bông dịp cuối tuần. Với họ, việc được mặc bộ trang phục truyền thống là niềm hãnh diện khó tả dù họ thừa nhận đôi khi cũng bức bối.

Đón tôi ở trạm Tokyo Station là Hiroyuki Okamoto. Dù là con rể của một gia đình sở hữu tập đoàn lớn tại Nhật Bản, bản thân anh cũng là giám đốc điều hành một công ty công nghệ nhưng Hiroyuki đến chỗ hẹn bằng tàu điện, trong bộ áo thun, quần soóc, balô đơn giản.

"Bạn có để ý thấy nhiều tòa nhà cao tầng tại Tokyo không có các bảng tên điện tử lớn? Chúng tôi biết điều đó sẽ gây khó khăn cho người khác khi tìm kiếm nhưng chúng tôi cũng rất ngại sự phô trương không cần thiết" - Hiroyuki mỉm cười, trả lời khéo khi tôi hỏi sao anh không đến bằng xe hơi riêng. Văn hóa khiêm nhường dường như khắc sâu vào trong mỗi người Nhật.

"Từ nhỏ chúng tôi được dạy không nên làm phiền người khác. Học dở là làm phiền cha mẹ, gây ồn là làm phiền người xung quanh, làm dở là làm phiền người trả lương cho mình.

Cách suy nghĩ đó là điều chúng tôi luôn nhắc mình không thể thiếu dù đang ở đâu, làm gì", một bạn trẻ khác - Sasuke, 25 tuổi, chia sẻ. Lối suy nghĩ thoạt nghe tưởng rất đơn giản nhưng lại khiến chúng tôi suy ngẫm mãi...

Bí mật của các thiền sư Nhật Bản: Tự ướp xác chính họ Bí mật của các thiền sư Nhật Bản: Tự ướp xác chính họ

TTO - Nhiều năm về trước, giới khoa học hết sức kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy xác ướp của các nhà sư Nhật Bản. Họ không hề giống chút nào với các xác ướp vua chúa được tìm thấy ở Ai Cập. Bí mật nằm ở đâu?

CÔNG NHẬT (từ Tokyo, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên